Lịch sử hình thành của các thành phố lớn trên thế giới đã ghi nhận nhiều trận hỏa hoạn đã thiêu rụi hầu như toàn bộ nhà cửa xây dựng và gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng.
Công tác PCCC luôn được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. (ảnh minh họa, nguồn: internet)
Thảm họa cháy nổ kinh hoàng trên thế giới
Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật thiết kế và xây dựng còn nhiều khiếm khuyết nên dễ sảy ra hỏa hoạn. Thêm vào đó, biện pháp chữa cháy quá thô sơ với những chiếc bơm tay và xô nước nên việc chữa cháy không đạt hiệu quả bao nhiêu. Có nhiền trận hỏa hoạn đã đi vào lịch sử đơn cử như:
Bi thương ở thành phố London (Anh) năm 1212: Thủ đô nước Anh nổi tiếng vì hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn nhất. Từ năm 1130 – 1666, đã có tổng cộng 6 lần xảy ra hỏa hoạn lớn tại thành phố này. Riêng trận hỏa hoạn năm 1212 là gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử nước Anh, với 3.000 người chết và thiêu rụi 1/3 diện tích thành phố.
Trận hỏa hoạn ở nhà thờ Companía de Jesus, TP Santiago (Chile) năm 1863: Đây là trận hỏa hoạn thảm khốc nhất lịch sử thủ đô nước Chile. Vụ cháy phát sinh hồi 7h tối, một luồng gió mạnh đã làm ngã một ngọn nến, làm lửa bắt cháy các tấm voan treo tường. Ngọn lửa lan ra khắp nơi trong nhà thờ. Do các cửa hông đã bị khóa để dành thêm chỗ cho người dự lễ nên lối thoát duy nhất là cửa chính. Trong cơn hoảng loạn, người ta đã chen lấn, xô đẩy để thoát thân nên làm nghẽn lối thoát này. Có đến 2.500 người thiệt mạng trong vụ cháy này.
Đại hỏa hoạn ở TP San Francisco (Mỹ) năm 1906: Trận hỏa hoạn này đã được đưa vào sách kỷ lục thế giới Guiness World Record là gây ra nhiều thiệt hại về tài sản nhất lịch sử. Một trận động đất cường độ 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng sớm ngày 18/4/1906 đã gây nên một trận cháy lớn kéo dài suốt 3 ngày. Việc lực lượng cứu hộ dùng chất nổ đánh sập các tòa nhà để tạo vành đai ngăn lửa lan tỏa càng làm tình hình trầm trọng hơn. Theo ước tính, có khoảng 50% tòa nhà bị sập đổ trong vụ cháy là do bị đánh chất nổ. Trị giá tài sản vật chất thiệt hại lên đến 350 triệu USD theo thời giá năm 1906, tương đương tổng ngân sách quốc gia Hoa Kỳ thời đó.
(ảnh minh họa, nguồn: internet)
Đại hỏa hoạn ở Tokyo năm 1923: Động đất xảy ra vào 1/9/2913. Những cơn gió mạnh từ một trận bão ngoài khơi thổi vào càng làm cho ngọn lửa bùng phát thành một cơn bão lửa cực kỳ mãnh liệt. Do ở Nhật thường xảy ra động đất, nên nhà cửa thời đó xây dựng phần lớn bằng gỗ. Động đất lại gây ra thêm một cơn sóng thần từ ngoài Vịnh Tokyo quét vào bờ. Những yếu tố này kết hợp lại gây nên sức tàn phá dữ dội, cướp đi sinh mạng của 142.000 người, phá hủy 570.000 ngôi nhà và làm cho 1,9 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Thảm họa ở TP Trấn Giang, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) năm 1949: Ngày 3/9/1949, tại thành phố nhỏ Trấn Giang đã xảy một trận cháy lớn. Do thời đó chưa có khâu lưu trữ báo cáo và thống kê khoa học như sau này, nên người ta không rõ nguyên nhân và con số thiệt hại vật chất cụ thể, chỉ biết rằng đã có khoảng 7.000 cư dân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn này.
Kinh nghiệm công tác PCCC của một số quốc gia trên thế giới
Không chỉ riêng Việt Nam, sống trong căn hộ chung cư là lựa chọn của phần lớn người dân ở những thành phố lớn trên thế giới khi mà tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất lại hạn hẹp. Không có nhiều bức xúc về những vấn đề điện, nước, hay an ninh, điều khiến cư dân của những tòa nhà chọc trời lo ngại nhất là công tác phòng chống cháy nổ. Hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định cụ thể về phòng chống cháy nổ tại những khu chung cư, tòa nhà cao tầng.
Tại San Francisco, Mỹ: Diễn tập cứu hộ và thường xuyên kiểm tra thiết bị PCCC. Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ định kỳ là công tác mà Ban quản lý tòa nhà phối hợp với lực lượng cứu hỏa thành phố thực hiện nhằm nâng cao kỹ năng sơ tán cho người dân tại San Francisco, Mỹ.
Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ năng cho người dân sống ở các tòa chung cư, cuộc diễn tập còn nhằm kiểm tra và đánh giá hoạt động của các thiết bị phòng cháy chữa cháy của tòa nhà như chuông báo động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống chống khói tràn. Nếu những thiết bị này không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, nhà chức trách sẽ xử phạt ban quản lý tòa nhà và yêu cầu lắp đặt thay thế hoặc bổ sung.
Lối thoát hiểm tại một toà nhà ở Green Village, New York, Mỹ (ảnh sưu tầm: Ashui.com)
Tại Canada: Chú trọng công tác phòng tránh
Phòng cháy chữa cháy không phải là chuyện mới trong vấn đề quản lý chung cư. Công tác phòng chống cháy nổ được làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch đến thiết kế, xây dựng, lắp đặt các thiết bị. Tòa nhà chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng chống cháy nổ.
