Lê Yên Thanh từ chối nhiều cơ hội hấp dẫn ở nước ngoài để về nước gia nhập công ty khởi nghiệp trước khi đồng sáng lập dự án blockchain.
Khác với hình mẫu khởi nghiệp điển hình vốn bận rộn với công việc xuyên thời gian, xuyên biên giới, Thanh trông rất ung dung. Chàng trai gốc An Giang thường dành cuối tuần để chơi game, cà phê với bạn bè hoặc lái xe dạo khắp nơi. Thanh không rảnh rỗi nhưng biết cân bằng nhiều hoạt động khác nhau và giao lưu với thế giới, hơn là 24/7 cắm mặt ở văn phòng.
Ở tuổi 24, Thanh chững chạc so với tuổi đời dù ngoại hình vẫn rất trẻ trung. Những trải nghiệm khác nhau, từ thung lũng Silicon đến công ty khởi nghiệp đã trao cho chàng trai trẻ sự tự tin và bình thản trước những biến động không ngừng của lĩnh vực công nghệ. Anh liên tục học hỏi và thích ứng với từng môi trường, không bỡ ngỡ khi trở thành nhà sáng lập một startup trong lĩnh vực rất mới là blockchain. Con đường Thanh đi không trải toàn hoa hồng, song tất cả đã khởi đầu từ những ngày anh còn là một cậu học sinh.
Bản thành tích trong mơ
Là con cả trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên dạy toán, Thanh sớm làm quen với những con số và các cuộc thi học sinh giỏi. Dù ở quê nhưng anh đã bước đầu tiếp cận với tin học qua những giờ vọc chiếc máy vi tính. Thanh tự mày mò làm nghiên cứu từ thời cấp hai, thỉnh thoảng viết bài gửi báo và nhận nhuận bút từ các tờ nổi tiếng về tin học thời bấy giờ như eChip, Làm bạn với máy vi tính. Số tiền từ các giải thưởng đủ để anh dành dụm tự mua một chiếc xe đạp thời điểm chuẩn bị vào cấp ba.
Tuy nhiên, phải đến năm lớp 10, chàng trai sinh năm 1994 mới có hiểu biết tường tận về bộ môn này qua những bài giảng trên lớp và tự lên mạng tìm hiểu để học hỏi thêm. Tình yêu với kho tàng kiến thức sống động ẩn chứa bên trong chiếc máy tính dần lớn hơn những con số trong toán học. Thanh chuyển từ lớp chuyên toán sang chuyên tin và trở thành nòng cốt trong đội học sinh giỏi tin của trường, mang về nhiều giải thưởng cấp tỉnh đến quốc gia.
Với bảng thành tích vàng trong tay, Thanh dễ dàng được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM). Từ năm thứ hai trên giảng đường, anh nghiên cứu khoa học và có nhiều bài báo quốc tế dựa trên nền tảng kiến thức chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và máy học. Trong các năm tiếp theo, chàng trai trẻ lần lượt gia nhập các công ty như Misfit, VNG và Google tại thung lũng Silicon, Mỹ.
Lê Yên Thanh có bản thành tích trong mơ từ thời học sinh. Ảnh: NVCC. |
Hoàn tất chương trình đại học, Thanh nhận được hơn năm lời đề nghị hấp dẫn từ các công ty lớn ở nước ngoài và Việt Nam. Trong đó, Google là sáng giá nhất với vị trí nhân viên toàn thời gian cùng mức lương 6.000 USD. Tuy nhiên, anh lại quyết định trở về quê hương trước sự ngỡ ngàng của mọi người và gia nhập một startup về hiệu ứng video.
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại thích công ty khởi nghiệp hơn là những ông lớn đã có vị trí vững chắc trên thị trường, Thanh nói rất thích quyển sách Zero to One (0 đến 1) chấp bút bởi hai doanh nhân nổi tiếng tại thung lũng Silicon là Peter Thiel và Blake Masters. “Nói đúng ra là không phải tôi thích khởi nghiệp mà thích làm những thứ mới. Nếu muốn sống một cuộc đời bình thường không mạo hiểm thì có thể làm ở công ty lớn, lương cao, đi chơi không cần phải lo nghĩ. Tôi cũng muốn như vậy nhưng đó là thời điểm 30 tuổi chứ không phải hiện tại”, Thanh giải thích.
Thanh của thì hiện tại thích làm những thứ mới mẻ, tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội và bung tất cả nhiệt huyết cho chúng. Anh đã tìm được tất cả những điều mình mong muốn khi gặp CEO ứng dụng tìm việc Jobhop Kevin Tùng Nguyễn, dẫn đến quyết định nghỉ việc và gia nhập dự án mới với vai trò đồng sáng lập. Những ngày mùa xuân của năm nay, chàng trai trẻ nghiên cứu sâu hơn về blockchain và nảy ý tưởng dùng công nghệ này giúp mọi người tối ưu hóa tài năng của mình. Đến tháng 5, dự án ấp ủ chính thức trình làng.
