Kiến trúc sư vừa phải tận dụng được các góc chết, đồng thời đảm bảo các không gian chính vuông vắn và gọn gàng.
Miếng đất nhỏ (41,8m2) và méo (6 cạnh, không cạnh nào vuông góc với cạnh nào), toạ lạc tại quận 3, TP HCM sầm uất nơi “tấc đất, tấc vàng”. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là phải tận dụng tối đa quỹ đất eo hẹp, không chỉ là thiết kế trên toàn bộ ranh giới đất, mà còn phải tận dụng được các góc chết đồng thời đảm bảo các không gian chính vuông vắn và gọn gàng, cân bằng được công năng và thẩm mỹ.
Vì thế, kiến trúc sư Trương Trọng Đạt và các đồng nghiệp tại Minimal Design đã thiết kế nhà vệ sinh ngay góc khó bố trí nhất, tận dụng góc xéo nhỏ để vừa làm hộp gen kỹ thuật, vừa để lấy vuông lại phòng vệ sinh. Các ban công được thiết kế dựa theo góc xéo của ranh đất, tạo điểm độc đáo cho mặt ngoài công trình, cũng như có tác dụng lấy vuông lại các không gian phòng ngủ, phòng khách.
Tầng trệt được bố trí bếp và bàn ăn. Phần lớn không gian giữa nhà được bỏ trống để gia chủ sau này có thể để xe hơi khi cần thiết, đồng thời cũng là không gian lý tưởng được dùng khi có đông bạn bè và họ hàng qua chơi.
Tầng lửng được bố trí làm phòng khách đồng thời cũng là phòng sinh hoạt chung. Ngay từ đầu, gia chủ xác định, rất ít khi tiếp khách nên công năng tiếp khách có thể đánh giá là yếu tố phụ.
Ở đây, không có những bộ ghế sofa cồng kềnh như thường thấy trong các phòng khách. Thay vào đó là những món đồ nhẹ nhàng dễ di chuyển khi cần thiết. Tại đây, cả nhà có thể nằm thoải mái xem phim hay nghe nhạc vào một chiều cuối tuần rảnh rỗi.
Lầu 1 được bố trí là phòng ngủ – học – chơi của hai cậu con trai nhỏ. Giường tầng được bố trí một bên nhà, khéo léo che đi khuyết điểm đất méo.
Đối diện giường tầng là tủ quần áo và bàn học. Phần lớn diện tích giữa nhà được để không để hai bạn nhỏ có thể chơi đùa thoả thích.
Lầu 2 là phòng ngủ của chủ nhà. Một lần nữa, việc bố trí các không gian phụ trợ sát mép ranh đất hay những chỗ ranh đất bị méo đã giúp tận dụng tốt diện tích, đồng thời làm vuông lại các không gian chính bên trong.
Một phần không nhỏ diện tích tầng 2 được dùng làm phòng thay đồ rộng rãi.
Do diện tích nhà nhỏ, kiến trúc sư đã mạnh dạn kết hợp hệ cầu thang bộ và giếng trời bằng cách sử dụng sắt tấm có đục lỗ để làm mặt bậc. Kết cấu của cầu thang sắt đơn giản, tiết diện nhỏ tối đa giúp cho không khí và ánh sáng có nhiều lỗ trống để luồn vào. Mô hình cầu thang kết hợp giếng trời này khiến vào nhà có cảm giác thông thoáng, không ngột ngạt như những dạng cầu thang bê tông.
Tầng thượng cũng được sử dụng tối đa khi vừa là chỗ trồng rau, giặt đồ, phơi đồ, chỗ chơi ngoài trời cho con, và còn là chỗ lai rai nhậu mỗi khi có dịp của bố.
Thái Bình
Ảnh: Minimal Design
Theo VNExpress