Trước khi tòa nhà bàn giao, các nhà quản lý sẽ làm việc với chủ đầu tư kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy và chữa cháy của tòa nhà. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ không được phép bàn giao cho người mua. Cùng với đó là các biện pháp quản lý, xử phạt đối với chủ đầu tư và ban quản lý các chung cư cao tầng nếu có vi phạm, người dân luôn được nhắc nhở ý thức trong phòng chống cháy nổ và được rèn luyện kỹ năng thoát hiểm. Tất cả đều hướng tới sự an toàn, chất lượng sống của người sử dụng.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc
Tại các quốc gia này, thông thường các tòa nhà được yêu cầu có thêm những tầng được gọi là tầng tị nạn. Đây là khu vực có không gian mở ra bên ngoài để khói không bị tích tụ một chỗ, giúp sơ tán nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Cứ khoảng 6 tháng, hệ thống PCCC của các tòa nhà sẽ được yêu cầu kiểm tra. Các buổi diễn tập PCCC để nâng cao khả năng ứng phó của người dân cũng được tổ chức.
Tại Nhật Bản: quốc gia có hệ thống giáo dục về PCCC tốt nhất
Đặc điểm của các công trình kiến trúc Nhật Bản là sử dụng rất nhiều vật liệu bằng gỗ, do vậy dễ phát sinh hỏa hoạn. Vì thế, phòng cháy đã thành ý thức mạnh mẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Nhật Bản, trong đó chú trọng những nội dung sau:
Giáo dục công tác PCCC ở mọi lứa tuổi: Ở Nhật Bản, người ta có thể tìm thấy các biển chỉ dẫn khu lánh nạn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở khắp nơi. Các tòa nhà chung cư đều được trang bị các công cụ cứu hỏa. Nội dung phòng cháy chữa cháy ở Nhật là một trong những nội dung giáo dục quan trọng nhất với mục đích mang lại kiến thức cho mỗi cá nhân, giúp họ bảo vệ tính mạng của mình, an toàn của cộng đồng và tài sản chung của xã hội.
Các em đã được thực hành PCCC từ khi còn nhỏ. (ảnh minh họa, nguồn: internet)
Trong sách cho trẻ mẫu giáo, nội dung lánh nạn khi có thiên tai, hiểm họa cũng được đưa vào giảng dạy: các bé tuân theo chỉ thị của người lớn ra sao, hành động, di chuyển như thế nào. Nội dung giáo dục này được lặp đi lặp lại và diễn tập từ khi người Nhật còn là trẻ em tới khi trở thành người trưởng thành đi làm trong các cơ quan công sở theo mỗi năm.
Mỗi đứa trẻ được giáo dục trở thành vệ sỹ cho chính bản thân và người xung quanh: Triết lý về phòng cháy chữa cháy của người Nhật rất đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Mỗi cá nhân trong hoạn nạn sẽ trở thành những người chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Không ngẫu nhiên người Nhật được thế giới khâm phục trong cách giáo dục bởi họ không chỉ dạy trẻ về hỏa hoạn từ khi các bé mới tập bò, mà trẻ em Nhật còn được giáo dục để là người hùng bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh khi có cháy nổ.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ là người anh hùng của tương lai của xã hội, trở thành những người có ý thức bảo vệ an ninh và phòng chống thiên tai, thảm họa trong khu vực. Cha mẹ Nhật Bản cũng ý thức việc xây dựng một nền tảng giáo dục gia đình coi trọng sự an toàn đối với mỗi đứa con của mình. Tại đây, hệ thống các bài học được thiết kế rất sinh động nhằm tạo hứng thú cho các em, giúp cho trẻ không chỉ đồng thuận hành động mà còn phát triển khả năng phán đoán, xử lý tình huống.
Không chỉ được dạy cách sơ tán an toàn mà trẻ em Nhật còn được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng bình cứu hỏa cũng như cách xử lý các tình huống cháy nổ. Do vậy, ngay từ khi còn rất nhỏ, các bố mẹ nên đưa ra những bài học, lời khuyên dành cho con cái về các vấn đề PCCC, để có thể bảo vệ được mình, bảo vệ được người khác, bảo vệ được những người thân xung quanh mình.
Giáo dục thường xuyên: Không chỉ giáo dục trẻ nhỏ, không chỉ giáo dục bậc mẫu giáo mà người Nhật áp dụng nội dung giáo dục này được lặp đi lặp lại và diễn tập tới khi trở thành người trưởng thành. Công tác này còn kéo dài kể cả khi đi làm trong các cơ quan công sở theo mỗi năm.
Cá biệt, tại các cấp học phổ thông, nội dung phòng chống hiểm họa được thực hành nhiều lần trong năm, với nhiều trường hợp cụ thể, đặc biệt tại những khu vực có các công trình dễ cháy nổ, những khu dễ xảy ra hỏa hoạn và động đất.
Trên đây là lý do tại sao người Nhật luôn bình tĩnh, tự tin, sáng suốt trong quá trình phòng cháy chữa cháy hiệu quả và giám thiểu thiệt hại.
Sau thảm họa động đất 11/3, người Nhật ngày càng nhận thức hơn được tầm quan trọng của việc huấn luyện cứu nạn. Họ ngày càng giữ được trật tự và ổn định sau thảm họa nhờ sự đồng thuận và phối hợp nhất quán của mỗi cá nhân dựa trên hiểu biết chung. Từ thực tế này, toàn xã hội Nhật Bản trở thành những người có ý thức bảo vệ an ninh và phòng chống thiên tai, thảm họa trong khu vực.
Khánh Phương tổng hợp
(Báo Xây dựng)
Theo Kiến Trúc Việt Nam