Được mệnh danh là “siêu nhân” hay “Warren Buffett châu Á”, con đường làm giàu của tỷ phú Lý Gia Thành là chuỗi ngày cực nhọc từ tuổi 15.

Hơn hai thập kỷ qua, Lý Gia Thành giữ vững ngôi vị người giàu nhất Hong Kong, liên tục có mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes. Năm 2018, Forbes xếp hạng ông vị trí 23 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Khối tài sản của vị tỷ phú lên đến hơn 35 tỷ USD, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm công ty phát triển bất động sản Cheung Kong, Hutchison Whampoa, công ty sản xuất dầu và khí đốt Husky Energy của Canada,…

Lý Gia Thành được coi là tượng đài của nền kinh tế Hong Kong, không đơn giản chỉ bởi tài sản khổng lồ, mà câu chuyện vươn lên từ hai bàn tay trắng và những năm tháng khổ cực của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên lập nghiệp.

Trong chiến tranh, ông cùng gia đình chuyển từ quê nhà ở đại lục đến Hong Kong khi còn tiểu học. Cha ông vốn là hiệu trưởng một trường học địa phương, nhưng khi vừa chuyển đến nơi ở mới đã mắc bệnh lao phổi khiến kinh tế gia đình kiệt quệ và mất không lâu sau đó.

Chân dung tỷ phú Lý Gia Thanh thời niên thiếu. 

Chân dung tỷ phú Lý Gia Thanh thời niên thiếu.

Lý Gia Thành khi đó mới 14 tuổi đã sớm nếm trải sự mất mát và cô độc khi cũng nhiễm lao phổi, bị cách ly trong quá trình điều trị. Gia đình rơi vào cảnh túng quẫn cùng cảm giác không được ai giúp đỡ đã khắc sâu vào tâm trí cậu bé. “Ký ức khủng khiếp nhất cuộc đời tôi là chứng kiến cha mình vật lộn trên giường bệnh”, vị tỷ phú nhớ lại.

Gánh nặng nghèo đói và vị đắng của sự cô độc làm dấy lên những câu hỏi, giúp định hình nên con người ông sau này: Việc thay đổi số phận có là điều khả thi? Có thể đơn giản hóa mọi việc để ít rắc rối hơn không? Liệu con đường dẫn đến thành công có thể bằng việc lên kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ?

May mắn khỏi bệnh, nhưng ông buộc phải nghỉ học để đi làm nuôi gia đình ở tuổi 15. Kinh tế kiệt quệ đến mức ông phải bán đi quần áo của người cha vừa mất để lấy tiền mua thức ăn. Mỗi ngày, ông làm việc quần quật trong nhà máy nhựa 16 giờ đồng hồ, liên tục 7 ngày trong tuần và gửi 90% số tiền mình kiếm được về cho mẹ.

Nhờ thông minh và làm việc chăm chỉ mà ở tuổi 18, ông đã là nhân viên xuất sắc của nhà máy và được cất nhắc làm quản lý. Ông bắt đầu giành dụm tiền. Năm 1950, chàng thanh niên 22 tuổi quyết định mở doanh nghiệp nhỏ đầu tiên của mình. Công ty được lấy tên là “Cheung Kong” theo tên con sông Dương Tử, nơi hội tụ của muôn vàn dòng chảy, thể hiện sự tin tưởng của người sáng lập về sức mạnh của sự nỗ lực và kết nối.

Lúc đầu công ty chỉ sản xuất đồ chơi bằng nhựa, nhưng Lý Gia Thành sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường hoa nhựa, bởi đây là mặt hàng đang được ưa chuộng tại Italy. Với số vốn ban đầu 50.000 USD, ông đưa công ty ngày một phát triển về doanh thu lẫn quy mô, nhờ vào sự ham học hỏi và bắt kịp xu thế thị trường.

Thập niên 70, công ty Cheung Kong sản xuất búp bê nhựa G.I.Joe xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Thập niên 70, công ty Cheung Kong sản xuất búp bê nhựa G.I.Joe xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Vị tỷ phú phân tích: “Mối quan hệ giữa kiến thức và kinh doanh là chìa khóa để đến gần hơn với thành công”. Hoàn cảnh đã đưa đẩy ông phải bỏ học từ nhỏ, và ông cũng chưa hề nhận tấm bằng đại học nào trong suốt quãng đời của mình. Hầu hết những kiến thức Lý Gia Thành có được đều đến từ sự tự học.

Ông say mê đọc sách từ nhỏ và luôn cho rằng phần lớn thành công của ông đến từ khả năng tự học. Trong năm đầu tiên thành lập công ty, vị tỷ phú tự mình quản lý sổ sách kế toán dựa trên việc tự đọc và thực hành theo sách. Bên cạnh việc nắm bắt nhanh chóng các xu hướng kinh doanh, ông cũng quan niệm giữ chữ tín là chìa khóa hàng đầu của thành công.

Năm 1956, ông từ chối lời đề nghị hợp tác lại với khoản tiền được nhận thêm là 30% lợi nhuận cùng cơ hội hiếm có để mở rộng kinh doanh. Lý do đơn giản vì ông đã hứa hợp tác với người khác, dù chỉ là lời nói miệng. Ông vẫn giữ nguyên tắc này trong suốt quãng đời mình, và chấp nhận đánh đổi dù có mất một khoản tiền lớn đi chăng nữa.

Cũng như nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác, Lý Gia Thành tận dụng cơ hội khi nền kinh tế khủng hoảng để mua lại các dự án bất động sản với mức giá rẻ. Năm 1969, tập đoàn sản xuất đồ chơi nhựa lớn nhất của Mỹ là Hasbro đã ủy nhiệm nhà máy nhựa của ông để sản xuất búp bê xuất khẩu sang thị trường rộng lớn và khó tính này.

Năm 1979, ông trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên mua cổ phần kiểm soát tại một công ty đầu tư của Anh là Hutchison Whampoa. Dù thời điểm đó công ty làm ăn thua lỗ nhưng vị tỷ phú nhìn ra tiềm năng khi đơn vị này sở hữu các nhà máy đóng tàu, bến cảng, các khu vực bán lẻ rộng lớn trên khắp Hong Kong.

Ông khéo thuyết phục ngân hàng HSBC bán 22% cổ phần của họ trong công ty với mức giá thấp. Trong thập kỷ tiếp theo, ông lèo lái để đưa công ty vươn đến thành công và mở rộng đế chế của mình trên khắp thế giới. Ngày nay, Hutchison Whampoa là một trong những công ty có giá trị nhất tại Hong Kong với doanh thu hàng năm trên 50 tỷ USD. Năm 1987, Lý Gia Thành chính thức trở thành tỷ phú.

Lý Gia Thành: từ công nhân trở thành tỷ phú châu Á

Lý Gia Thành được coi là biểu tượng của nền kinh tế Hong Kong về sự vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ảnh: Reuters.

Cùng năm, ông và các đối trả 500 triệu USD để mua lại một nửa Husky Oil – công ty Canada đứng trên bờ vực phá sản sau nhiều cuộc tái cơ cấu và sáp nhập. Tại thời điểm đó, một thùng dầu được giao dịch với giá khoảng 10 USD và từng tăng lên đến mức cao nhất là 140 USD. Giá dầu giúp Husky Energy tạo ra doanh thu hơn 25 tỷ USD một năm và cổ phẩn của Lý Gia Thành có trong công ty này trị giá 8 tỷ USD.

Trong suốt cuộc đời, ông tiếp tục đầu tư vào bất động sản và nhiều ngành công nghiệp khác. Các công ty của ông xử lý 70% lưu lượng xuất nhập cảng của Hong Kong. Ông cũng có cổ phần lớn trong các công ty điện và dịch vụ điện thoại di động. Một trong những thành công lớn nhất là vào năm 1999, ông bán công ty điện thoại di động Orange cho tập đoàn Đức Mannesmann AG với lợi nhuận 15 tỷ USD.

Lý Gia Thành nổi tiếng với các chiến lược kỹ càng, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, bất chấp tình trạng của nền kinh tế. “Tôi không quá lạc quan khi thị trường tốt, cũng không quá bi quan khi thị trường đi xuống,” ông nói.

Ông nắm bắt xu thế công nghệ mới nhất khi là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên vào Facebook và Spotify và nhiều dự án startup khi thấy tiềm năng cho việc đổi mới liên tục công việc kinh doanh. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đã góp phần vào sự thành công của ông là niềm đam mê dành cho công việc. Ông từng chia sẻ: “Điều thú vị nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm thêm lợi nhuận”.

Năm 2018, ở tuổi 89, Lý Gia Thành quyết định lui về phía sau, giao việc quản lý tập đoàn Cheung Kong cho con trai đầu là Victor. Ông cũng chia sẻ mình muốn có thời gian để tập trung hơn vào các hoạt động từ thiện với việc quyên tặng 1/3 tài sản của mình.

Nguyên Thanh (Theo Forbes, Business Insider)

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN