Căn hộ của chị Vân (Hà Nội) có giá 3,8 tỷ nhưng sàn phồng rộp, mọc nấm còn tủ bếp bị bở gỗ, lệch lạc.

Sau khi đi xem nhiều chung cư, gia đình chị Vân quyết định mua một căn hộ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Căn hộ mới tinh, rộng 110 m2 của chị có 3 phòng ngủ nhưng một phòng thiếu ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, vì nhà gần cơ quan của bố mẹ, trường của các con nên anh chị vẫn chấp nhận mua với giá lên tới 35 triệu một m2.

Sàn gỗ chất lượng thấp, thi công kém khiến nhà chị Vân phải thay mới sau một năm. Ảnh minh họa: DIYN.

Sàn gỗ chất lượng thấp, thi công kém khiến nhà chị Vân phải thay mới sau một năm. Ảnh minh họa: DIYN.

Dù mua nhà với giá cao, chị Vân vẫn phải cải tạo lại nhà tốn nhiều tiền.Trước đó, nghe nhiều người nói chất lượng nội thất nhà của chủ đầu tư này không tốt nhưng chị Vân vẫn bán tin bán nghi. Chị nghĩ nhà đắt vậy, chắc cũng có thể ở được vài năm trước khi tính tới chuyện cải tạo.

Bởi vậy, chị Vân tận dụng hết luôn nội thất có sẵn (tủ bếp, bếp nấu, thiết bị vệ sinh, điều hòa…). Gia đình đầu tư thêm gần 200 triệu để mua sofa, giường, bàn ăn, đồ điện tử, các loại bếp nướng, lò vi sóng, máy giặt…

Ở nhà mới được một năm, chị Vân bắt đầu thấy sàn gỗ bị phồng rộp lên ở một vài chỗ. Thấy hiện tượng còn nhỏ lẻ nên chị không để tâm nhiều. Tới một ngày, con gái chị gọi mẹ ra xem có cây gì mọc ở trên sàn, chị phát hiện có nấm mọc ở trên tấm ván lát sàn. Lúc này, chị gọi thợ tới kiểm tra thì được biết: Gỗ sàn có chất lượng kém và thợ thi công thiếu kinh nghiệm (lát ván quá khít) nên khi gỗ giãn nở dẫn tới tình trạng phồng rộp. Sau đó, gia đình vẫn dùng nước lau nhà nên tạo độ ẩm ở kẽ sàn sinh nấm mốc.

Còn ở khu bếp nấu, tủ trên cao được sơn trắng trông bắt mắt nhưng lại lắp bản lề rẻ tiền. Bởi vậy, do cường độ dùng nhiều nên cửa bị xô lệch, mặt trong của tủ bếp bắt đầu bị bở, lộ lớp vụn gỗ ở bên trong.

Ban đầu, chị Vân tính báo cho chủ đầu tư để khắc phục nhưng sau đó, chị quyết định tự sửa bởi việc bảo dưỡng chỉ mang tính chất tạm thời, vá víu. Gia đình thay mới toàn bộ sàn gỗ trong khi đồ đạc đã kê khắp nhà. Bởi vậy, việc thi công cũng tiến hành lâu và tốn công sức hơn nhiều. Tiện thể sửa nhà, chị cũng lắp mới toàn bộ tủ bếp. Tổng cộng chi phí của hai hạng mục này hết hơn 100 triệu.

Đồ dùng mua từ trước khó phù hợp với hệ tủ kệ đóng sẵn hàng loạt.

Đồ dùng mua từ trước khó phù hợp với hệ tủ kệ đóng sẵn hàng loạt.

Hai vợ chồng anh Toàn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vừa tốn tiền vừa bất hòa dù nhà bàn giao đúng như hợp đồng. Nhà được sơn bả đầy đủ, lát sàn gạch, có sẵn hệ tủ bếp, thiết bị vệ sinh… Hai vợ chồng nhìn hình ảnh nhà mẫu thấy khá hài lòng nên đợi hoàn thiện xong xuôi mới tới nhận nhà.

Trong khi đó, nhiều hàng xóm của anh Toàn theo khá sát quá trình hoàn thiện. Chủ đầu tư cũng cởi mở để khách có thể lựa chọn việc ốp lát, lắp đặt thiết bị theo ý muốn của mình. Có gia đình đề nghị bỏ sàn gạch để tự lát sàn gỗ nên được đền bù 12 triệu. Có nhiều hộ lựa chọn không lắp tủ bếp hoặc thiết bị vệ sinh đều được trả một khoản tương tự. Lúc đó, anh Toàn cũng gợi ý vợ thay đổi một số đồ nhưng chị không chịu vì không muốn vay mượn thêm.

Tuy nhiên, tới lúc vào ở rồi sang nhà bên cạnh, hai vợ chồng thấy ngợp vì căn hộ có diện tích tương tự nhưng lại trông đẹp, ấm cúng hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi chuyển đồ vào, anh Toàn mới thấy nảy sinh nhiều bất cập. Sàn gạch vào mùa đông lạnh buốt, hai bé nhà anh còn nhỏ nên không chịu đi tất hay dép nên dễ nhiễm lạnh. Ngoài ra, hệ tủ có sẵn khá nhỏ, chỉ đáp ứng được các nhu cầu đơn giản. Trong khi đó, nhà anh chị có quá nhiều loại bếp, thiết bị, bát đĩa, xoong nồi. Tủ lạnh quá lớn nên không vừa khoang để, khiến bếp trông chật chội, vướng víu.

Các thiết bị không đáp ứng nhu cầu và mong muốn khiến anh chị bực bội, đổ lỗi lẫn nhau. Sau đó, dù đồ đạc đã kê vào hết, anh chị đành phải thuê thợ tới lát lại sàn ở khu vực phòng khách và phòng ngủ. Ngoài ra, bếp cũng bày bừa mất mấy hôm để tháo tủ cũ đi, lắp tủ mới. Phần tủ, gạch tháo ra cũng không bán được nhiều tiền.

KTS Lê Thanh Hà chia sẻ, các gia đình cần cân nhắc kỹ việc có nên mua nhà đã hoàn thiện và lắp đặt một số thiết bị cơ bản không. Ngay cả một số chung cư có giá bán cao, chủ đầu tư vẫn muốn giảm thiểu khoản tiền đầu tư vào nội thất. Do đó, họ chọn các loại nguyên vật liệu, đồ dùng có chất lượng kém hoặc trung bình.

Khi có ý định ở lâu dài, gia chủ nên chọn các chủ đầu tư uy tín. Khi nhận bàn giao, bạn cần kiểm tra kỹ chất lượng của căn nhà. Nếu thấy có các chi tiết lỗi, thiết bị hỏng cần báo sửa ngay trước khi chuyển đồ đạc vào ở.

Bạn nên tự lắp đặt các thiết bị phải sử dụng với tần suất cao như bồn cầu, tủ bếp, điều hòa… Nhiều chủ đầu tư cho phép khách không chọn lắp sản phẩm của mình và chi trả một khoản tương ứng. Nếu có thể, bạn nên nhờ (hoặc trả phí) để thợ lắp ngay khi nhà đang hoàn thiện.

Ngoài ra, nếu định thay đổi bố trí các phòng, sơn sửa, bạn nên đề xuất ngay trong quá trình thi công để chủ đầu tư bỏ trống các hạng mục đó. Bạn sẽ không tốn công và tiền để đập phá, bày bừa nhà cửa sau này.

An Yên

vnexpress

BÌNH LUẬN