Giới trẻ khởi nghiệp thường đối mặt với nỗi lo thất bại nên cần đủ bản lĩnh, kiên trì mới thành công, theo Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam.

Chương trình University Tour do VnExpress tổ chức vừa diễn ra tại Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech), mở đầu chuỗi sự kiện truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên diễn ra trong khuôn khổ cuộc thi Startup Việt 2018. Chương trình thu hút hơn 500 sinh viên cùng đại diện nhà trường tham gia và các diễn giả là những nhà khởi nghiệp nhiều kinh nghiệm.

Chương trình University Tour do Báo VnEpress tổ chức vừa diễn ra tại Đại học Công nghệ TP HCM

Chương trình University Tour tại Đại học Công nghệ TP HCM thu hút hàng trăm sinh viên tham dự. Ảnh: Hữu Khoa.

Tại sự kiện, nhiều bạn trẻ bày tỏ ước mơ startup nhưng vẫn lúng túng chưa biết khởi đầu như thế nào. Đơn cử, sinh viên Võ Văn Tánh ấp ủ dự án sản xuất và kinh doanh giấy làm từ vỏ trấu thay vì làm bằng bột gỗ thông thường. Nếu hiện thực hóa, công nghệ sản xuất giấy này có thể giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, giúp đỡ bà con nông dân có thêm thu nhập từ tiêu thụ vỏ trấu thay vì phải đổ bỏ như hiện tại.

“Tuy nhiên em vẫn chưa xúc tiến thực hiện ước mơ khởi nghiệp vì lo ngại thất bại và không biết bắt đầu từ đâu”, Tánh bộc bạch.

Nhiều sinh viên khác cũng chia sẻ kế hoạch startup trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất sản phẩm sinh học, phát triển du lịch sinh thái… Nhưng các bạn vẫn chưa định hình được hướng đi không biết ý tưởng của mình có khả thi hay không, gọi vốn từ đâu, phát triển dự án như thế nào, đối mặt ra sao với khủng hoảng…

Với vai trò diễn giả, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, điển hình cho thế hệ 8X tay trắng làm nên cơ nghiệp nghìn tỷ, rất đồng cảm cùng các bạn trẻ về nỗi sợ thất bại trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Thậm chí ông từng nghĩ đến cái chết, sau nhiều lần cố gắng khởi sự kinh doanh nhưng vẫn thất bại.

Xuất thân trong một gia đình không mấy khá giả ở Quảng Ninh, ngay từ thời cấp hai, ông đã phải tranh thủ từng 15 phút giải lao giữa giờ học để khuân vác hàng hóa, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Tốt nghiệp cấp ba, chàng thanh niên 18 tuổi đã bước ra đời, tự bươn chải để kiếm sống.

Lúc ấy, nhìn thấy người ta làm thợ chụp ảnh ăn mặc bảnh bao, công việc nhẹ nhàng, ông chọn đi làm thuê cho cửa hàng chụp ảnh. Được 2 năm, nghe mọi người kháo nhau đi buôn có nhiều tiền hơn, ông lại chuyển sang buôn bán…

“Thời trẻ mình không có mục đích gì nên cứ đốt cháy thời gian một cách lãng phí”, ông Tam kể lại.

ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo,

Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, khuyên sinh viên cần kiên trì và luôn học hỏi, đúc kết kinh nghiệm mới có thể thành công. Ảnh: Hữu Khoa.

Cơ duyên đưa ông đến với điện tử khi một người bạn rủ theo xe áp tải hàng từ Bắc vào Nam. Vốn ít, các chàng trai chỉ mua mỗi lần vài chiếc tivi ở Móng Cái rồi đưa vào chợ Nhật Tảo (Sài Gòn) để bán lại. Hàng đưa vào bán trong một tuần lại theo ôtô quay ngược ra Bắc để lấy hàng tiếp. Trung bình mỗi tháng, nhóm chỉ đưa được 2-3 chuyến hàng như vậy.

“Buôn một cái tivi như vậy thì lợi nhuận khoảng 500.000 đồng. Lúc đó, chúng tôi đã thích lắm rồi”, ông Tam chia sẻ.

