Thay vì đến những trung tâm mua sắm, tôi đã thấy những góc bình yên của thủ đô Hàn Quốc khi đến đảo Nami, núi Nam San dịp đầu đông.
Khi đặt chân tới Seoul, tôi nhanh chóng bị cuốn vào nhịp sống hối hả, hiện đại của người dân xứ sở kim chi, với những bước chân rảo nhanh trên phố, những ánh mắt chăm chú dán chặt vào smartphone.
Để tách khỏi dòng người hối hả ấy, tôi chọn cho mình một quán nhỏ ven đường. Ở thành phố này, bạn có thể dễ dàng gặp những cửa hàng bán thức ăn truyền thống của hộ gia đình. Đó là những quán bán mì, thịt nướng hay gà hầm sâm. Đẩy cửa bước vào trong, bạn sẽ thấy một sự khác biệt: bên ngoài lạnh run – bên trong ấm áp, bên ngoài ồn ào – bên trong tĩnh lặng đến không ngờ.
Người dân Hàn thân thiện nhưng không sõi tiếng Anh, vì thế tôi chọn món ăn bằng cách chỉ hình, vì tên món cũng viết bằng tiếng Hàn. Đó là món mì lạnh với thịt bò, kim chi, củ cải ăn kèm trứng và một ít đá bào.
Khi nhìn thấy đá bào trong bát mì, tôi đã nghĩ tới một bát phở thịt bò cùng nước lèo nhưng lại có đá lạnh ăn như một món chè ngọt. Mì lạnh tương tự vậy khiến tôi lần đầu ăn rất vất vả vì không hợp vị. Nhưng với tôi, đây là một trải nghiệm thú vị.
Giữa một đô thị hiện đại, người Hàn vẫn giữ lại viên ngọc di sản kiến trúc: Cung Cảnh Phúc. Nơi vua ngự với ngai “thiên tử” được bảo quản cẩn thận, phía sau là các gian nơi vua và phi tần sinh sống.
Bao quanh cung là vườn thượng uyển, vọng cát đài với những hàng cây, con suối, mặt hồ phẳng lặng đối lập với sự ồn ã bên ngoài tường thành của Seoul.
Không gian cung điện trở thành nơi người dân địa phương cũng như du khách ngồi an định tâm hồn, nghĩ về một vương triều huy hoàng từng hiện hữu.
Với lượng khách du lịch Việt Nam những năm qua không ngừng tăng, đến cung Cảnh Phúc du khách có thể an tâm vì các tờ hướng dẫn đều có in tiếng Việt.
Ngọn núi nổi tiếng ở Seoul có tên là Nam Sơn (Namsan), nằm giữa lòng thành phố. Đứng trên đỉnh Nam Sơn, ta sẽ có cái nhìn bao quát về một thành phố toàn cầu: Lô nhô nhà cao tầng với những dòng xe chen chúc.
Nam Sơn còn có một con đường cuốc bộ từ chân núi lên cho những ai muốn thong dong đi dưới những tán phong chuyển mùa.
Tôi cuốc bộ đến chân Nam Sơn rồi nhìn lên với một ánh mắt tò mò. Có gì trên đó? Sau khi chen cùng nhóm du khách trong cabin cáp treo, một Seoul hiện ra lộng lẫy. Trên những bức tường chạy dọc khu vui chơi trên đỉnh, từng hàng móc khoá khoá chặt vào nhau mang ước vọng gắn bó dài lâu của những cặp đôi.
Seoul còn có nhiều điểm dừng chân từ những khu mua sắm nhộn nhịp như Myeong-dong hay Gangnam. Ngoài ra bạn có thể đến đảo Nami, nơi cách hơn một giờ tàu chạy. Đây cũng là nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng châu Á như Bản tình ca mùa đông.
Với đảo Nami, vì đi vào dịp cuối thu đầu đông khi những hàng cây trơ trụi lá, tôi đã bỏ lỡ vẻ đẹp toàn vẹn của nơi này. Tuy nhiên, tôi vẫn dành sự ngưỡng mộ cho cách làm du lịch của người Hàn. Họ biết quảng bá, khai thác các dịch vụ để biến những địa điểm như Nam Sơn hay Nami trở thành thỏi nam châm hút khách.
Ngồi nhâm nhi trái bắp nướng trên đảo Nami giữa trời đông lạnh, cũng như lúc nhìn những chùm móc khoá mắc trên đỉnh Nam Sơn tôi nghĩ về tương lai, khi du lịch nước nhà cất cánh.
Duy Bình