Không có đất, Quỳnh Trần trồng cây trong những chậu nhựa.
Lấy chồng rồi định cư ở Nagoya-shi, Nhật Bản, chị Quỳnh Trần có niềm đam mê đặc biệt với công việc làm vườn. Vì vậy, dù khoảng trống phía trước và bên hông nhà chỉ vỏn vẹn 5 m2 nhưng chị vẫn gây dựng được khu vườn đa dạng các loại rau, hoa và cây ăn trái. Mùa nào thức nấy, gia đình của chị hầu như không phải đi chợ mua rau.
Sản phẩm thu được từ vườn nhà còn được chị Quỳnh dành làm quà tặng cho bạn bè. |
Riêng với việc trồng mướp, chị Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau:
1. Chuẩn bị gieo trồng
– Hạt mua về ngâm trong nước với tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh khoảng 4-6 tiếng; sau đó đem ủ bằng khăn ẩm 36-48 tiếng. Hạt giống nứt nanh sẽ được đem ra gieo trực tiếp xuống đất.
– Chọn nơi trồng có nhiều ánh nắng và chú ý khâu thoát nước để cây không bị ngập úng. Bạn có thể tự làm các loại bình nhỏ giọt nhằm duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây.
2. Chăm sóc
– Cây cao hơn 1m, bắt đầu quấn gốc. Đây là bước quyết định cây ra nhiều trái. Cách làm của chị Quỳnh là: Kéo dây thân chính quấn vòng tròn trên mặt đất (mặt chậu). Sau đó, lấp đất lên vùng mắt lá. Khoảng 2 tuần sau, cây ra rễ con, giúp hút nhiều chất dinh dưỡng hơn.
– Phủ thêm 5 cm đất lên các rễ phụ và rải rơm lên trên mặt đất (mặt chậu) để giữ ẩm.
– Cho cây leo giàn được khoảng 1m thì bắt đầu ngắt ngọn để cây ra thêm nhiều nhánh mới.
Theo chị Quỳnh, mướp đậu trái sau 2 tuần là có thể thu hoạch. |
3. Thụ phấn và thu hoạch
– Nếu không có điều kiện để cây thụ phấn tự nhiên, bạn có thể tự thụ phấn cho cây.
– Chấm nhụy của các bông hoa đực (cuống nhỏ thành đầu tăm, thường mọc thành chùm) và nhụy hoa cái đã ra nhựa (hoa cái mọc riêng lẻ, cuống phình to như đầu đũa); Một bông hoa đực có thể thụ phấn cho 2 hoa cái.
– Một tuần sau khi thụ phấn, cắt bỏ những nhánh không cần thiết, những trái không thụ phấn thành công để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
– Sau 2 tuần, mướp có thể thu hoạch, để lâu sẽ bị già.
– Thu hoạch xong, bạn bón thêm phân cho cây để cây ra trái đợt 2, đợt 3 nhiều hơn.