Để có bức ảnh rõ nhất về rùa mai mềm sống ở hồ Hà Nội, các nhà bảo tồn mất năm năm và một năm phân tích gene môi trường.

“Bạn thử tưởng tượng một người chỉ ăn với đi tìm con rùa mà mãi 6 năm mới thấy thì sẽ sung sướng thế nào. Đó lại là rùa quý hiếm nhất thế giới”, Nguyễn Tài Thắng – người túc trực ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) nói về cảm giác khi có bằng chứng về loài rùa Hoàn Kiếm xuất hiện ở đây.

Thắng là cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) – tổ chức vừa công bố phát hiện thêm loài rùa Hoàn Kiếm ở Xuân Khanh, nâng tổng số loài lên bốn, bằng phương pháp phân tích gene môi trường (eDNA).

Bức ảnh về rùa Hoàn Kiếm rõ nhất được ghi lại. Ảnh: ATP.

Bức ảnh về rùa Hoàn Kiếm rõ nhất được ghi lại. Ảnh: ATP.

Tháng 8/2012, ATP được người dân báo có rùa mai mềm lớn ở hồ Xuân Khanh. 15h hàng ngày, rùa lại nổi cách bờ chỉ 10 m ở phía bắc, dân làng kéo đến xem. Nhận lệnh từ ATP, Thắng lập tức chuẩn bị võng, túi ngủ, máy ảnh đến thực địa.

Dù đứng không xa rùa, Thắng không thể có bức ảnh như ý, bởi khi con vật vừa nhô đầu hay mình lên mặt nước là bị trẻ em ném đá tới tấp. Chủ hồ cũ còn dùng lưới quây bắt, nhưng không thành.

Sau 10 ngày, dân làng không thấy rùa nổi nữa. Họ nghĩ nó đã chết do bị thương từ lưới quét hoặc dính phải lưỡi câu. ATP họp với chính quyền địa phương đề nghị chủ hồ, người đánh cá dừng đánh bắt, vì có thể đó là rùa mai mềm lớn.

Để đảm bảo an toàn cho rùa, ATP cử Thắng thường trực ở hồ Xuân Khanh để quan sát và chụp ảnh. Một tháng sau, anh nhìn thấy đầu rùa nổi ở phía đông nam nhưng chưa rõ ràng. Đó cũng là lần hiếm hoi anh thấy được rùa nổi.

Nhà bảo tồn đã áp dụng phương thức tìm kiếm rùa như dùng máy tầm ngư (máy tìm cá đại dương), thuê người khảo sát, túc trực nghe ngóng. Hai năm trôi qua, mọi nỗ lực trở nên vô vọng, nhưng cán bộ bảo tồn không dừng lại. Với họ, tìm thêm rùa Hoàn Kiếm để giúp loài thoát khỏi tuyệt chủng là nhiệm vụ lớn lao.

Anh Nguyễn Tài Thắng thường xuyên ở hồ theo dõi hồ Gươm. Ảnh: ATP.

Anh Nguyễn Tài Thắng túc trực ở hồ Xuân Khanh để theo dõi rùa mai mềm lớn. Ảnh: ATP.

Thông tin về loài vật quý hiếm ở hồ Xuân Khanh thưa dần. Dân làng không còn nhắc hay tò mò hỏi về nó nữa. Mãi đến năm 2015, một người dân cho biết trong một tháng thấy rùa nổi ba lần đều ở khoảng cách xa.

Với quyết tâm tìm được rùa mai mềm cỡ lớn, 6 tháng đầu năm 2016, cán bộ ATP dùng mọi cách dụ rùa nổi song bất thành. “Chỉ cần biết trong hồ có rùa mai mềm lớn là chúng tôi tìm cho bằng được”, Thắng nói. Thời gian này, ATP có bức ảnh tốt nhất về con vật lớn nhưng không đủ rõ để xác nhận là rùa.

“Con vật lớn lắm, mỗi lần nổi mọi người lại hò nhau đến xem. Nghe nói nó nổi nhiều lần nhưng lặn xuống rất nhanh. Dân ở đây thường gọi là giải”, anh Bùi Đình Lực, người địa phương từng chứng kiến rùa nổi năm 2016, kể lại.

Năm 2017, ATP huy động thêm nhân lực chia đều các góc hồ để ghi lại hình ảnh. Sau gần 3.000 giờ quan sát, họ thấy thêm rùa một vài lần. Họ cũng đã xác định được vùng sống của rùa, chụp được khá nhiều ảnh nhưng vẫn mờ.

Mãi đến tháng 5/2017, Thắng và đồng nghiệp là Nguyễn Văn Trọng bất ngờ thấy rùa nổi ngay gần chỗ quan sát. Lần đầu tiên nó ở gần họ đến vậy. Hai lần rùa nổi cách nhau 30 phút, nhưng chỉ 1-2 giây rồi lặn.

Kết quả ngoài sức mong đợi khi anh Trọng ghi lại được bức ảnh rõ nhất từ trước đến nay, cho thấy đó là con rùa mai mềm lớn. Cả hai ôm chầm lấy nhau, sau 5 năm đi tìm họ đã thu được thành quả.

Với kinh nghiệm gần 10 năm theo dõi nghiên cứu, hai cán bộ biết chắc là rùa Hoàn Kiếm. “Nhìn thấy sủi tăm to ở hồ, tôi ngay lập tức đưa máy ảnh lên và chờ rùa nổi để bấm máy. Tôi đoán rùa khoảng 60-70 kg”, anh Trọng cho hay.

Anh Trọng lấy mẫu nước làm phân tích gene môi trường. Ảnh: ATP.

Anh Trọng lấy mẫu nước làm phân tích gene môi trường. Ảnh: ATP.

Để có thêm bằng chứng, ATP quyết định thu mẫu eDNA và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ). Cán bộ thực địa phải chia vùng nơi rùa thường xuyên sinh sống, lấy mẫu nước ngẫu nhiên và lọc lấy 2 lít. Nhóm dùng màng lọc nano, 9 tiếng mới được một lít nước.

Theo kết quả phân tích, các dấu vết di truyền từ mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của rùa Hoàn Kiếm. Điều này chứng tỏ rùa ở Xuân Khanh cùng loài với rùa Hoàn Kiếm.

“Những ngày vất vả từ Hà Tĩnh ra miền Bắc, sông hồ nào cũng không thiếu bước chân, chúng tôi đã thấy rùa Hoàn Kiếm quý hiếm”, Thắng nói. Bên cạnh niềm vui, anh lo rùa ở Xuân Khanh gặp nguy hiểm do đánh bắt, ô nhiễm hồ.

Việc tìm thêm được rùa Hoàn Kiếm mang lại hy vọng về khả năng ghép đôi loài rùa mai mềm quý hiếm nhất thế giới trong môi trường kiểm soát, phục vụ nhân giống bảo tồn. Các chuyên gia động vật trong nước đều bày tỏ hồ hởi với thông tin này.

Phạm Hương

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN