Không qua trường lớp chuyên môn, nông dân 56 tuổi ở Hải Dương đã sáng chế nhiều thiết bị cho sản xuất nông nghiệp, được thị trường đón nhận.

Gần tháng nay, ông Nguyễn Văn Chế (56 tuổi, ở huyện Nam Sách, Hải Dương) bận rộn với những đơn đặt hàng máy sấy, máy sàng, lưỡi cày… đến từ khắp nơi. Ông cùng gần chục người trong xưởng miệt mài làm không hết việc, thời gian ăn trưa gói gọn trong 10-15 phút. Quá nhiều đơn hàng quá ngày trả, khách liên tục gọi khiến ông huy động thêm cả vợ cùng làm.

Người địa phương gọi ông Chế là “vua sáng chế” bởi không qua trường lớp chuyên môn, nhưng gần như yêu cầu của khách ông đều đáp ứng. Đến nay bảng thành tích của người nông dân này treo kín tường nhà.

Mô hình lưỡi cày lên luống (màu vàng). Ảnh: VTV2.

Mô hình lưỡi cày lên luống (màu vàng). Ảnh: VTV2.

Sinh ra trong gia đình nhà nông gồm sáu anh chị em, ông Chế bảo việc có đủ cơm ăn mỗi ngày là chuyện ngoài sức tưởng tượng chứ đừng nói đến việc đi học. Hết lớp 7, ông phải nghỉ học mưu sinh.

Cuộc sống đồng ruộng cơ cực, vất vả lại không có thu nhập khiến ông ngày đêm mong tìm cách thoát nghèo. Ông Chế mạo hiểm với nghề cơ khí trong khi không có vật liệu, tiền phải đi vay, kiến thức chuyên môn là con số 0, sản phẩm cũng chưa biết có ai mua nên vợ ông ra sức can ngăn. Lúc đó, ông chỉ nói: “Phải làm thì mới biết được”.

Ông tự mày mò, tạo ra các thiết bị đơn giản, nhưng rồi tất cả đều phải bỏ đi. Mỗi lần thất bại, ông đúc rút ra kinh nghiệm quý báu mà không sách vở nào dạy. Năm 2008, sáng chế đầu tiên đã thành công, đó là lưỡi cày tạo luống. Từ thực tế bà con làm nghề nông đến vụ trồng lúa, hành phải sử dụng trâu để làm đất, vất vả, năng suất không cao. Ông chế ra sản phẩm giúp bà con làm đất nhàn hơn.

Lưỡi cày nặng khoảng 20 kg thiết kế theo hình chữ V. Máy cày lật đất đi đến đâu, lưỡi cày làm đất sẽ tạo thành những luống đều nhau đến đó. Nếu như trước đây một tháng bà con mới hoàn thành vụ trồng màu, nay chỉ cần một tuần là xong, tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Để chế máy cày tạo luống, lão nông Hải Dương đã trải qua rất nhiều thất bại, sửa đi sửa lại từ lúc còn trên bàn vẽ, đến thiết kế. Phải bỏ đi bao nhiêu sản phẩm làm thử, máy thử nghiệm nhiều lần chỉ chạy chứ không tạo thành luống khiến ông có ý định buông xuôi.

Sau nhiều đêm thức trắng, tự hàn xì, bắt ốc, điều chỉnh, lắp đặt máy cày tạo luống đã thành công khi chạy trên cánh đồng trước sự chứng kiến của bà con. Sản phẩm giúp ông Chế đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh 2008.

Ông Nguyễn Văn Chế và chiếc máy sấy hàng nông sản đang lắp đặt dở dang. 

Ông Nguyễn Văn Chế và chiếc máy sấy hàng nông sản đang lắp đặt dở dang.

Làm được sản phẩm đầu tay giúp ông có động lực nghiên cứu chế tạo nhiều máy nông sản, như: máy rửa, thái, sàng hàng nông sản, phục vụ sau thu hoạch. “Mỗi lần làm máy mới là không ngủ vì phải tìm ra hướng đi mới, đáp ứng được yêu cầu của bà con”, ông nói.

Máy sấy đang là sản phẩm được nhiều nơi đặt hàng nhất. Với thiết bị này, hàng nông sản sẽ không bị mọc mầm hoặc hỏng sau thu hoạch khi trời mưa kéo dài. Chiếc máy gồm bốn bộ phận là động cơ, bệ máy, bộ trục cánh, phần vỏ. Nhà sáng chế Hải Dương cho biết việc tạo và lắp cánh quạt sấy rất quan trọng, giúp giảm lượng tiêu thụ điện năng, máy không bị rung lắc và cho hiệu quả nhất.

“Chỉ trong ba tiếng, 10 tấn lúa sẽ được sấy khô như phơi nắng, nên vào mùa mưa bà con không lo lúa mọc mầm”, ông nói và cho biết sáng chế này đã được giải thưởng của Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8.

Đam mê và gặt hái nhiều kết quả trong lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Văn Chế là một trong 12 nông dân của tỉnh Hải Dương được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lần thứ 2 năm 2015.

Phạm Hương

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN