Nổi tiếng với mô hình trồng cam sinh thái, cô gái trẻ Nguyễn Thị Lê Na đang ước mơ chinh phục thị trường thế giới bằng những sản phẩm chiết xuất từ trái cam.

Đoàn doanh nghiệp Hà Lan, Đức sang thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng cam sinh thái để hợp tác đầu tư

Khởi nghiệp từ đặc sản địa phương

Trong khi khá nhiều người trẻ chọn con đường bám trụ lại thành phố để mưu sinh thì Nguyễn Thị Lê Na – cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1986 – dám bỏ chốn thị thành để lập nghiệp ở miền rừng núi xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Những trái cam ngọt lành, thứ đặc sản của vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ, đang được Lê Na dệt nên một câu chuyện đẹp về con đường khởi nghiệp của riêng mình.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lê Na đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau, nhưng rồi bén duyên với cây cam. Mùa hè năm 2013, khi cô trở về quê – vùng đất đỏ bazan Quỳ Hợp, lúc ấy, trái cam Nghệ An đang rất được ưa chuộng. Lê Na bàn với chồng lập Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, chuyên kinh doanh các loại nông sản tươi, sản phẩm công ty chủ yếu là cam của trang trại cam Kỳ Yến và các trang trại xung quanh. Năm 2015, được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ chuyển giao khoa học – kỹ thuật, công ty đã triển khai xây dựng mô hình cam VietGAP trên diện tích 10ha từ sự tham gia của 4 trạng trại trồng cam. Công ty nhận bao tiêu, thu mua rồi phân phối đến thị trường Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Rẽ ngang kinh doanh rồi trồng cam theo quy trình VietGAP không phải là điều dễ dàng. Khi mới thành lập công ty, do thiếu kỹ thuật, Lê Na thuê kỹ sư nông nghiệp về “cắm bản”. Từ thuận lợi ban đầu của mô hình cam VietGAP, cô mạnh dạn thử nghiệm 2ha cam sinh thái. Nhiều người phản đối, chẳng ai tin mô hình này sẽ thành công. Lê Na tâm sự: Sẵn có kinh nghiệm trồng cam từ gia đình, cô đọc thêm sách, báo về mô hình trồng cây sinh thái không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ. Để có phân bón cho cây, Lê Na và các cộng sự đã dùng vỏ trấu đốt cháy ủ thành phân, mua phân bò về ủ, kết hợp phân xanh, có lúc còn mua hàng tấn xác cá về ủ rữa làm phân bón cho cây. Cam sinh thái hiện đang phát triển tốt nhưng không tránh khỏi sâu bệnh. Việc ngừa bệnh cho cam sinh thái gian nan và công phu hơn nhiều so với dùng thuốc trừ sâu. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, mày mò nhiều loại bệnh dùng chế phẩm sinh học không đỡ, buộc phải kết hợp nhiều chế phẩm mới có hiệu quả, Lê Na và các kỹ sư đã thử nghiệm các chế phẩm sinh học tự nhiên để trừ sâu bệnh; dùng tỏi, ớt để trừ rầy, nước cây bồ hòn, tro bếp trừ sâu…

Các sản phẩm chế biến từ trái cam được nhiều người ưa chuộng

Trên mỗi gốc cam sinh thái, Lê Na cho đánh mã số vị trí, hàng, loại cây và được nhập vào phần mềm máy tính để thuận lợi theo dõi, khoanh vùng sâu bệnh, quy trình chăm sóc. Mô hình cam sinh thái được trồng với hai loại giống là cam xã Đoài chưa có quả và cam Đường Canh đã cho quả với mẫu mã đẹp, da bóng sáng, quả to, ăn ngọt, mọng nước… Lê Na cho biết: Thấy triển vọng, công ty đang chuẩn bị xuống giống 4ha theo mô hình cam sinh thái kết hợp lắp đặt tưới nước phun mưa hoặc nhỏ giọt cho cây. “Chỉ mấy năm nữa thôi, sản phẩm cam sinh thái sẽ tràn ngập thị trường” – Na hồ hởi nói.

Xây dựng thương hiệu để xuất khẩu

Mỗi khi thu hoạch, nhìn những quả cam kém chất lượng không bán được, Lê Na đã nảy ra ý định chế biến các sản phẩm từ cam. Để biến ước mơ thành hiện thực, cô và các cộng sự mất khá nhiều thời gian tìm kiếm thông tin. Những quả cam bị lỗi, vỏ xấu, bầm dập… được để riêng rồi bóc tách ruột và vỏ cam. Với loại mứt từ vỏ cam, xắt vỏ thành sợi, rửa sạch, luộc qua 3 lần, để ráo rồi ướp đường sấy khô. Còn mứt nước, Na lấy ruột cam xay nhuyễn, ép lấy nước, pha thêm đường và mật ong rồi cô đặc lại. Để có sản phẩm tinh dầu cam, Lê Na sử dụng vỏ cam xay nhuyễn cho vào nồi chưng 1000C theo cách nấu rượu truyền thống. Tinh dầu cam có tác dụng kháng khuẩn, hạn chế tế bào ung thư phát triển…, hiện đang được cô dùng thử và giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, vỏ cam còn được phơi khô, xay nhỏ dùng làm nhân bánh rất ngon; quả cam dùng ngâm rượu, xà bông được chế từ nước cam và sáp ong cô đặc… Hiện, các sản phẩm này đã được tiêu thụ ở Hà Nội, Nga, Tổ chức JICA Nhật Bản cũng nhận giới thiệu sản phẩm.

Lê Na cho biết thêm: Trước đây, các sản phẩm chiết xuất từ cam được đưa ra Hà Nội chế biến vì thiếu máy móc nhưng nay, đã có thể làm tại trang trại. Sản phẩm bán ra chưa nhiều do đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường và chưa hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để lưu hành sản phẩm. Thêm vào đó, công ty cũng đang tìm các nhà máy đạt chuẩn để hợp tác gia công sản phẩm từ cam nhằm hướng đến xuất khẩu.

Hiện tại, sản phẩm cam sinh thái VietGAP của công ty chưa nhiều nên chưa phát triển mạnh, nhưng tín hiệu thị trường rất tốt. Sản phẩm của công ty đã được nhiều siêu thị, cửa hàng quan tâm, một vài mẫu thử như: Mứt cam, tinh dầu, xà bông… gửi đi Nhật Bản, Nga cũng được đánh giá cao.

Ước muốn của Lê Na là đưa trái cam từ mô hình VietGAP, sinh thái, các sản phẩm chiết xuất từ cam… vươn ra thị trường quốc tế, để trái cam Nghệ An được nhiều người đón nhận hơn nữa.

Hoàng Trinh

Theo Báo Công Thương

BÌNH LUẬN