1.Cách đây không lâu, GS.KTS người Tây Ban Nha Sanvador Perez Arroyo tặng tôi cuốn sách có tên “Cuộc đời thử nghiệm”. Đây là một tập hợp những bài viết thể hiện quan điểm, tư duy sáng tác của ông, một KTS nổi tiếng thế giới theo trường phái kiến trúc hậu hiện đại hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi đã dành thời gian để đọc cuốn sách này không chỉ một lần và thấy rất thú vị (và cả hơi tự ái), khi tìm thấy ở đó một cái nhìn đa chiều có phần gai góc, của một nhà kiến trúc nước ngoài khi nói về kiến trúc và xã hội Việt Nam hiện tại. Sanvado đã thẳng thắn nhận xét “Kiến trúc Việt Nam khác với kiến trúc đương đại của châu Âu và Bắc Mỹ có lẽ do thiếu một cơ sở lý luận làm nền tảng. Trong một thế giới toàn cầu hóa, với mạng lưới thông tin vô cùng dễ dàng và thuận tiện cùng sự hiện hữu vô biên của không biết bao nhiêu là hình ảnh, người ta rất dễ sao chép và tái diễn những dự án do người khác đề xuất. Vì lý do này mà vào thời điểm hiện nay, kiến trúc Việt Nam có vẻ đang ngập ngụa trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài mà không có một hệ thống tiêu chỉ rõ ràng”. Lẽ dĩ nhiên, đây chỉ là một góc nhận xét rất nhỏ, vâng rất nhỏ được tôi dẫn ra trong nhiều đánh giá, bình luận sâu sắc và uyên thâm về kiến trúc, về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới qua gần 300 trang sách của một nhà nghiên cứu, một kiến trúc sư lừng danh có tầm cỡ quốc tế.
Tôi không bình luận gì về những điều mà Sanvador nói về kiến trúc của chúng ta. Nhưng có lẽ, nhận xét của ông dù chỉ lướt qua nhưng cũng làm tôi phải suy nghĩ, nó như lưỡi dao sắc bén của nhà giải phẫu học trích sâu vào một cơ thể ốm đau, để cố tìm ra khối u bệnh tật.
Thực tế có phải như vậy không?
Tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, càng không bao giờ nhận mình là người làm lý luận phê bình kiến trúc. Bởi, đã từ rất lâu, tôi hoang mang đến nghi ngờ về sự hiện diện có hiệu ứng trong đời sống xã hội của phê bình kiến trúc ở Việt Nam. Trong các Trường đào tạo KTS, sinh viên đều được các TS, GS những giảng viên giàu kinh nghiệm truyền đạt cho những nội dung cơ bản nhất của triết học, mỹ học, văn hóa, lịch sử kiến trúc (Việt Nam và thế giới), các trường phái, xu hướng kiến trúc thế giới… để làm nền tảng cho nghiên cứu lý luận phê bình kiến trúc và hành nghề sau này. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp ra trường, trong tổng số gần 20 vạn KTS trên cả nước kia, có bao nhiêu người dấn thân vào lĩnh vực đó. Theo tôi, để nhìn nhận một cách rõ ràng hơn, có lẽ nên tách hai khái niệm Lý luận và Phê bình. Dẫu biết rằng, muốn Phê và Bình được thì phải có lý luận và cả có kinh nghiệm hành nghề, nhất là với kiến trúc, một loại hình nghệ thuật đặc biệt (vừa nghệ thuật vừa khoa học) ra đời sớm nhất so với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, múa, mỹ thuật… trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại. Phân ra như thế sẽ công bằng hơn cho đội ngũ những người đang lao tâm khổ tứ làm nghiên cứu lý luận ở các Trường đại học Kiến trúc, các Viện nghiên cứu mà Viện Kiến trúc Quốc gia là ví dụ. Còn người làm phê bình kiến trúc (những người vốn rất hay ngẫu hứng và dễ xúc động), trước đã vốn thưa thớt thì nay lại càng thưa thớt hơn.
2. Kiến trúc hôm nay đang đứng trước ngã ba đường của sự phát triển kỹ thuật số, của công nghiệp 4.0, của internet kết nối vạn vật và sự bất ổn ngày càng tăng bởi biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã xóa nhòa biên giới mềm của mỗi quốc gia, làm cho kiến trúc bản địa được nhận diện rõ ràng hơn, khách quan hơn (kể cả tôn vinh và phê phán) trước ánh sáng soi chiếu và giao thoa của kiến trúc nhân loại. Vậy Kiến trúc Việt Nam đang ở đâu trong bảng phong thần của kiến trúc thế giới?!
Chúng ta đã và đang kiên trì phấn đấu cho nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là quyết tâm chính trị, là mục tiêu của phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ mới. Khoảng gần 20 năm trở lại đây, trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc thân thiện với môi trường như luồng gió mới tràn vào Việt Nam, được Hội KTS Việt Nam cổ súy vận động, được giới KTS, đặc biệt là các KTS trẻ hồ hởi đón nhận và ứng dụng vào sáng tác của mình. Mở đầu cho xu hướng này không ai khác, theo tôi, là KTS Võ Trọng Nghĩa, bằng tác phẩm sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu tre qua công trình “Cà phê Gió và Nước”. Tác phẩm này đem đến cho Võ Trọng Nghĩa nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá của Việt Nam và quốc tế. Và cũng từ đó, nhiều tác phẩm kiến trúc xanh của Nghĩa ra đời được thế giới đón nhận và vinh danh. Võ Trọng Nghĩa đã trở thành hiện tượng của Kiến trúc Việt Nam, là cái tên hot nhất của truyền thông và là thần tượng của rất nhiều lớp sinh viên kiến trúc. Rồi khoảng 10 năm gần đây, nổi lên các gương mặt như KTS Hoàng Thúc Hào với Nhà cộng đồng Suối Rè, Homestay Nặm Đam; Nguyễn Hoàng Mạnh với Nhà hộc kéo; Đoàn Thanh Hà với Tổ ấm nở hoa; Hồ Khuê với Garden House hay Nguyễn Xuân Minh với Nhà nhỏ vùng nắng gió; Nguyễn Hải Long với Nhà Tổ mối… Trong cái sự phát triển kiến trúc xô bồ thiếu kiểm soát trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thì đóng góp của các KTS nói trên (và còn rất nhiều người khác mà tôi không biết, không nhớ hết và kể hết) là những điểm sáng của kiến trúc nước nhà rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà lý luận và phê bình kiến trúc khai thác. Trên các trang báo điện tử, truyền hình, báo in hay cả trên các Tạp chí chuyên ngành người ta đăng tải nhiều bài viết về tác giả-tác phẩm kiến trúc, nhưng cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu, khen ngợi (tràn trề xúc cảm) với sự liệt kê giải thưởng này, huy chương nọ. Còn sự đánh giá khách quan khoa học phân tích về phong cách kiến trúc, hình thức kiến trúc, tính thích dụng, tính xã hội, cái đẹp, cái tốt, cái hạn chế của tác phẩm thì không thấy nói đến?!
Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu mà Kiến trúc đạt được trong thời kỳ đổi mới và đô thị hóa, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước theo hướng văn minh, hiện đại cũng như vào tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta cũng đang phải chứng kiến sự phát triển nhanh đến xô bồ của kiến trúc đô thị và nông thôn (kể cả cái gọi là nông thôn mới). Chúng ta còn chưa quan tâm đến nhà ở rẻ tiền cho người nghèo, trường học, nhà ở cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng bão lũ, lụt ở miền Trung, vùng sạt lở, nước biển dâng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Một bộ phận KTS trẻ mải say sưa đến tự kỷ với kiến trúc theo kiểu “thời trang quốc tế” bằng vật liệu tre nứa lá và đất (gọi là kiến trúc xanh, kiến trúc bản địa) mà quên rằng, những yếu tố cơ bản của kiến trúc là Bền vững, Thích dụng, Kinh tế, Thẩm mỹ và phản ánh thời đại. Chúng ta cũng đang bất lực trước sự phát triển đến chóng mặt của các khu đô thị mới cô độc, thiếu kết nối hạ tầng giao thông, thiếu nhiều thành tố của đô thị như không gian công cộng, không gian xanh, nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế… nhưng lại dày đặc các tòa nhà cao vài chục tầng bằng bê tông và kính lạnh lẽo, phi bản sắc, mọc lên ngày càng nhiều theo các đường vành đai ven đô và cả trong nội đô lịch sử. Kiến trúc hôm nay đã và đang có hiện tượng xa rời chính trị, xa rời nguyên tắc “nghệ thuật vị nhân sinh”, chạy theo thị trường mất sự kiểm soát của nhà nước. Một bộ phận Kiến trúc đang nằm trong tay các ông chủ đầu tư lớn có tiền, và cả có quyền đủ để tham gia vào những cuộc chơi “điều chỉnh quy hoạch” sặc mùi kim tiền?! Vị thế cao quý của KTS là sáng tạo không gian sống an toàn, bền vững và thân thiện cho con người đang bị xói mòn bởi sự can thiệp và chi phối bởi lợi ích nhóm. Chúng ta cũng đang bất lực trước tình trạng sao chép thô thiển của một bộ phận kiến trúc, từ đồ án tốt nghiệp của sinh viên cho đến cả những dự án, công trình được xây cất hiện hữu trong đời sống. Thậm chí sự sao chép này đã từng suýt qua mặt cả Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia?!
3. Chúng ta đang bắt đầu khởi động cách mạng công nghiệp 4.0 để hòa cùng xu thế chung của thế giới với rất nhiều quyết tâm. Bây giờ không chỉ là kiến trúc xanh mà sẽ là đô thị xanh, đô thị thông minh. Vậy KTS Việt Nam, đặc biệt là thế hệ KTS trẻ, những người nắm quyền lực sáng tạo để quyết định nền nghệ thuật Kiến trúc nước nhà, sẽ được chuẩn bị hành trang thế nào cho cuộc cách mạng 4.0 này? Đây là câu hỏi lớn cần được trả lời nếu không muốn đô thị của chúng ta trở thành bãi chứa phế thải của các xu hướng kiến trúc thế giới. Để KTS trẻ của chúng ta thoát ra khỏi lối mòn với thứ kiến trúc 3D hào nhoáng, na ná nhau, mà vươn lên, đột phá trong sáng tạo đầy lãng mạn với công nghệ mới, kỹ thuật mới, vật liệu mới phù hợp với văn hóa và thời kỳ phát triển mới của đất nước. Để KTS của chúng ta khỏi phải vất vả “chạy đi chạy lại” vì một cái chứng chỉ hành nghề. Để môi trường hành nghề của KTS được lành mạnh, bình đẳng với đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Và cũng để KTS của chúng ta có đủ bản lĩnh nghề nghiệp và tự tin, không biến thành con rối nào đó trong tay chủ đầu tư?!
Trách nhiệm này phải chăng được đặt lên vai Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, các Trường đào tạo KTS, của giới lý luận và phê bình kiến trúc, của mỗi cá nhân KTS và cả sự tham gia của xã hội.
Còn bây giờ, khi mà lý luận kiến trúc còn nằm ở trong giảng đường, trong thư viện, trong các phòng nghiên cứu; Khi mà phê bình kiến trúc đang thưa vắng, thì may thay, còn đó tiếng nói phản biện đĩnh đạc tuy thưa thớt, nhưng đầy tâm huyết và trách nhiệm xã hội (và có cả phần dũng cảm) của một số không nhiều KTS và tổ chức nghề nghiệp trước những bất cập trong quản lý và quy hoạch – kiến trúc đô thị. Tiếng nói phản biện ấy được xã hội đón nhận, phần nào làm cho môi trường phê bình kiến trúc ấm áp hơn.
Kiến trúc Việt Nam có truyền thống lâu đời. Ở đó chứa đựng kho tàng văn hóa, tâm linh, và tâm hồn Việt. Đó là bản sắc, là niềm tự hào! Mong sao nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại của thời kỳ cách mạng 4.0 sẽ phát triển bền vững, với sự song hành của lý luận – phê bình để kiến trúc không mất đi bản sắc và niềm tự hào đó./.
KTS. Phạm Thanh Tùng
Theo Kiến Trúc Việt Nam