Thu Trang mua sắm theo ‘quy trình ngược’ và thường bắt đầu từ các món đồ to như ghế, bàn ăn, giường, tủ.
Trước khi mua căn hộ cao cấp của tòa nhà mới xây tại thành phố Toronto, Canada, vợ chồng chị Phạm Trần Thu Trang từng vài lần chuyển nhà. Vì thế, chị cũng đã trải nghiệm nhiều “kinh nghiệm đau thương” trong việc mua sắm, sắp xếp đồ nội thất để có được không gian sống thẩm mỹ, tiện ích như hiện tại.
Hiện trạng ban đầu của căn hộ ngoại trừ bếp có đầy đủ thiết bị, các phòng còn lại đều trống trơn. Anh chị quyết định mua căn hộ vì ưng ý với phần thiết kế thô: Tất cả các phòng hứng sáng tốt, quay mặt vào nhau nên tập trung ánh sáng vào giữa nhà và tỏa ra đồng bộ. Nhược điểm duy nhất là vị trí căn hộ gần mặt đường nên có nhiều tiếng ồn và các tòa nhà trước mặt đang xây dựng dở dang.
Nhiều người cho rằng mua nhà không có nội thất là thuận lợi vì được sắm sửa đồ dùng theo ý mình, tuy nhiên theo Thu Trang, đó cũng là điều khó khăn hơn cả với vợ chồng chị vì không biết bắt đầu từ đâu, nhất là khi phải tự lên ý tưởng hoàn toàn mà không thuê thiết kế. Bà mẹ dược sĩ từng mắc 2 sai lầm dẫn tới kết quả không như ý. Đó là:
– Không giữ vững được lập trường khi đi tham khảo đồ nội thất và thấy cái gì cũng đẹp, dẫn đến tổng thể nhà không có điểm nhấn, thiếu hài hòa và chẳng có phong cách nhất định. Thu Trang cho rằng một phong cách đơn giản nhưng đậm chất vẫn thu hút hơn việc trong nhà có nhiều món đồ đẹp, sang trọng nhưng chẳng làm nổi bật bối cảnh chung.
– Tự ý thay đổi vài chi tiết trong các mẫu nhà đẹp đã tham khảo hay bên thiết kế đưa ra. Theo Thu Trang, trừ phi chủ nhân là người có gu thẩm mỹ tốt, còn nếu đã tham khảo, nếu thấy phù hợp với bố cục nhà mình rồi thì nên “bưng” nguyên mẫu. Vì một chiếc ly, cái khăn treo hững hờ cũng có dụng ý tinh tế, việc thay đổi đôi khi sẽ phá vỡ sự hài hòa của phối cảnh. “Đó là lý do vì sao hầu như 100% người tự thiết kế nhà đều tham khảo nhiều mẫu nhà đẹp, nhưng phần lớn sản phẩm lại không được như ý”, mẹ Việt ở Canada nói.
Nữ dược sĩ chọn màu vàng làm điểm nhấn cho căn hộ và phối thêm màu xanh của những chậu cây. |
Thu Trang cũng chia sẻ thêm là ngôi nhà trước đây của gia đình cô khá rườm rà, không nổi bật dù bỏ nhiều công trang trí. Sau đó, cô tự rút ra những nguyên tắc dưới đây và đã thực hiện triệt để trong lần kiến tạo không gian sống này.
– Xác định một phong cách xuyên suốt: Điều này quyết định màu sắc, chất liệu, hình dáng của tất cả các món đồ được lựa chọn. Thu Trang chọn phong cách tối giản (minimalist) cho ngôi nhà mới để phù hợp với quỹ thời gian của cô, vừa đi làm vừa chăm con nhỏ, không có người giúp việc. Hơn nữa, Thu Trang bảo cô không muốn thành “nô lệ” của đồ đạc, của việc phải duy trì những thứ dùng để phục vụ mình. Vì không phải là dân thiết kế chuyên nghiệp nên việc tối giản đồ dùng vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa giúp Thu Trang tiết kiệm và có nhiều thời gian cho thú vui khác.
– Chú trọng tính tiện ích, dễ lau chùi dọn dẹp: Sau một thời gian sử dụng, các ngôi nhà thường không đẹp như ảnh mẫu bởi sự xuất hiện của các món đồ “không tên” được dùng trong sinh hoạt hành ngày. Thu Trang thậm chí đã “đấu tranh” rất nhiều với ông xã về vấn đề này.
“Chồng tôi cho rằng nhà đẹp chỉ là nhà trưng bày, còn đã sử dụng thì không thể tránh khỏi các món đồ linh tinh. Nhưng theo tôi, nếu biết cách vẫn có thể duy trì được căn nhà luôn gọn, đẹp như ‘mẫu’, và tôi đã thuyết phục được chồng mình bằng cách thực hiện nó”, bà mẹ một con cho biết.
Thu Trang tối giản các chi tiết trang trí, lựa chọn đồ dùng hình khối trơn để dễ lau chùi. Tiếp đến, cô tận dụng tối đa không gian bằng các bảng, giá treo, khay/hộp/ngăn chia tủ thành nhiều hộc nhỏ. Thứ ba, mọi thứ đồ linh tinh phải được cất gọn gàng, dễ lấy, tránh phải bới tung cả tủ đồ.
Giá, kệ được Thu Trang sử dụng nhiều trong nhà để giữ không gian gọn gàng, ngăn nắp. |
– Chọn điểm nhấn là các vật thể to, trơn ít hoa văn, và cả căn phòng chỉ cần 1-2 điểm nhấn: Điều này Trang rút ra được từ việc để ý cách decor của khách sạn. Thay vì mua nhiều món nho nhỏ, chị chỉ chọn một món đồ to hẳn, nổi bật trong phòng. Đó có thể là một bức tranh thật lớn, một chậu cây to, một tấm thảm trải dưới chân ghế sofa, hay đồng hồ treo tường…
“Sử dụng 1-2 vật thể to vừa tạo cảm giác sang trọng vừa khiến không gian như rộng hơn và dễ lau chùi, bảo quản. Ngược lại, những món đồ bé xinh, trông thì dễ khiến xiêu lòng muốn mang về, nhưng lại làm cho bố cục bị cắt vụn và ‘tủn mủn’, và dễ gây bừa bộn”, Thu Trang chia sẻ quan điểm.
– Xác định ba loại màu là màu nền – màu chủ đạo – màu kết nối/màu trung chuyển cho căn nhà của mình: Màu nền thường là màu sơn tường, màu gạch. Nếu không phải là người có thể “chơi” được các gam màu “độc” thì các gam màu trung tính như kem – xám – trắng sẽ là lựa chọn đảm bảo sang trọng và không bao giờ lỗi mốt. Màu chủ đạo là màu tạo điểm nhấn. Và màu kết nối/trung chuyển chính là các màu tạo sự mềm mại, kết nối hài hoà các vật thể trong nhà.
Mẹ 8X chia sẻ ba cách chọn màu kết nối: Một là mở bảng màu ra tra và nhớ lưu ý độ sáng – tối trang mỗi gam màu. Chẳng hạn từ màu vàng đến xanh lá sẽ có hàng loạt các gam màu với sắc thái khác nhau ở giữa, đó là những màu mình có thể dùng làm màu trung chuyển. Hai là, các màu trung tính như nâu – xám – kem – trắng có thể dùng làm màu kết nối cho nhiều màu sắc, thậm chí vốn tương phản. Đó là lí do chúng ta nên chọn màu ghế sofa, màu bàn ăn hoặc khăn trải bàn, hay tủ kệ (các vật thể lớn) là những màu trung chuyển, còn bình hoa, bông hoa hay khăn ăn (các vật thể nhỏ) sẽ là các màu tạo điểm nhấn. Việc làm ngược lại vẫn được, nhưng sẽ “mạo hiểm” hơn, ví dụ cả chiếc ghế sopha hay tủ màu xanh lá thì việc phối màu sẽ khó hơn. Ba là nguyên tắc “trong màu này có màu kia”. Ví dụ như Thu Trang sử dụng tấm thảm trải dưới sofa với hoạ tiết được đan xen từ màu vàng (màu chủ đạo trong nhà), màu xanh old navy (màu của tấm màn trang trí kệ tivi), màu xám (màu ghế sofa).
Nữ dược sĩ chỉ chọn một màu làm điểm nhấn cho căn hộ là màu vàng và phối một màu chủ đạo trên nền màu trung tính. Theo Thu Trang, cách này vừa đơn giản lại bắt mắt. Màu vàng gợi sức sống và phù hợp với căn nhà nhỏ nhiều ánh sáng như của vợ chồng Thu Trang. Tuy nhiên, chị cũng cho biết nhược điểm của màu này khi dùng nhiều sẽ gây “mệt mắt”. Vì thế, Thu Trang chỉ điểm xuyết các vật thể nhỏ màu vàng chứ không dùng cho món đồ lớn hay không dùng làm màu sơn tường để tổng thể trông tinh tế hơn. Ngoài ra, mẹ 8X thích điểm màu xanh trong nhà bằng những chậu cây nhỏ, giàn cây treo…
– Quy trình ngược “mua đồ – lên ý tưởng”: Thu Trang giải thích vì đôi khi ý tưởng là một chuyện, nhưng có tìm được món đồ như ý không là chuyện khác; chưa kể chỉ cần chất liệu, độ trơn hay nhám thay đổi là đã không còn phù hợp nữa. Vì thế, chị sẽ đi xem đồ ở các cửa hàng nội thất trước và luôn bắt đầu chọn các món to nhất như ghế, bàn ăn, tủ, giường. Ở cửa hàng cũng sẽ cho chị nhiều ý tưởng và phối mẫu sẵn.