Việc Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Chi cục địa phương tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu chứa cỏ kế đồng, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là sai quy định.
Tại cuộc họp của Tổ công tác Chính phủ về đôn đốc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành ngày 17/10, bà Lý Thị Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM phản ánh, doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lại “đang lao đao vì một văn bản của Cục Bảo vệ thực vật”.
Cụ thể, ngày 5/9 các doanh nghiệp nhận được công văn số 95 của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I, nêu từ 1/11/2019 sẽ buộc tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (cỏ kế đồng). Văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I được đưa ra sau chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
“Nửa tháng nay tất cả hoạt động sản xuất, nhập khẩu lúa mì của doanh nghiệp đều bị ngưng trệ. Sau lệnh này của cơ quan quản lý, đối tác Mỹ, Canada cũng đã gửi thư đề nghị huỷ hợp đồng xuất, nhập khẩu đã ký”, bà Chi bức xúc.
Theo tính toán, mỗi chuyến tàu nhập lúa mì trị giá khoảng 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng), nếu buộc phải tái xuất thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Chưa kể, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4 – 5 triệu tấn lúa vì từ đối tác truyền thống như Mỹ, Nga, Canada… nếu chuyển đổi sang quốc gia khác thì khó đáp ứng về giá và chất lượng.
“Quyết định này có hiệu lực gây thiệt hại không chỉ với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất bột mì do phải ngưng sản xuất, mà doanh nghiệp sản xuất từ loại nguyên liệu này cũng bị ảnh hưởng”, Chủ tịch Hội Lương thực TP HCM tiếp lời.
Bà Lý Thị Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM. Ảnh: Nhật Bắc |
Bà đề nghị, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tạm dừng thời gian thực hiện quy định của Cục bảo vệ thực vật việc tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu kiểm dịch thực vật nhiễm cỏ kế đồng.
Lắng nghe phản ánh của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, việc lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước là sai quy định pháp luật.
“Không thể lãnh đạo thuộc thẩm quyền Cục, Chi cục ban hành văn bản pháp luật. Về pháp lý thì việc ban hành này không đúng thẩm quyền, cho thấy sự lộng hành trong ban hành văn bản pháp luật. Cán bộ công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và có tác động lớn tới doanh nghiệp”, ông khẳng định.
Ông cũng tỏ ý buồn khi Bộ trưởng Nông nghiệp quyết liệt trong gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng cấp dưới vẫn tồn tại sai sót.
Phản hồi phản ánh của Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, đã lập tức liên lạc với lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật. “Ngày 8/10 Cục đã có cuộc họp với Hội lương thực, bàn về tác động của văn bản này. Sau cuộc họp hôm nay chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ xử lý ngay”, bà Kim Anh nói.
Nhắc lại lần nữa việc ban hành văn bản trên của Cục Bảo vệ thực vật là không đúng thẩm quyền, Bộtrưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp thu hồi văn bản sai phạm trên.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cũng cho biết, vừa có công văn gửi các doanh nghiệp yêu cầu từ ngày 1/11 những doanh nghiệp đã nhập khẩu các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây cỏ kế đồng) sẽ phải tái xuất.
Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan kiểm dịch phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu lẫn cỏ kế đồng trong số gần 4 triệu tấn lúa mì đã nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Lượng lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam có khoảng 75% phục vụ chế biến thực phẩm, 25% sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho biết, cỏ này không hại cho sức khỏe con người, không mất an toàn thực phẩm mà chỉ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, nguy cơ ảnh hưởng môi trường nông nghiệp và lúa gạo xuất khẩu. Vị này cũng cho rằng, nếu các quốc gia đang nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam biết được cỏ kế đồng xuất hiện ở các vùng trồng, sản phẩm nông nghiệp như gạo sẽ bị ảnh hưởng.
Hoài Thu
Theo VNExpress