Hàng rào ngăn chó hoang dài hơn 5.000 km khiến một nửa sa mạc Australia trở nên xanh tốt trong khi nửa còn lại cằn cỗi thưa bóng cây.
Sa mạc Strzelecki ở Australia bị chia thành hai nửa trong hơn một thế kỷ qua. Ở một bên là khung cảnh vô số đụn cát cao tới 10 mét rải rác giữa thảm thực vật rậm rạp và cây bụi. Nửa còn lại là sa mạc với đụn cát thấp và thực vật thưa thớt. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đến từ hàng rào dài nhất thế giới và những động vật bị ngăn cách ở bên ngoài, theo IFL Science.
Hàng rào ngăn chó hoang dingo được xây dựng lần đầu vào thập niên 1880 để kìm hãm sự mở rộng của bầy thỏ. Công cuộc cải tạo đầu thế kỷ 19 hướng đến mục tiêu ngăn cách chó hoang ở một bên hàng rào và tránh xa khỏi đàn gia súc.
Nhóm nghiên cứu so sánh ảnh chụp cảnh quan bằng máy bay không người lái ở hai bên của hàng rào dây thép gai dài 5.000 km với những bức ảnh chụp từ trên cao trong lịch sử từ năm 1948 đến 1999. Họ nhận thấy bên hàng rào không có chó hoang có nhiều hơn 60 cây bụi trên mỗi hecta và đụn cát cũng cao hơn 66 cm so với nửa còn lại.
Hàng rào chia sa mạc Strzelecki thành hai nửa có cảnh quan khác nhau. Ảnh: IFL Science. |
Trong báo cáo xuất bản trên tạp chí Royal Study Interface, các nhà khoa học nhận định việc vắng bóng chó hoang đã tác động tới cảnh quan. Không có loài săn mồi hàng đầu như chó hoang, cáo và mèo phát triển mạnh trong 100 năm qua, tiêu diệt con mồi nhỏ như chuột và thỏ. Thực vật ở nửa bên này của hàng rào xanh tốt do không bị chuột ăn hạt giống.
“Phát hiện cung cấp bằng chứng cho thấy sự biến mất của những loài săn mồi hàng đầu gây ảnh hưởng tới cấu trúc cảnh quan và mật độ cây bụi có thể là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát mức độ ảnh hưởng”, nhóm nghiên cứu cho biết. Sự sinh sôi của cây bụi góp phần giữ lại cát và trầm tích. Khi gió lướt qua bề mặt hoang mạc, đụn cát trở nên cao hơn và ổn định hơn.
Nghiên cứu tương tự do Đại học New South Wales tiến hành đầu năm nay cũng kết luận hàng rào không chỉ tác động tới sự phong phú của động vật và thực vật mà còn làm giảm chất lượng đất. Đất màu mỡ hơn ở những khu vực có chó hoang sinh sống và săn kangaroo, giúp giảm số lượng thú có túi gặm cỏ. Theo các nhà nghiên cứu, kế hoạch cải tạo trong tương lai sẽ hợp lý hơn nếu đưa chó hoang trở lại.