Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay khó thống kê chính thức hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp.
Tại cuộc họp công bố tổng điều tra kinh tế năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ giao cơ quan này tính toán, đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức để bổ sung vào cách tính GDP. Cơ quan này đã xây dựng đề án và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên đây chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, gồm kinh tế ngầm, phi chính thức, phi pháp, hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế chưa thống kê được do bỏ sót. Hiện cơ quan thống kê đã thu thập, tính toán và xử lý được dữ liệu 3 thành tố là phi chính thức, kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót.
“Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không tới 30% như nhiều quan điểm đã nêu. Hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp không thể thu thập được thông tin theo cách chính thống do những quan điểm, cách hiểu khác nhau”, ông Lâm nói.
Tổng cục trưởng Thống kê: Chưa thống kê được dữ liệu kinh tế ngầm tại Việt Nam. Ảnh: Anh Minh. |
Vị này đơn cử, tại nhiều quốc gia không coi đánh bạc, mại dâm là những hoạt động phi pháp, nhưng ở Việt Nam ngược lại. Do đó những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê Việt Nam. Vì thế, cơ quan này sẽ trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thống nhất quan niệm thế nào là hoạt động kinh tế phi pháp và cách thu thập thông tin như thế nào.
Trước lo lắng việc bổ sung hoạt động kinh tế phi chính thức vào GDP sẽ khiến nợ công tăng cao, ông Lâm khẳng định lo lắng này không hoàn toàn có cơ sở. “Khi bổ sung các dữ liệu thì quy mô GDP sẽ tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không ảnh hưởng nhiều”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định.
Trước đó tại hội nghị tổng kết công tác ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phương pháp tính GDP hiện quá lòng thòng khi “bao nhiêu ôtô, nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò tiêu thụ rất lớn, mà không được đưa vào GDP, chủ yếu tính GDP từ đầu tư Nhà nước”.
Theo lãnh đạo Chính phủ, kinh tế không chính thức này mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều, với bội số lớn như vậy thì nợ công sẽ có dư địa hơn để đầu tư cho nhu cầu phát triển.
Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 đến 1/7/2017 cho biết cả nước có 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với 2012.
Qua tổng điều tra kinh tế, cơ quan thống kê nhận thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân và FDI tăng, trong khi doanh nghiệp Nhà nước giảm với tốc độ chậm, khoảng 3% nhờ quá trình cổ phần hoá.
Tổng vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp là 30,2 triệu tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2012. Trong số này, doanh nghiệp tư nhân hút vốn nhiều nhất 16,8 triệu tỷ đồng; doanh nghiệp Nhà nước 8,7 triệu tỷ; còn doanh nghiệp FDI là 5,07 triệu tỷ đồng. Về doanh thu, khu vực doanh nghiệp tạo ra doanh thu khoảng 17,45 triệu tỷ đồng năm 2016. Trong đó, khu vực tư nhân làm ra số tiền nhiều nhất với 9,76 triệu tỷ đồng, tiếp sau đó là FDI với 4,81 triệu tỷ đồng. Khu vực Nhà nước tại ra ít tiền nhất với 2,88 triệu tỷ.
Dịch vụ là lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất cho sản xuất với 18,5 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2012. Kế đến là khu vực công nghiệp, xây dựng 11,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với 2012.
Anh Minh