Robot có thể hái hoa quả, chăm sóc người già hoặc phẫu thuật… mang lại cảm giác dễ chịu cho người dùng mà không lo nguy hiểm.
Vừa trở về Việt Nam cùng hơn 100 nhà khoa học trẻ tài năng, PGS Hồ Anh Văn, Trưởng phòng nghiên cứu robot mềm, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản chia sẻ nhiều thông tin thú vị về chuyên ngành đang nghiên cứu là robot mềm.
Khác với công nghệ robot cứng truyền thống có những cử động thiếu tự nhiên và không linh hoạt, robot mềm được làm từ vật liệu mềm và cơ cấu truyền động silicon dẻo. Công nghệ này có khả năng hỗ trợ robot quan sát, cảm nhận và điều khiển hệ thống thực hiện các thao tác kỹ thuật tốt hơn so với robot cứng.
Điều này sẽ giúp khắc phục những khó khăn trong tương lai khi con người phải tạo nên một loại robot linh hoạt, mềm dẻo có thể bắt chước được những cử động như con người và mang tính ứng dụng cao.
PGS Hồ Anh Văn chia sẻ thông tin nghiên cứu về robot tại Việt Nam ngày 21/8. Ảnh: AT. |
“Thông thường robot trong các nhà máy hiện nay rất cứng. Nếu ra ngoài nhà máy, robot tương tác với con người rất có thể gây nguy hiểm. Bản thân con người có lẽ không muốn tương tác với những robot như vậy”, PGS Hồ Anh Văn nói.
Với robot mềm, cảm nhận được thế giới xung quanh tốt sẽ thuận lợi hơn trong các ứng dụng phục vụ con người, gây cảm giác dễ chịu cho người dùng.
Robot mềm là hướng nghiên cứu mới. Hiện tại trên thế giới đang phát triển rất nhanh theo nhiều hướng ứng dụng. PGS Văn cho biết, các nghiên cứu và thiết kế anh đang thực hiện hướng tới ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Trong nông nghiệp, robot có thể thu hái mà không lo làm hỏng các loại rau quả. Trong dịch vụ, robot có thể chăm sóc người già hoặc phẫu thuật mà không gây tổn hại các cơ quan bên trong của con người.
Ở các thành phố thông minh, robot có thể xuất hiện trong nhà phụ giúp các bà nội trợ những công việc đơn giản. “Tôi hy vọng những con robot này được ứng dụng nhiều trên thế giới và cả Việt Nam”, PGS Văn nói.
Muốn giúp Việt Nam đào tạo sinh viên ngành robot
Ở Nhật Bản, công việc chính PGS Hồ Anh Văn đang đảm nhiệm là nghiên cứu phát triển hệ robot mềm và giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh trong các dự án robot.
Anh cũng là người có kinh nghiệm kết nối cộng đồng khoa học trong nghiên cứu robot và nhiều lĩnh vực khác nên có điều kiện để đóng góp cho quê hương.
PGS Văn cho biết, phòng nghiên cứu robot mềm hiện có nhiều sinh viên người Việt đang được anh trực tiếp hướng dẫn. Ở Nhật Bản cũng có nhiều nghiên cứu viên, kỹ sư người Việt đang làm việc tại tập đoàn công nghệ lớn. Đây chính là cơ hội để họ học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới.
“Tôi cho rằng, ở nước ngoài, người Việt dạy cho người Việt sẽ tốt hơn. Tôi đang đào tạo nhiều sinh viên Việt Nam. Khi họ tốt nghiệp từ phòng thí nghiệm sẽ có những hợp tác cụ thể hơn với các đơn vị nghiên cứu trong nước”, PGS Văn cho biết.