Sau vài chuyến hàng, Tam quyết định ở lại để làm thuê cho một cửa hàng cung cấp hàng điện tử lớn ở Sài Gòn. Từ công việc giao – nhận hàng, ông khám phá ra quá trình vận hành của một công ty chuyên về phân phối hàng hóa. Cộng thêm những hiểu biết sẵn có về hàng điện tử, ông đứng ra mượn tiền của bạn hàng để tự kinh doanh riêng.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc, chàng trai xứ Quảng Ninh vấp phải thất bại đầu tiên. Hàng sau khi giao cho đối tác bị nợ động, thất thoát. Số vốn vay mượn ban đầu nhanh chóng đội nón ra đi.

Đến năm 2002, Tam gắng gượng đứng lên lần nữa, tự mình đi tìm nguồn hàng đưa về chợ bán. Ông kinh doanh nhưng không hề nghĩ mình đang có bao nhiêu tiền, lợi nhuận sau mỗi lần bán hàng có khả quan không… Chỉ cần được làm trong ngành điện tử, dù là giao nhận hàng, ông cũng cảm thấy thỏa mãn.

“Lúc đó mình chẳng có gì để sợ thất bại. Lợi thế của tuổi trẻ là không vướng bận gì hết, có gia đình nuôi và không có nhiều tiền để mất”, CEO Asanzo kể lại.

Với niềm đam mê cháy bỏng như vậy, trong vòng hai năm, ông trở thành “ông trùm” chợ trời, với số vốn tích lũy lên đến 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc vấp phải bài học đau đớn hơn. Ông gửi toàn bộ số tiền của mình về Bắc cho đối tác nhập thêm hàng mới. Nhưng người này dùng tiền đó để đi làm việc khác, sau đó bị bắt và kết án 20 năm tù giam. Tam mất trắng 400 triệu đồng chỉ trong 5 ngày.

Trở về quê năm đó, Tam trong tâm trạng của kẻ bất đắc chí. Mang danh xa xứ lập nghiệp mà bao nhiêu năm trôi qua ông chỉ có hai bàn tay trắng. Trong khi bạn bè đồng trang lứa, người đã có cơ ngơi khang trang, kẻ đã công việc ổn định.

“Lúc đó mình sĩ diện lắm. Một thanh niên vào Sài Gòn làm ăn không được lại đi về quê, chỉ nghĩ đến cái chết thôi”, ông nói.

Bây giờ nhìn lại, ông lại thầm cảm ơn những thất bại đã qua. Bởi nó cho ông sự bình tâm, giảm đi những hiếu thắng của tuổi trẻ. Thay vì mãi lao vào khởi nghiệp rồi thất bại, ông quyết định đi làm thuê cho một công ty điện tử lớn ở Bình Dương. Qua thời gian này, ông mới có thêm kiến thức và kinh nghiệm về điều hành, tổ chức một doanh nghiệp.

Những kinh nghiệm có được khi làm thuê sau này trở thành vốn quý trong quá trình ông từng bước xây dựng nên tập đoàn Asanzo ngày nay. Do đó với ông, hai yếu tố quan trọng nhất giúp thành công là sự kiên trì và kinh nghiệm.

Bà Ngô Thùy Ngọc Tú (trái) - đồng sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược và sản phẩm của Tổ chức giáo dục Yola chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cùng sinh viên. Ảnh: Hữu Khoa.

Bà Ngô Thùy Ngọc Tú (trái) – đồng sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược và sản phẩm của Tổ chức giáo dục Yola chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cùng sinh viên. Ảnh: Hữu Khoa.

Có nền tảng xuất phát vững vàng hơn, Ngô Thùy Ngọc Tú – đồng sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược và sản phẩm của Tổ chức giáo dục Yola sở hữu bằng cử nhân ngành Chính sách công tại Đại học Stanford (Mỹ) và thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Insead (Singapore) trước khi khởi nghiệp. Nhưng ở cái tuổi 18-20, Tú cũng giống như phần đông bạn trẻ khác không biết ra trường mình sẽ làm gì, để tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Trong thời gian học ở Mỹ, cô nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho bài toán cuộc đời. Cuối cùng, Tú quyết định sẽ thử qua tất cả những lĩnh vực mình thích để chọn ra con đường của mình. Không muốn phí phạm thời gian, cô lao vào “thử nghiệp” ngay từ khi còn trên ghế giảng đường.

“Mình chưa biết sẽ làm gì sau khi ra trường nhưng mình biết mùa hè này sẽ làm gì. Mục tiêu là xem lĩnh vực đó có gì hay, còn thiếu gì và mình có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu đó”, cô chia sẻ.

