VinFast tạo hiệu ứng tích cực về mặt hình ảnh nhưng sau đó là bài toán chinh phục khách hàng về chất lượng, giá bán và dịch vụ hậu mãi.

15h45 ngày 3/10, tại sân chơi của một trong 5 triển lãm ôtô lớn nhất thế giới, Paris Motor Show 2018, hai mẫu Lux A2.0 sedan và Lux SA2.0 SUV của VinFast chính thức ra mắt. Lá cờ đỏ sao vàng cũng lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm vừa kỷ niệm 120 năm tuổi.

Lux A2.0, mẫu sedan đầu tiên của VinFast tại triển lãm Paris. Ảnh: Bouniol Guillaume/Twitter.

Lux A2.0, mẫu sedan đầu tiên của VinFast tại triển lãm Paris. Ảnh: James Scoltock/Twitter.

Ở khía cạnh tạo sức hút với khách hàng, đặc biệt là người Việt, hai mẫu xe mang logo VinFast đang nhận được sự kỳ vọng lớn. Truyền thông trong và ngoài nước cũng đề cập nhiều tới hãng xe Việt những ngày qua.

Nhiều tiềm năng

Các chuyên gia trong ngành ôtô tại Việt Nam dành sự quan tâm lớn đến hãng xe của tỷ phú Vượng, mà có thể sẽ là đối thủ của họ trong tương lai gần. Với những ý kiến đồng tình, VinFast đang cho thấy một chiến lược bài bản trong cách làm xe.

“Bản thân việc một thương hiệu Việt xuất hiện ở một triển lãm lớn như Paris gây chú ý lớn với báo giới nước ngoài, huống hồ với người dân trong nước”, sếp một hãng xe Đức tại Việt Nam bình luận. Ông cho biết thêm, vẫn còn sớm để nhận định VinFast có được đón nhận hay không, nhưng thương hiệu này đã tạo được một hiệu ứng lớn về mặt tinh thần đối với chính người Việt.

Từ bản concept đến sản phẩm thương mại cần không dưới một năm theo cách các hãng xe đang áp dụng. Nhưng với tốc độ hiện nay, đến tháng 3/2019 ôtô VinFast sẽ đi vào sản xuất, tức chỉ 6 tháng kể từ lúc ra mắt bản concept tiền khả thi.

“Dục tốc bất đạt, nhiều người có lý khi e ngại về tốc độ làm xe của VinFast, nhưng nếu nhìn hướng đi của họ thời gian qua, đó không phải là điều phi thực tế”, vị này nói.

Trong nỗ lực của hãng xe Việt, khó có thể bỏ qua những công ty lớn trong ngành công nghiệp ôtô với vai trò đối tác. Để đạt mục tiêu có xe thương mại vào khoảng quý III/2019, các công ty OEM (nhà sản xuất gốc) mà VinFast đặt hàng đã khởi động dây chuyền linh, phụ kiện ngay từ bây giờ, thậm chí sớm hơn, một chuyên gia trong ngành nhận định.

Mẫu SUV Lux SA2.0 tại gian hàng của VinFast ở triển lãm Paris hôm 3/10. Ảnh: Bouniol Guillaume/Twitter.

Mẫu SUV Lux SA2.0 tại gian hàng của VinFast ở triển lãm Paris hôm 3/10. Ảnh: Bouniol Guillaume/Twitter.

Lê Anh, huấn luyện viên toàn cầu của BMW, người đang sở hữu 2 chiếc BMW, 1 chiếc Porsche và 1 xe Audi cho biết đã rất háo hức và tính tới việc đặt hàng xe VinFast khi ra mắt tại Việt Nam. “Có lẽ sẽ chọn sedan trước, SUV sau”, anh chia sẻ. Là người sử dụng nhiều sản phẩm và dịch vụ của Vingroup, anh tin tưởng tiềm lực của hãng. Bên cạnh đó, hãng mua công nghệ từ BMW, hợp tác với các hãng châu Âu, Mỹ nên càng đảm bảo. “Tất nhiên xe mới ra những năm đầu khó tránh lỗi, nhưng có thể trong ngưỡng chấp nhận được”.

“Tôi cho rằng, VinFast đã làm đúng khi xác định những gì công ty có và không”, giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật tại Việt Nam phát biểu. “Chúng ta cần phải thực tế. Họ chọn đứng trên vai người khổng lồ để tính đến chiến lược dài lâu. Một đất nước mà ngành công nghiệp phụ trợ còn èo uột thì đừng nói đến việc tự sản xuất ôtô chỉ trong một, hai năm”.

Hàng chục năm qua, khi kỳ vọng ngành công nghiệp ôtô nội địa Việt Nam vẫn còn dang dở, sự xuất hiện của VinFast được các chuyên gia đánh giá là cú hích lớn.

Lắm e ngại

Bên cạnh những lời tán dương, cũng có ý kiến trái chiều về tốc độ phát triển bất ngờ của VinFast. Một chuyên gia có nhiều năm làm việc cho hãng xe sang tại Hà Nội, tỏ ra bình thản với “hiện tượng” mới.

“Những hình ảnh và thông số ban đầu chưa thể nói lên nhiều điều về dòng xe của VinFast. Thậm chí đây chưa phải phiên bản thương mại. Việc VinFast có thể nhanh chóng ra xe cũng dễ hiểu do đã mua hầu hết công nghệ, thiết kế và sáng chế của các hãng để thực hiện lắp ráp”.

Đồng quan điểm, một cựu kỹ sư người Việt từng nhiều năm làm việc ở tập đoàn Volkswagen (Đức), cho rằng người Việt có thể vui, tự hào vì sự ra đời của một thương hiệu Việt trên đất Pháp. “Nhưng sau đó là gì? Chất lượng, độ tin cậy và giá cả như thế nào mới là bài toán mà VinFast phải giải quyết khi tiếp cận khách hàng”.

Bùi Sinh, sếp nhiều năm tại các hãng xe sang cho rằng chưa có cơ sở để tin tưởng về hai mẫu xe mới. Những thông tin hiện mới chỉ một chiều, chưa có xe để kiểm chứng. “Có thực mới vực được đạo”, anh phân tích. Chất lượng xe ra sao, hàm lượng công nghệ thế nào mới là câu chuyện tiếp theo.

Vị này cũng cho rằng, nếu định vị hai mẫu xe đầu tiên ở phân khúc cao cấp thì “niềm tự hào dân tộc” chỉ là cách làm thương hiệu, không có hiệu quả trong bán hàng. Với khách hàng giàu có đi xe sang, cận sang, lòng yêu nước không thể thay thế những tính toán thực tế.

Về định vị, các chuyên gia cho rằng xe nằm ở phân khúc cận sang, vượt phổ thông. Với kích thước tương đương BMW series 5, Lê Anh cho rằng bản sedan bán khoảng 1,4 tỷ, trong khi bản SUV ngưỡng 1,8 tỷ. Bùi Sinh không đưa ra con số cụ thể nhưng nhận định xe nằm cùng phân khúc Volkswagen tại Việt Nam khi ra mắt, tức trên xe Nhật, dưới xe Đức. Ngoài ra, một số ý kiến khác còn nhận định VinFast sẽ táo bạo hơn khi có thể hạ giá để bán ngang xe Nhật.

Những niềm tin về tiềm năng hay sự e ngại về chất lượng của những nhà chuyên môn trong ngành bốn bánh xuất phát từ việc Vingroup mạnh tài chính nhưng không có kinh nghiệm trong công nghiệp chế tạo. Ngoài hai mẫu xe cao cấp, trên cả dự án, VinFast vẫn còn hai mẫu xe nhỏ chạy xăng và điện làm vũ khí chiếm doanh số và cơ sở cho tương lai.

Nhóm phóng viên

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN