Chụp ảnh cùng mô hình đồ ăn khổng lồ hay tự làm ly mỳ ăn liền ở bảo tàng khiến du khách thích thú.
Wonderfood museum (Malaysia)
Một trong những điểm không nên bỏ lỡ của các tín đồ ẩm thực châu Á là bảo tàng Wonderfood ở Penang, nơi bạn có thể tìm hiểu về lịch sử đồ ăn cũng như sống ảo với bộ hình không đụng hàng cùng các mô hình mì, bún… khổng lồ. Bảo tàng chia làm 3 khu: Info Zone giới thiệu tất tần tật các món đường phố và đặc trưng ẩm thực Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ. Từ bữa sáng truyền thống bằng cà phê với trứng luộc đến bữa ăn chính gồm nhiều món hấp dẫn như thịt kho, cá kho kiểu Malaysia… được tái hiện như thật. Sang Wow Zone là nơi du khách được thỏa thích chụp các bức ảnh độc đáo cùng tô mì, quả sầu riêng to hơn người trưởng thành… Còn khu Education Zone sẽ dạy bạn sử dụng thức ăn đúng cách và ảnh hưởng của thức ăn đối với cuộc sống, môi trường… rất có ích trong giáo dục.
Địa chỉ: 49 Lebuh Pantai, George Town, Penang, Malaysia.
Giá vé: 115 RM (khoảng 650.000 đồng)
Mở cửa: 9h – 18h.
Tteok museum (Hàn Quốc)
‘Mọt’ phim Hàn chắc chắn không ai còn xa lạ với món tokbokki trứ danh xứ củ sâm. Và có bao giờ bạn tự hỏi có bao nhiêu loại bánh gạo hay cách làm món này như thế nào chưa? Bảo tàng bánh gạo (gọi ngắn gọn là bánh tok) ở Seoul sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc của bạn. Ngoài tìm hiểu lịch sử món bánh này, bạn còn được giới thiệu về vài phong tục tập quán cũng như văn hóa của người Hàn Quốc. Bên cạnh đó, lớp làm bánh tok dành cho những ai muốn tự chế biến món này ở nhà.
Địa chỉ: 71 Donghwamun-ro, Jongno-gu, Seoul
Giá vé: 3.000 won (khoảng 60.000 đồng)
Mở cửa: 10h – 18h (từ thứ 2 đến thứ 7); 12h – 18h (chủ nhật)
Bảo tàng Kim Chi (Hàn Quốc)
Kim chi là món ăn không thể thiếu trong tất cả các bữa ăn của người Hàn, từ quán lề đường cho đến nhà hàng sang trọng, bạn đều dễ dàng bắt gặp món này. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi ở Seoul có một bảo tàng về kim chi. Bảo tàng gồm 3 khu, tầng 1 giới thiệu về lịch sử của món đồ ăn kèm này, tầng 2 chỉ cho bạn biết kim chi được làm như thế nào. Tầng tiếp theo là cách phân biệt các loại kim chi khác nhau. Tại đây, bạn được biết chỉ cần thêm bớt vài thành phần nguyên liệu cũng có thể tạo ra một loại kim chi hoàn toàn khác. Tầng 4 đến tầng 6 là nơi du khách có thể học cách làm kim chi từ A đến Z, xem triển lãm đồ muối và các loại kim chi ở khắp thế giới.
Địa chỉ: 35-4, Insadong-gil, Jongno-gu, Seoul
Giá vé: 5.000 won (khoảng 100.000 đồng)
Mở cửa: 10h – 18h từ thứ 3 đến chủ nhật.
Cupnoodle museum (Nhật Bản)
Bảo tàng mỳ ly là nơi thú vị không kém, bởi ít ai nghĩ rằng đến một cốc mỳ quen thuộc với giới sinh viên cũng được trưng bày một cách trang trọng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì điều này là bình thường, thậm chí nơi này còn thu hút khá đông du khách lẫn người địa phương đến tham quan, vui chơi mỗi ngày. Bạn sẽ không thất vọng khi biết được quá trình một ly mì mà mình thường dùng được làm ra như thế nào. Đồng thời nếu dư giả thời gian, khách tham quan còn có cơ hội thử làm một ly mỳ “made by me” ở khu my cup noodle factory.
Địa chỉ: 2-3-4 Shinko, Naka-ku, Yokohama 231-0001, Nhật Bản.
Giá vé: 500 Yên (khoảng 105.000 đồng)
Mở cửa: 10h – 18h mỗi ngày
Shin-Yokohama Ramen museum (Nhật Bản)
Đây là bảo tàng về đồ ăn đầu tiên trên thế giới nhằm giới thiệu món mỳ ramen quốc hồn quốc túy của Nhật đến du khách quốc tế. Lịch sử món mỳ được kể chi tiết tại bảo tàng, qua những hình ảnh, mô hình mỳ, nước súp, đồ ăn kèm… Bên cạnh đó, Ramen Town ở tầng 2 khiến khách tham quan thích thú khi tái hiện lại khu phố Shitamachi – phố cổ ở Tokyo tại thời kỳ phát triển đỉnh cao của mỳ ramen. Tương tự như các bảo tàng đồ ăn khác, bạn có thể tự tạo tô mỳ hợp khẩu vị với mình ở đây.
Địa chỉ: 2-14-21 Shinyokohama, Kohoku-ku, Yokohama, Nhật Bản
Giá vé: 310 Yên (Khoảng 80.000 đồng)
Mở cửa: 11h – 22h mỗi ngày.
Vi Yến
Theo Ngôi Sao