Sáng ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 5. Theo đánh giá của Tổ Điều hành thị trường trong nước, nhiều chỉ số giá như xăng dầu, thực phẩm… đang có những biến động khó lường nhưng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ổn định giá cả, ổn định nguồn cung để đảm bảo ổn định thị trường.
Năm nay, nhiều loại nông sản được mùa, chất lượng tốt |
Nhiều yếu tố tác động giá
Trong tháng 5, thị trường thế giới có nhiều yếu tố tác động đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) và nhiều khả năng sẽ tiến hành trừng phạt Iran. Thêm vào đó, Hoa Kỳ thông báo các biện pháp trừng phạt mới trong các lĩnh vực dầu lửa và tài chính nhắm vào Venezuela sau cuộc bầu cử Tổng thống nước này. Những nhân tố trên đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh trong tháng 5 (dầu Brent đã có lúc đạt mức trên 80 USD/thùng trong ngày 17/5, mức cao nhất từ tháng 11/2014). Bên cạnh đó, giá một số nông sản biến động thất thường cũng ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa trong nước.
Ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, những biến động về giá và cung cầu của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường các nhóm hàng này ở trong nước.
Đơn cử, dù nguồn cung và nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước không có biến động lớn nhưng ảnh hưởng từ giá thế giới (trước những biến động về chính trị tại các nước xuất khẩu dầu mỏ dẫn tới những lo ngại về nguồn cung) nên giá các mặt hàng này tăng cao trong tháng 5. Giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng và tác động làm nhóm giao thông tăng cao nhất trong cơ cấu CPI tháng 5 (tăng 1,72%).
Với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm khi quy mô chăn nuôi tại các hộ gia đình giảm mạnh (do giai đoạn vừa qua giá thấp, chăn nuôi nhỏ không có lãi), nguồn cung cho thị trường chủ yếu từ các trang trại chăn nuôi tập trung. Mặc dù không thiếu hàng nhưng do tâm lý giữ hàng khi giá đang có xu hướng tăng nên nguồn cung ra thị trường từ cuối tháng 4 đến nay giảm, giá tăng khá cao (CPI nhóm thực phẩm đã tăng 1,2% so với tháng 4).
Đối với mặt hàng gạo, nguồn cung trong nước vẫn ổn định, tuy nhiên, do nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu tăng khi nước ta trúng nhiều gói thầu liên tiếp nên giá gạo, nhất là gạo nguyên liệu tăng…
Dưới những biến động như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 đạt 354.049 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.752.689 tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình; nhóm du lịch.
Do nhiều mặt hàng tăng giá, CPI tháng 5 đã tăng tới 0,55% so với tháng 4, trong đó mức tăng chủ yếu thuộc về nhóm giao thông và thực phẩm. Tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017 và đang có xu hướng tăng trong các tháng tiếp theo, gây áp lực lên công tác điều hành thị trường, giá cả của Chính phủ trong thời gian tới.
Bà Tạ Thu Việt – Tổng cục Thống kê phân tích, mức tăng của chỉ số CPI trong tháng 5 được đánh giá là cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Trong 11 nhóm của rổ hàng hóa, đóng góp chính vào mức tăng vẫn là các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, lương thực thực phẩm với mức tăng từ 4,22-20,87%.
Đảm bảo ổn định giá
Giá cả một số hàng hóa có dấu hiệu tăng gây nên một số lo ngại cho chỉ số CPI thời gian tới. Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới vẫn đang biến động khá mạnh. Mùa nắng nóng, nhu cầu điện nước sinh hoạt tăng nên mặt bằng giá tăng. Nhu cầu một số mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, tuy nhiên do nguồn cung trong nước vẫn tốt nên giá không có biến động lớn.
Về mặt hàng xăng dầu, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 4.000 đồng/lít và nếu được thông qua sẽ tác động mạnh đến giá xăng dầu. “Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ nỗ lực điều hành linh hoạt, tăng sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý để tránh việc mặt hàng này tăng giá quá cao” – ông Trần Duy Đông cho hay.
Giá thịt lợn đang ở mức cao cũng khiến nhiều người lo ngại tác động đến chỉ số CPI thời gian tới. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, mức tăng hiện nay vẫn được người tiêu dùng chấp nhận và chỉ đủ cho các trang trại thu hồi vốn sau đợt khủng hoảng thừa năm ngoái. Thời gian tới, giá thịt lợn cũng sẽ không biến động quá bất thường bởi nguồn cung vẫn dồi dào. Chưa kể, khi cần, có thể tái đàn nhanh chóng nên sẽ không có chuyện thiếu thịt nên ảnh hưởng đến giá bán.
Ngoài ra, nhiều loại nông sản năm nay được mùa nhưng các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ đang được tổ chức liên tục nên giá sẽ không giảm mạnh. Đặc biệt, chất lượng các loại quả như vải, nhãn, trái cây có múi… năm nay được đánh giá rất tốt nên có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh ùn ứ, dư cung.
Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng khuyến cáo, để tiếp tục ổn định sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu, thời gian tới, đối với mặt hàng lương thực, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến tình hình cung – cầu thóc gạo, có biện pháp xử lý kịp thời khi các mặt hàng này tăng giá đột biến hoặc bất hợp lý. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các DN xuất khẩu thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó để đảm bảo nguồn cung.
Các địa phương, ngành cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.