Đoàn Thị Anh Thư dự định đưa các sản phẩm từ cua như chà bông, chả, bột, sốt… sang thị trường nước ngoài trong năm sau.
Một buổi trưa mùa hè năm 2015, trong căn phòng trọ 9m2, Thư một mình “chiến đấu” với mấy ký cua trước mắt. Lần lượt sơ chế rồi cho cua vào chảo, cô nêm nếm gia vị trước khi giao hàng cho khách. Lúc trở về, căn phòng toàn dầu là dầu văng khắp nơi: dưới sàn nhà, trên vách tường, đệm ngủ. Đưa tay lên trán lau vội mồ hôi, Thư ngả lưng chợp mắt với giấc mơ một ngày mở nhà hàng cua.
Một năm sau, thương hiệu Vua Cua chính thức có tên trên bản đồ ẩm thực Sài Gòn. Bước vào không gian khang trang, khách hàng khó nhận ra có thể một trong số các nhân viên phục vụ chính là bà chủ của nhà hàng. Thư có thể làm mọi thứ, từ phục vụ, tạp vụ, đến bếp trưởng. Nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến cô một mình liên tay với sáu chiếc chảo trước mặt để kịp lên món. Kinh nghiệm cho Thư một bài học sâu sắc: khởi nghiệp phải biết chắt chiu tiền bạc, giảm tối đa nhân sự nhưng vẫn đạt chất lượng tốt nhất.
Sau khoảng bốn tháng, có một nhà đầu tư muốn góp 150 triệu mua cổ phần và 300 triệu để mở thêm quán mới. Nghĩ là nhà hàng đang phát triển, nhiều hôm chật kín khách, Thư không ngần ngại đồng ý. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến doanh thu quán cũ sụt giảm, một mình cô cũng không quản lý nổi hai bên, dẫn đến việc đóng cửa nhà hàng đầu tiên và tập trung toàn lực cho cơ sở mới.
Với lợi thế về nguồn cua ngon từ Cà Mau và các loại sốt do chính Thư tự mày mò nghiên cứu, cải thiện suốt hơn một năm, khách ghé quán ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sự quan tâm và liên tục được “checkin” trên Facebook của người nổi tiếng cũng góp phần gia tăng lượng khách cho nhà hàng. “Điều tôi vui nhất là tỷ lệ khách hàng quay lại rất cao”, cô vui vẻ chia sẻ.
Lúc đó, mỗi tháng doanh thu của nhà hàng khoảng 35.000 USD và lợi nhuận 6.000 USD. Một nhà đầu tư thấy hấp dẫn đã ngỏ ý chi 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần để Thư tiếp tục mở quán mới. Kinh nghiệm từ lần đóng cửa trước khiến cô thận trọng hơn nhưng vẫn đồng ý vì bộ máy đã đủ mạnh để mở rộng.
Khi nhà hàng mới khai trương vào cuối năm 2017, Thư đã có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp gồm giám đốc tài chính, phát triển kinh doanh, số hóa và trưởng phòng nhân sự, bên cạnh bộ máy bếp trưởng và phục vụ trước đó. Cô cũng có chiến lược tuyển dụng nhân viên khác người. “Với cùng một diện tích, thông thường các quán sẽ tuyển 10 người nhưng tôi chỉ cần 4. Tôi trả lương gấp đôi, có thể đến mức 8 triệu cho nhân viên phục vụ nhưng hiệu quả làm việc rất cao và các bạn có động lực làm việc”, cô lý giải.
Mới đây, Thư đã hoàn tất thỏa thuận cùng hệ thống Big C, trở thành nhà cung ứng hải sản cho chuỗi siêu thị này. Đi cùng kế hoạch mới, cô quyết định mở thêm Vua Ốc, một mặt trở thành cụm hồ trung tâm cho toàn hệ thống, mặt khác giải quyết hàng tồn mỗi ngày, bán các món ốc và hải sản với giá phải chăng cho người tiêu dùng.
Bà chủ sinh năm 1987 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho giấc mơ xuất khẩu cua Việt sang nước ngoài. Thư và cộng sự đã nghiên cứu thành công để đóng gói các sản phẩm từ cua như chà bông, chả, bột, sốt đóng chai… với thương hiệu Vua Cua Food và chỉ chờ thời điểm thích hợp để đàm phán cùng các đối tác.
Cô đánh giá thịt cua Việt Nam rất ngon với độ giòn và ngọt đặc trưng. “Tôi muốn tận dụng tất cả các phần của cua để xuất sang nước ngoài. Nếu thịt sớ to sẽ đóng hộp, thịt vụn rơi ra sẽ làm chà bông, tỷ lệ hao hụt càng thấp thì xác suất thành công càng cao”, Thư giải thích.
Bà chủ Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư. Ảnh: NVCC. |
Để có bước đi của ngày hôm nay, bà chủ 8x từng chật vật với ba lần khởi nghiệp thất bại. Thời chưa hai mươi, cô nuôi mộng ngành y và đậu vào khoa điều dưỡng. Một lần nhập viện cấp cứu khiến Thư nhận ra có một thứ trên đời mà mình không thể chịu nổi là máu. Cô quyết định học quản trị kinh doanh sau khi tình cờ đọc một mẩu quảng cáo trên đường ghi “Bạn có muốn trở thành giám đốc trong tương lai không?”.
Học phí của một trường quốc tế vào thời điểm 2005 là 3.200 USD, số tiền quá lớn với xuất phát điểm khiêm tốn từ một gia đình không mấy khá giả. Ông nội ở Mỹ dù không dư dả cũng cố gắng gửi tiền cho cô theo đuổi giấc mơ và mỗi tháng chu cấp một đến hai trăm USD. Sau nửa năm, một hiểu lầm đã dẫn đến việc cắt đứt liên lạc giữa Thư và gia đình. Cô buộc phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Thư bắt đầu làm nghiên cứu thị trường, cầm những tờ giấy đi gõ cửa từng nhà, có lúc bị chó rượt chạy khắp nơi. Cứ vài tháng cô lại đổi một công việc, từ bán bảo hiểm đến các sản phẩm khác. Năm 2008, cô ra trường và gia nhập một công ty sự kiện, chỉ trong ba tháng đầu đã kiếm được doanh thu 50 triệu. Mối duyên đưa Thư đến quyết định mở công ty tổ chức sự kiện. Trong năm đầu, cô liên tục tìm được hợp đồng, mỗi tháng bỏ túi 100 triệu đồng lợi nhuận. “Tiền nhiều đến mức chuẩn bị mua nhà và xe hơi”, cô nhớ lại.
Trong một lần hợp tác, Thư bị lừa và mất trắng số tiền kiếm được trước đó, ngoài ra còn phải dính nợ gần 500 triệu. Có lúc cô phải quăng sim và trở lại làm thuê để kiếm tiền trả nợ. “Tôi còn quá trẻ, hiếu thắng, cứ nghĩ làm được là do mình giỏi nên lúc nào cũng tự tin, đến khi thất bại thì không đủ bản lĩnh để đối diện”, cô kể về quá khứ màu xám.
Trong thời gian này, Thư cũng cố gắng tìm cách tiếp tục khởi nghiệp nhưng thành công vẫn chưa gọi tên. Quán sinh tố khiến cô lỗ mất 100 triệu, một dự án thương mại điện tử ngốn 700 triệu nhưng không có khả năng sinh lời. Giai đoạn đó, điều Thư nghĩ đến chỉ là làm sao kiếm ra tiền. Cô nói sau tất cả đã lĩnh hội được bài học là khi kinh doanh không bao giờ để mình cạn kiệt vốn. “Làm ăn phải có lợi nhuận mới sinh tồn. Đừng mãi suy nghĩ là có lỗ thì mới lên được mà phải có kế hoạch, nếu chắc chắn lời tính trên những con số cụ thể thì mới làm. Đừng bao giờ ảo tưởng ra đường mặc chiếc áo vest là trở thành doanh nhân, mà phải lao động và làm việc cật lực”.
Biết được một mối bán cua chất lượng, Thư mày mò kinh doanh qua Facebook cá nhân và nhanh chóng có lượng khách hàng ngày càng tăng trưởng. Thời điểm đó, cứ 4h sáng, cô chở cua từ quận 11 ra sân bay gửi hàng ra Hà Nội cho khách. 9h cô quay về phòng trọ chế biến cua theo đơn đặt hàng. Giữa những cơn nắng gay gắt của mùa hè Sài Gòn, Thư một mình một xe với những thùng cua sống chất đầy và cua chín treo lủng lẳng khắp nơi có thể. Cô nói mình như một người buôn chính hiệu nhưng thấy hạnh phúc. “Trước đây, tôi sống trên mây nhiều quá rồi, giờ chỉ nghĩ đơn giản áp dụng sự chuyên nghiệp nhất cho những thứ bình dân nhất. Chỉ cần kiếm được tiền lo cho cuộc sống của mình và không phiền bất cứ ai là được”.
8x sinh ra tại Đồng Nai thừa nhận bản thân đã thay đổi rất nhiều để có bước đi vững chắc của hôm nay. Từ một người nhút nhát, sợ đứng trước đám đông, từng ăn chơi và hiếu thắng, cô dần thích nghi với một phiên bản Thư mới hơn, kinh nghiệm và bản lĩnh hơn. Giờ đây, cô không đứng vai phục vụ nữa bởi hệ thống nhà hàng đã đủ sức trả lương cho bộ máy nhân sự vài chục người. Thời gian của Thư bây giờ dành cho những ước mơ xa hơn, vượt ngoài biên giới Việt Nam.
Trương Sanh
Theo VNExpress