Phim điện ảnh Mỹ tôn vinh nỗ lực vượt qua mặc cảm về cơ thể, ngợi ca lòng trắc ẩn của con người.
Wonder (tựa Việt: Điều kỳ diệu) là một tác phẩm tiêu biểu cho dòng phim gia đình Mỹ, ấm áp và đầy nét hài hước, đáng yêu. Ở Mỹ, phim trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu 202 triệu USD, thu hút nhiều khán giả trong dịp Giáng sinh và đầu năm mới. Kịch bản được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của R.J. Palacio năm 2012, kể về cậu bé August (Jacob Tremblay đóng) và hành trình làm quen với trường lớp sau một thời gian dài tự học ở nhà cùng mẹ.
August sinh ra trong một gia đình nhỏ tràn ngập yêu thương với bố mẹ (Owen Wilson và Julia Roberts đóng), chị gái Via (Izabela Vidovic đóng) và chú chó Daisy. Mọi thứ tưởng chừng hoàn hảo nếu cậu không bị mắc bệnh bẩm sinh, khiến cậu phải trải qua 27 cuộc phẫu thuật ngay từ khi lọt lòng mẹ. August lớn lên với khuôn mặt biến dạng, khiến lũ trẻ phát khóc bỏ chạy khỏi sân chơi khi nhìn thấy. Khi đến trường, cậu bé bị đám bạn học xa lánh, kỳ thị, phải ngồi ăn trưa một mình.
30 phút đầu của tác phẩm dễ khiến người xem nghĩ tới những bộ phim bi thương, thuật lại hành trình của gia đình để chống chọi, vượt qua bệnh tật. Tuy nhiên, Wonder không đi theo mô-típ nặng nề này. Thay vào đó, kịch bản xoay quanh những câu chuyện nhỏ trong gia đình và trường học.
Khi niềm yêu thích của cậu với môn khoa học đã đủ lớn, cấp hai là thời điểm hợp lý cho August để bắt đầu khám phá thế giới rộng lớn xung quanh. Sự ham học của August, mối quan hệ với những người bạn được khắc họa rõ nét. Lần đầu tiên, ngoài những thành viên trong gia đình, cậu bé phải làm quen và học cách gắn bó với những người xa lạ.
Bằng tâm hồn và sự trong trẻo của mình, August dần cảm hóa những người khác, khiến họ bỏ qua khuôn mặt xấu xí và thấy được điều tốt đẹp bên trong cậu. Ở tầm cao hơn, bộ phim không chỉ nêu khó khăn riêng của August trong việc kết bạn ở trường mới, mà còn thể hiện sự bối rối của những đứa trẻ trong phim để hiểu thế nào là tình bạn.
Bởi bố mẹ quá quan tâm đến August, người chị đang ở ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành nhiều lúc phải chống chọi với sự cô đơn. |
Sau hồi đầu, phim bất ngờ chuyển hướng theo cách xây dựng đa tuyến, khiến khán giả không chỉ nhìn thế giới qua đôi mắt của August, mà còn hiểu hơn về những nhân vật khác, giống như lời thầy hiệu trưởng trong phim: “Mỗi câu chuyện đều có hai mặt”. Đáng chú ý nhất là những lời tâm sự của Via (chị gái của August) về sự cô đơn, bởi bố mẹ quá quan tâm đến người em dị dạng mà bỏ quên cô.
August được xem như “mặt trời” – trung tâm của gia đình – như một lẽ đương nhiên bởi dị tật của cậu bé. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hệ lụy là Via bị bỏ bê, phải lo cho bản thân từ nhỏ, tự thân đối mặt với những nỗi buồn trong tình bạn cũng như rung động đầu đời. Cảnh hồi tưởng với người bà được đặt vào để phản ánh khát khao được người khác quan tâm, trò chuyện của cô gái. Hai nhân vật khác – lúc đầu tạo cảm giác như vai phản diện – cũng bất ngờ tạo sự đồng cảm khi khán giả được nghe nỗi niềm của họ.
Đạo diễn kiêm biên kịch Stephen Chbosky xây dựng các tình tiết khá chặt chẽ, giữ cho tổng thể tác phẩm nhẹ nhàng, cân bằng giữa các yếu tố hài và tâm lý. Trừ một tình tiết liên quan đến Via diễn ra hơi đột ngột, các mâu thuẫn trong phim đều được xử lý gọn gàng. Wonder không có nhiều dấu ấn về kỹ thuật làm phim, ngoại trừ phần hóa trang cho nhân vật chính, khiến August trông vừa trẻ con lại vừa như người già. Sự biến đổi gương mặt được bộc lộ đủ để tạo vẻ dị dạng, nhưng không quá gây kinh sợ.
Jacob Tremblay trước và sau hóa trang. |
Gạt bỏ nhiều sự phức tạp ngoài đời thực, thế giới của Wonder truyền tải năng lượng tích cực, khiến nhiều người xem dễ ao ước được sống trong môi trường thấm đẫm nhân văn đó. Một ngôi trường có những giáo viên thật sự yêu thích công việc của mình. Thầy hiệu trưởng luôn quan tâm tới mỗi học sinh và tin vào điều tốt lành trong chúng. Thầy chủ nhiệm từ bỏ công việc ở phố Wall để theo đuổi đam mê làm giáo viên.
Những người bạn – sau sự kỳ thị lúc đầu – gắn bó bền chặt, thậm chí sẵn sàng đứng ra bảo vệ August. Còn gia đình là nơi mỗi người luôn có thể trở về và dựa vào sau một ngày khó khăn bên ngoài. Tất cả những đường dây này vây lấy August như vòng hoa đan cài, khiến một ngày nọ, cậu bé không còn cần đến chiếc mũ phi hành gia để che mặt trước người đời. Tổng thể tác phẩm ngợi ca lòng nhân ái, phần thiện trong mỗi con người.
Cuối cùng, khán giả cũng như các nhân vật trong phim, thay vì nhớ đến August như một cậu bé mặt nhăn nheo với những vết sẹo chằng chịt, sẽ nhớ đến một August hài hước, một cậu bé bình thường nhưng lại là một điều kỳ diệu trong mắt mọi người.