Thương vụ mua lại GitHub mới đây thể hiện tham vọng trở thành nền tảng số một trong cộng đồng lập trình của ”ông lớn” Microsoft.

Microsoft mới đây công bố thương vụ mua lại startup phát triển phần mềm GitHub với giá 7,5 tỷ USD. Mạng xã hội này vốn là địa chỉ quen thuộc của các lập trình viên hay các công ty có sử dụng site để vận hành các dự án, tài liệu và code. Động thái này được coi là giúp ”ông lớn” trong lĩnh vực phần mềm tiến gần hơn với cộng đồng lập trình viên toàn thế giới.

”Bằng việc hợp nhất GitHub, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên một cộng đồng lập trình viên mở, tự do và đổi mới”, Satya Nadella, Tổng giám đốc điều hành của Microsoft cho biết. ”Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm cộng đồng đặt lên khi vụ sáp nhập này hoàn tất, đồng thời là động lực để cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho các lập trình viên”.

Microsoft cam đoan rằng vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi của các lập trình viên trước nhất, như tôn chỉ hoạt động của GitHub trước đó. Startup này vẫn hoạt động độc lập sau khi sáp nhập. Đại diện cho biết, các nhà lập trình vẫn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ lập trình và công cụ tùy chọn, xây dựng code ở bất cứ đâu họ muốn mà Microsoft không can thiệp.

Microsoft vừa công bố thương vụ mua lại startup phát triển phần mềm GitHub với giá 7,5 tỷ USD

Microsoft vừa công bố thương vụ mua lại startup phát triển phần mềm GitHub với giá 7,5 tỷ USD.

Trước đây, Microsoft từng coi việc lập trình viên chia sẻ mã code từ các nguồn mở là một mối đe dọa đối với hình thức kinh doanh bản quyền phần mềm. Cựu giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer từng kịch liệt phản đối về những nền tảng mã nguồn mở như GitHub.

Cho tới năm 2014, Mr Nadella tiếp quản vị trí CEO và tạo nên những đổi mới trong tư duy của Microsoft, thể hiện ở sự ủng hộ đối với cộng đồng người dùng khi lựa chọn mã nguồn mở.

GitHub kêu gọi vốn được 350 triệu USD và được định giá 2 tỷ USD vào năm 2015. Đến tháng 3/2018, startup này đã gây dựng được cộng đồng khổng lồ gồm 28 triệu lập trình viên, 85 triệu kho chứa mã code và trở thành kho lưu trữ mã nguồn lớn nhất thế giới.

Tuy mức độ phủ sóng trên toàn cầu, nhưng GitHub lại không có lợi nhuận, đây là lý do khiến công ty này quyết định đồng ý thương vụ sáp nhập thay vì cố gắng IPO. Microft hiện đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào GitHub, cũng như sử dụng nền tảng mã nguồn từ công ty này vào một số sản phẩm quan trọng.

Phạm Vân (Theo TechCrunch)

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN