Tác phẩm do nhóm tác giả Nguyễn Nhất Lý, Tuấn Lê, Nguyễn Lân Maurice dàn dựng sẽ ra mắt từ ngày 25/3.

Vở diễn vận dụng các kỹ thuật xiếc như nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, đu trên cao… kết hợp đạo cụ bằng tre, cần trúc, mặt nạ. Teh Dar sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ dân gian của người Ba Na, Ê Đê, K’Ho, Gia Rai như: dàn chiêng, đàn T’rưng, đàn goong, tù và, lục lạc… nhằm chuyển tải đặc trưng văn hóa Tây Nguyên. Nghệ nhân tham gia biểu diễn phần lớn đến từ vùng dân tộc thiểu số.

Một cảnh diễn trong Teh Dar

Một cảnh diễn trong “Teh Dar”.

“Teh Dar” trong tiếng K’ho có nghĩa là đi vòng tròn – hoạt động đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên trong lễ hội, cúng tế. “Teh Dar” mang hàm ý chừng nào con người còn bước đi, các dấu chân còn tiếp nối thì sự sống, giá trị truyền thống vẫn tồn tại.

Theo biên đạo Ngô Thanh Phương, mọi chuyển động của nghệ sĩ trong Teh Dardựa trên tinh thần, tập tục của người vùng cao. Vở diễn có lời thoại tối giản và cấu trúc không theo trình tự thời gian. Trong đêm diễn, các nhạc khí, giọng ca và tiếng nói sẽ quyện hòa, tạo nên sự đa thanh.

Teh Dar được trình diễn vào lúc 18 giờ các ngày trong tuần (trừ thứ hai và thứ năm) tại Trung tâm biểu diễn Lune Hội An (Quảng Nam). Hồi tháng 2, trung tâm đi vào hoạt động với mong muốn đưa các sản phẩm nghệ thuật đậm chất Việt đến gần hơn với công chúng và góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại Hội An. Theo ban tổ chức, giá vé của đêm diễn dao động từ 630.000 đồng đến 1.470.000 đồng.

Hồi tháng 8/2016, vở diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát TP.HCM. Ngoài Teh Dar, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý cùng nhóm cộng sự đã dàn dựng các tác phẩm như: Làng tôi, À ố show, Sương sớm…

Trọng Trường

Theo VNExpress

 

BÌNH LUẬN