Bước ngoặt với blockchain
Thanh biết rằng làm việc ở những công ty lớn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhưng anh thấy bản thân năng động hơn trong việc tự học hỏi kiến thức khi là một nhà khởi nghiệp. Ở đó, blockchain không chỉ là khái niệm tân thời, mà anh tìm thấy giá trị hữu ích và giúp giải quyết những bài toán cấp thiết của xã hội trong một tương lai rất gần, thậm chí là hiện tại.
Thanh đưa tất cả ấp ủ của mình vào dự án mới. Startup sử dụng blockchain giải quyết bài toán ứng viên, giúp việc tuyển dụng hiệu quả và tốt hơn. Thực tế là hầu hết nhà tuyển dụng muốn tìm người giỏi, phù hợp nhưng số lượng hồ sơ nhiều, nhìn CV không thề biết khả năng thật sự của ứng viên, họ phải mất thời gian lọc ra vì không thể phỏng vấn hết và có khả năng bị sót ứng viên giỏi, phù hợp với vị trí cần tìm. Với người tìm việc, thành tích tốt chỉ là một phần, điều quan trọng là họ trình bày hồ sơ như thế nào, nếu quá phức tạp thì có thể nhà tuyển dụng sẽ không nhìn thấy những điểm nổi bật của ứng viên. Công nghệ blockchain giúp bỏ qua các bước đó và ứng viên có thể thực hiện các bài kiểm tra tương ứng với kỹ năng công việc yêu cầu. Nhờ đó, nhà tuyển dụng dễ chọn người phù hợp nhất với vị trí cần tuyển.
Bên cạnh đó, Thanh và cộng sự phát triển hệ sinh thái cộng hưởng xoay quanh Talo – viết tắt của Talent Optimization, tức tối ưu hóa tài năng. Anh muốn biến nền tảng thành bản lý lịch cá nhân trên blockchain, nhờ ưu điểm phi tập trung, ổn định về mặt dữ liệu với công nghệ này. Trong tương lai, Thanh ấp ủ đưa dự án trở thành một phần trong hệ sinh thái giáo dục, giúp tránh gian lận trong thi cử.
Từ trái qua: Thanh cùng Lưu Thế Lợi (nằm trong danh sách Under 30 châu Á của Forbes) và hai đồng sáng lập Talo Kevin Tùng Nguyễn, Robert Vong. Ảnh: NVCC. |
Mới khởi nghiệp lần đầu trong vai trò đồng sáng lập, Thanh không bỡ ngỡ. Không chỉ bởi kinh nghiệm từng làm ở công ty startup, chàng trai sự tự tin vào khả năng của bản thân và tương lai rộng mở của dự án, ít nhất anh tin mình có thể làm gì đó giúp xã hội thay đổi tốt đẹp hơn. Không phải Thanh không sợ thất bại, mà anh luôn nghĩ trong khởi nghiệp thì điều này có thể là hiển nhiên bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không đúng thời điểm, người đồng hành không phù hợp… nhưng tất cả đều sẽ là những bài học đáng giá. Dự án có thể thất bại nhưng con người của dự án thì không thất bại, Thanh luôn tin như thế.
Nhìn qua bản lý lịch trong mơ, không ai biết Thanh cũng nhiều lần đối diện với thất bại. “Thành công nhiều mà thất bại cũng nhiều”, 9x dí dỏm kể. Điều quan trọng với anh là phải tin vào bản thân, tin vào sản phẩm thì người khác mới có thể tin vào mình. “Cứ cho là thất bại 9 lần thì lần thứ 10 sẽ thành công”, chàng trai trẻ luôn lạc quan như thế.
Sự lạc quan cũng có nền tảng riêng bởi Thanh không gặp áp lực về tài chính. Từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, anh đã kiếm tiền và có nguồn thu ổn định dựa trên những sản phẩm tạo ra từ chất xám của mình. Không phải đóng học phí vì đã có học bổng, chàng trai cũng tự trang trải sinh hoạt phí và còn gửi về quê phụ giúp bố mẹ. Ở tuổi 24, Thanh tự sắm ôtô và thoải mái về các khoản chi phí hàng tháng. Với anh, công nghệ và khởi nghiệp là chặng đường dài và nếu chỉ suốt ngày nghĩ đến việc kiếm tiền sẽ bị giới hạn sức sáng tạo, mất tập trung vào tầm nhìn của dự án.
Thanh tự tin nhưng cũng rất thực tế. Mọi con đường dẫn đến ngày hôm nay đều xuất phát rất tự nhiên từ tình yêu với công nghệ thông tin từ ngày bé. Cậu nhóc ngày ấy dần chứng kiến những sự thay đổi của thế giới, đặc biệt là thông qua công nghệ và đã vẽ mình vào bức tranh lớn đó. Vì làm thứ mình thích, theo đuổi việc mình yêu, Thanh chưa một lần nản chí và không có cảm giác đang đi làm. Anh sống mỗi ngày với giấc mơ của mình và không bao giờ ngừng suy nghĩ về những việc có thể tác động tích cực đến xã hội. Thanh nói ít nhất thì sự sáng tạo và suy nghĩ về mặt công nghệ sẽ giữ đầu óc mình tươi trẻ. Thời gian có thể khiến con người già đi, nhưng trí óc sẽ khó lão hóa nếu con người vẫn tiếp tục nghĩ, thật sâu và nghiêm túc.
Trương Sanh
Theo VNExpress