Từ kinh doanh dịch vụ trò chuyện qua điện thoại, Xavier Niel xây dựng công ty viễn thông đầu tiên của Pháp, giúp đỡ hơn 1.000 dự án khởi nghiệp.
Xavier Niel có lối sống giản dị, không uống bia rượu, cà phê hay thức uống năng lượng. Thế nhưng ông vẫn hoạt bát, kiên nhẫn trả lời từng thư một trong tổng số hơn 1.800 email nhận được mỗi ngày bằng chiếc iPhone luôn để trong túi. Ông được xem là người đứng đầu ngành viễn thông, với khối tài sản ước tính 6,7 tỷ USD và là người giàu thứ 8 của Pháp.
Ông chi hàng trăm triệu USD tài sản của mình vào việc biến nước Pháp thành môi trường cho các doanh nhân trẻ muốn khởi nghiệp, theo bước ông ngày xưa. Những dự án mang dấu ấn của ông gồm trường đào tạo lập trình miễn phí tại Paris với vốn đầu tư 50 triệu USD, 300 triệu USD cho việc thành lập vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất thế giới Station F vào năm 2017, với diện tích bằng 6 sân bóng của Mỹ và hơn 1.000 dự án đang hoạt động tại đây. Ông cũng đang triển khai xây dựng các khách sạn, 3 tòa chung cư để làm nơi ở cho 600 doanh nhân trẻ mới bước vào thương trường bằng vài trăm triệu USD tiền túi của mình.
Thời niên thiếu, Xavier được mô tả là một cậu bé hướng nội đam mê tin học. Ông tự học lập trình trong phòng ngủ của mình và kiếm tiền dựa vào một hình thức khá phổ biến thời bấy giờ: trò chuyện gợi tình.
Xavier Niel , tỷ phú ngành công nghệ viễn thông của Pháp. Ảnh: Forbes. |
Vào năm 1982, khi Internet còn chưa phát triển, công ty viễn thông của chính phủ Pháp là France Telecom đã đưa ra thị trường hệ thống điện thoại kết nối có màn hình mang tên Minitel. Thời kỳ cao điểm, 25 triệu người Pháp đã sử dụng hệ thống này để đặt vé tàu, đặt hàng nhu yếu phẩm, kiểm tra thời tiết và nhiều hoạt động liên kết khác. Chi phí được tính vào hóa đơn điện thoại.
Ở tuổi 17, Xavier nhận ra mình có thể kiếm tiền từ dịch vụ này. Ông giả mạo chữ ký của bố để lắp đặt đường dây Minitel, kết nối với những người yêu thích công nghệ như mình để cùng phát triển dự án Minitel Rose, một dịch vụ trò chuyện gợi tình. Khách hàng sẽ sử dụng tên giả hoặc ẩn danh, gửi đi những tin nhắn có tính khiêu khích, gợi cảm và đợi người trả lời. Thời gian chờ đợi và trò chuyện càng lâu thì tiền điện thoại càng tăng, Xavier và bạn của mình sẽ chia sẻ chi phí dịch vụ với công ty France Telecom.
Năm 22 tuổi, Xavier kiếm đủ tiền để mua lại dịch vụ Pon Edition, một nhánh con của Minitel với mức giá thấp, và bán lại với giá 1,6 triệu USD hai năm sau đó.
Khi những khoản đầu tư của ông ngày càng tăng trưởng thì dịch vụ Internet bùng nổ trên toàn cầu. Với đầu óc nhanh nhạy, bắt kịp làn sóng đó, từ số tiền bán phần mềm tích cóp từ trước, ông đồng sáng lập công ty dịch vụ Internet đầu tiên của Pháp mang tên Worldnet. Ông cung cấp các bộ kết nối miễn phí và giúp hàng triệu người Pháp truy cập mạng. Bước qua tuổi 33, Xavier bán Worldnet với giá hơn 50 triệu USD.
Vườn ươm Station F, nơi hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp. Ảnh: Finacial Times. |
Thành công là thế, nhưng tại Pháp lúc bấy giờ, ông không được coi trọng bởi gia thế bình dân và không bằng cấp do bỏ ngang đại học. Luật lao động khắt khe và cứng nhắc của chính phủ khiến cho các dự án khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn để có thể tồn tại. Mặc dù đang thuê lại hạ tầng cơ sở của France Telecom, Xavier vẫn bị giám đốc điều hành công ty này coi thường bởi quá khứ của mình.
“Tôi biến điều đó thành sức mạnh để bước tiếp”, Xavier nhớ lại. Năm 2002, ông thành lập Free, một dịch vụ kết nối 3 phương tiện gồm web, TV và điện thoại đầu tiên trên thế giới. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời công ty viễn thông Iliad và thành công trong việc cung cấp các dịch vụ tốt với mức giá chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp khác. Điều này giúp cổ phiếu của Iliad tăng gấp đôi trong vòng hai năm, nắm giữ 19% thị trường điện thoại di động và 1/4 điện thoại cố định, tăng số thuê bao từ xuất phát điểm là 0 lên đến 13 triệu người.
Xavier sáng lập quỹ đầu tư Kima Venture nhằm giúp đỡ các dự án khởi nghiệp về công nghệ, bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ những khó khăn trong môi trường khởi nghiệp tại Pháp. Hiện Kima Venture có hơn 400 dự án, trong đó có cả những người nổi tiếng như Tony Fadell, cựu giám đốc điều hành cấp cao Apple, chuyển đến Pháp từ năm 2009 để phát triển dự án nhiệt thông minh của mình.
Xavier có phong cách điều hành khá cởi mở, khi chẳng bao giờ yêu cầu nhân viên nộp báo cáo. Mặc dù ít khi xuất hiện tại văn phòng, ông luôn trả lời mail đều đặn. Khi đội ngũ của ông tìm thấy một doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư, họ sẽ gửi mail chi tiết và vị tỷ phú sẽ ký các giấy tờ cần thiết.
Xavier thừa nhận, ông hay bỏ ngoài tai lời khuyên của cố vấn đề nghị ông đầu tư vào ít công ty hơn mà tập trung vào các dự án đem lại lợi nhuận cao. “Tôi lập ra quỹ đầu tư không phải vì mục đích kiếm tiền”, vị tỷ phú chia sẻ. Trong 10 năm qua, lợi nhuận của công ty được ông sử dụng vào các dự án miễn phí. Ông bán 3% cổ phần của Iliad với số tiền 400 triệu USD và sử dụng 57 triệu USD trong đó để xây dựng trường học phi lợi nhuận, giảng dạy lập trình cho hơn 2.500 sinh viên.
Vườn ươm Station F là nơi ông giúp các dự án startup bước từng bậc vững chắc. “Tôi thà có những công ty ở mức 500 triệu USD nhưng tồn tại lâu dài, còn hơn là các dự án trị giá một tỷ USD nhưng chỉ tồn tại được 5 năm”, ông chia sẻ phương châm của mình.
Ông tin tưởng tương lai không xa, Paris sẽ trở thành nơi dẫn đầu thế giới trong việc phát triển khởi nghiệp. “Điều đó hoàn toàn khả thi. Nhưng tôi chỉ là một hòn đá nhỏ để thực hiện nó. Chúng ta cần nhiều hòn đá hơn để thành công”, vị tỷ phú nhấn mạnh.
Nguyên Thanh (Theo Forbes)
Theo VNExpress