Thống kê cho thấy chứng đãng trí của người già lại đang là bệnh lý phổ biến ở người ít tuổi. Vậy nguyên nhân nào khiến người trẻ mắc chứng đãng trí ngày càng nhiều?

Nhằm giúp độc giả phòng tránh hiệu quả nguy cơ mắc chứng đãng trí khi còn trẻ, và lý giải nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, PV báo Người Đưa Tin đã trò chuyện với Ths.Y học, bác sĩ Nguyễn Việt Phương, giảng viên của trường cao đẳng Y Dược Pasteur để cung cấp những thông tin cần biết về chứng đãng trí ở người trẻ tuổi.

Hỏi: Theo thống kê, số lượng người trẻ tuổi mắc chứng đãng trí như người già ngày càng nhiều. Vậy theo Ths.Y học, bác sĩ Nguyễn Việt Phương đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

Trả lời: Não bộ của chúng ta gồm trăm tỉ các tế bào thần kinh và tất cả các thông tin, tín hiệu được não bộ tiếp nhận từ các giác quan bên ngoài sẽ được truyền đến các tế bào thần kinh nhờ một loại chất trung gian dẫn truyền thần kinh điển hình là acetylcholine.
Acetylcholin là một base mạnh, tạo thành các muối dễ tan trong nước. Sau khi tổng hợp, acetylcholin được lưu trữ trong các nang có ở ngọn dây cholinergic dưới thể phức hợp không có hoạt tính. Dưới ảnh hưởng của xung động thần kinh và của ion Ca++, acetylcholin được giải phóng ra dưới dạng tự do, đóng vai trò như một chất trung gian hóa học, tác dụng lên các receptor cholinergic ở màng sau xinap, rồi sau đó bị thuỷ phân mất hoạt tính rất nhanh dưới tác dụng của cholinesterase (ChE) để thành cholin (lại tham gia qua trình tổng hợp acetylcholin) và acid acetic.

Tư vấn - Nguyên nhân nào khiến người trẻ tuổi mắc chứng đãng trí?

Nhiều người trẻ hiện nay mắc bệnh giảm trí nhớ.

Nói một cách dễ hiểu, acetylcholine giống như một người giao liên, tiếp nhận và truyền tín hiệu một cách liên tục giữa các tế bào thần kinh với nhau. Vì một lý do nào đó số lượng “người giao liên” giảm đi ví như khi não bộ của chúng ta phải hoạt động quá mức hoặc không được nghỉ ngơi đúng mức, thì sẽ dẫn đến tình trạng các chất trung gian hoá học đặc biệt là acetylcholin cạn kiệt hoặc thiếu hụt khiến não bộ bị mệt mỏi biểu hiện như giảm trí nhớ, kém tập trung, sử lý các tình huống khó khăn và chậm chạp, đầu óc kém tỉnh táo, mụ mị và mất ngủ. Vì vậy, acetylcholine chính là yếu tố giúp điều trị suy giảm trí nhớ hiệu quả.

Ngoài việc tác động xấu tới sức khỏe, công việc và cuộc sống, suy giảm trí nhớ còn khiến chúng ta có nguy cơ cao mắc các bệnh sa sút trí tuệ như alzheimer khi về già.

Thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ. Tuy vậy, một số nguyên nhân chủ yếu là áp lực công việc căng thẳng, lối sống sinh hoạt thiếu khoa học, thiếu và mất ngủ thường xuyên, điều kiện sinh hoạt lao động không đạt tiêu chuẩn an toàn, vấn đề dinh dưỡng cũng như tổn thương hệ mạch máu nuôi dưỡng….

Cụ thể, nhiều người mới 30 tuổi đã có biểu hiện ban đầu của chứng đãng trí ở người già như: Kém tỉnh táo, đau đầu, mất ngủ… Nguyên nhân chính là do họ chịu áp lực quá lớn, nhiều sinh viên còn phải chịu áp lực ôn thi, thi …căng thẳng nên không ít người mắc chứng đãng trí dù tuổi đời còn rất trẻ.

Hỏi: Thưa Ths.Y học, bác sĩ Nguyễn Việt Phương (Trường cao đẳng Y Dược Pasteur), vậy người trẻ tuổi cần làm gì để có thể chữa trị được chứng đãng trí một cách hiệu quả nhất?

Trả lời: Khi thấy trí nhớ giảm sút việc tăng khả năng hoạt huyết dưỡng não đơn thuần để nuôi dưỡng tế bào thần kinh là việc làm cần thiết tuy nhiên chưa phải là phương pháp đúng và đủ để cải thiện các tình trạng trên. Điều cốt lõi là chúng ta cần phải kết hợp giữa: “Tăng cường chất trung gian dẫn truyền thần kinh và tăng hoạt huyết dưỡng não”. Đây mới là biện pháp tổng thể để cải thiện trí nhớ nhanh và hiệu quả nhất mà các bạn nên áp dụng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống hằng ngày, áp dụng công nghệ khoa học vào công việc hiệu quả, tránh làm việc, lao động căng thẳng…là cách để giúp trí nhớ được cải thiện đáng kể.

Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp bấm huyệt, đèn hồng ngoại, vận động cột sống …. giúp lưu thông mạch máu, cải thiện tuần hoàn não.

Trong y học cổ truyền, có nhiều loại thảo dược được sử dụng nhằm mục đích cải thiện trí nhớ và dự phòng tích cực chứng “kiện vong” (hay quên), một căn bệnh thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Dưới đây là một số vị thuốc tăng cường trí nhớ hiệu quả:

• Hồ đào nhân: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện. Hồ đào nhân là một trong những thực phẩm, vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ.

• Long nhãn: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Để phòng chống tích cực chứng “kiện vong”, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 15ml.

• Liên nhục (hạt sen): Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần. Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết “liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực. Thường được dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn – bài thuốc như mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen… Cách dùng: Hạt sen 20g, long nhãn 20g, đường phèn 30g, ba thứ đem nấu chè ăn trong ngày. Hoặc hạt sen 20 hạt, long nhãn 15g, bá tử nhân 9g, toan táo nhân 9g, tất cả đem ninh nhừ rồi chế thêm đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày.

• Kỷ tử: Vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, làm sáng mắt và nhuận tràng. Dân gian thường dùng kỷ tử để phòng chống chứng “kiện vong” và tăng cường trí nhớ bằng cách lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, đem hấp cách thuỷ ăn.

• Bá tử nhân: Vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, kiện não ích trí, hoạt tràng thông tiện. Để làm tăng trí nhớ có thể dùng lượng bằng nhau, sấy khô tán bột rồi hòa mật ong làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.

nguoiduatin

BÌNH LUẬN