Mùa hè năm đầu tiên học đại học, Tú cộng tác với một tổ chức phi lợi nhuận. Mùa hè năm thứ hai, cô xin thực tập không lương cho quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong thời gian này, bên cạnh hoàn thành các công việc được giao, cô xin thực hiện một dự án riêng. Đó là dự án ứng dụng công nghệ vào giáo dục.

Năm thứ ba, Tú làm việc cho một công ty chuyên về tư vấn chiến lược kinh doanh ở Singapore. Và năm thứ tư, Tú cùng nhóm bạn khởi nghiệp Yola – dự án dạy tiếng Anh trực tuyến bằng cách cung cấp nền tảng website kết nối người học ở Việt Nam với các giáo viên bản ngữ tại Mỹ.

Con đường đi có vẻ bằng phẳng với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, nhưng không có nghĩa là Tú hoàn toàn “miễn nhiễm” với nỗi sợ thất bại. Cũng giống như đa phần các startup trong giai đoạn đầu, nỗi sợ luôn thường trực trong mỗi bước tiến của Yola.

Thời điểm cô khởi nghiệp năm 2009, thị trường giáo dục trực tuyến còn mới mẻ tại Việt Nam. Ngay cả việc mua sắm trên mạng cũng chưa phổ biến. Hơn nữa, người dùng vẫn quen tâm lý muốn nhìn thấy kết quả ngay, trong khi việc học trực tuyến đòi hỏi thời gian dài rèn luyện. Việc tạo ra một thị trường hoàn toàn mới là quá khó với startup non trẻ.

May mắn khi cô sớm nhận ra “Nỗi sợ không tự biến đi”. Người ta chỉ có thể kiểm soát nó nếu có đủ kiến thức về sản phẩm, về tài chính. Thay vì thức dậy với sợ hãi thất bại, mỗi ngày, Tú đều tự trả lời 3 câu hỏi lớn: sản phẩm có đáp ứng nhu cầu thị trường không; trên thị trường đã có sản phẩm tương tự hay chưa và mình có gì đặc biệt để cạnh tranh với đối thủ.

Những câu hỏi này giúp cô tự tin mình đã đi đúng hướng và dừng lo lắng để tập trung vào việc đưa ra bước đi mới. Nhóm cô tự đặt cho mình giới hạn, nếu sau 2 năm vẫn không làm được gì thì sẽ dừng dự án để đi làm thuê. Các bạn cũng chủ động tìm đến những người có kinh nghiệm ở các công ty lớn hơn để xin học hỏi kinh nghiệm.

Bằng những bước đi thận trọng, kế hoạch dự phòng đi làm thuê sau 2 năm của các bạn trẻ đã không cần thực hiện. Yola trở thành thương hiệu giáo dục trực tuyến được mọi người biết đến. Tú lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 – những gương mặt trẻ thành công dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Chia sẻ về nỗi sợ thất bại của đa số bạn trẻ, Tú cho rằng tại Việt Nam, gia đình, bạn bè thậm chí là các đối tác có khuynh hướng cho rằng những người đã thất bại một lần là không đủ năng lực. Nhưng ở những đất nước cởi mở hơn, các bạn khởi nghiệp lần thứ 3 thường được đánh giá có khả năng thành công cao hơn. Khi đã trở thành một nhà đầu tư, bản thân cô cũng thường ưu tiên hơn cho những startup đã từng phá sản và biết rút ra kinh nghiệm từ thất bại đó.

“Thường mình chỉ sợ những điều mà mình không biết, không hiểu hoặc không kiểm soát được. Câu hỏi không phải là làm sao để không có nỗi sợ mà là làm sao kiểm soát được nó”, bà Tú nhận định.

Từ hai câu chuyện khởi nghiệp trên, ông Phạm Văn Tam khuyên các bạn sinh viên không nên khởi nghiệp ngay khi vừa tốt nghiệp xong. Nếu có ý tưởng khởi sự kinh doanh, các bạn nên tìm đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực đó làm thuê một thời gian, để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, giới trẻ không nên quá sa đà vào hưởng thụ hoặc quên mất mục tiêu ban đầu của mình sau thời gian đi làm.

“Không ai là người giỏi hết mọi thứ vì xã hội luôn thay đổi. Mỗi bạn nên chọn mục đích trước để biết cách học hỏi trong quá trình đi làm thuê”, ông Tam đút kết.

Ánh Thúy

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN