Nhóm nhà khoa học phát hiện hóa thạch ốc sên dài 0,5 cm, mẫu vật cổ xưa nhất đến nay còn lưu giữ được phần thân mềm.
Hóa thạch ốc sên cổ xưa nhất chứa phần thân mềm. Ảnh: Lida Xing. |
Các nhà khoa học tìm thấy một con ốc cạn với phần đầu, thân, chân, mắt và vỏ trong mảnh hổ phách từ thời khủng long ở miền bắc Myanmar, National Geographic hôm 11/10 đưa tin. Mẫu vật chỉ dài khoảng 0,5 cm. Nó được mua từ một nhà sưu tầm hóa thạch năm 2016 cùng vỏ của con ốc sên khác trong tình trạng bảo quản kém hơn.
Phần lớn hóa thạch ốc sên chỉ lưu giữ vỏ. Tuy nhiên, trường hợp mới phát hiện là mẫu cổ nhất với các mô mềm được bảo quản trong hổ phách. Nghiên cứu do nhà thám hiểm Lida Xing từ Đại học Địa chất Trung Quốc dẫn đầu. Họ cũng từng tìm ra chim non, ếch rừng nhiệt đới, rắn con, thậm chí đuôi khủng long có lông vũ trong hổ phách ở Myanmar.
“Ốc sên kẹt trong hổ phách rất hiếm, chưa kể mẫu ốc sên đặc biệt này còn chứa bộ phận mềm. Nhựa cây cổ đại có khả năng bảo quản ấn tượng, lưu giữ những chi tiết nhỏ nhất của sinh vật hóa thạch hàng triệu năm trong không gian 3D hoàn hảo, tốt đến nỗi trông chúng chỉ như từ hôm qua”, nhà cổ sinh vật học Jeffrey Stilwell tại Đại học Monash, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét.
Hình ảnh 3D của hóa thạch ốc sên. Ảnh: Lida Xing. |
Ốc sên với mô mềm đôi khi được tìm thấy trong hổ phách ở các địa điểm khác. Tuy nhiên, mẫu vật mới bỏ xa kỷ lục trước đó ít nhất 70 triệu năm. Nó cung cấp những dữ liệu mới và quan trọng về tính đa dạng sinh học cao của rừng nhiệt đới trong kỷ Phấn Trắng.
Ốc sên trong hổ phách có thể liên quan đến họ ốc cạn cyclophoridae sống ở môi trường nhiệt đới và cận nhiệt đới ngày nay. Liên họ của chúng nổi tiếng với chiếc nắp vỏ cứng, đóng vai trò như nắp đậy hay cửa chặn khi ốc thu mình vào vỏ. Tuy nhiên, mẫu vật này rất nhỏ và chưa trưởng thành, gây khó khăn cho việc xác định chính xác tên loài.
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết, mẫu vật hình thành khi ốc sên ngã vào nhựa cây. Vỏ ốc nhanh chóng bị thứ chất đặc và dính này bao phủ, khiến con vật không thể rút vào trong. Có lẽ nó đã cố vươn phần thân mềm về phía trước để tẩu thoát, nhưng rồi bị nhựa cây bao phủ hoàn toàn.
George Poinar, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bang Oregon, đưa ra giả thuyết khác. Ông cho rằng phần thân mềm sưng phồng của con ốc chỉ ra, có thể nó bị một kẻ săn mồi tấn công, xé thịt, vô tình đánh rơi xuống nhựa cây rồi bỏ lại.
Thu Thảo
Theo VNExpress