Hàng chục nghìn chiếc xe bị thu giữ trong khi các hãng sản xuất và cho thuê không muốn lấy về khiến các bãi xe ngày một phình to.
Chụp từ trên cao, những bãi xe đạp trông như một bức tranh sặc sỡ với vàng, trắng, xanh, đỏ nổi bật. Tất cả là hệ quả từ sự bùng nổ của ngành công nghiệp cho thuê và chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc ít năm gần đây. Ảnh: Ecns.cn.
Một cánh đồng ở Hàng Châu được tận dụng làm chỗ chứa của hàng chục nghìn xe đạp. Ảnh chụp ngày 26/6/2017. Trước đó, chính quyền địa phương từng cấm sử dụng hơn 20.000 xe do vi phạm luật giao thông, trong đó có việc để xe vô tội vạ. Các hãng sở hữu số xe này không đến nhận xe về. Ảnh: AFP.
Ngành công nghiệp cho thuê xe, hay chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc bùng nổ vào khoảng 18 tháng trước, với 60 doanh nghiệp start-up. Khách hàng có thể mở khóa bằng việc sử dụng điện thoại thông minh, đạp khắp thành phố, rồi để lại ở điểm đến. Công thức đơn giản mang tới thành công trong thời gian ngắn, nhưng ngành công nghiệp cũng vì thế lớn mạnh quá nhanh. Ảnh: Zuma.
Như ở riêng Hàng Châu, người dân có thể dễ dàng nhặt lấy một trong số ít nhất 86.000 xe và đạp đi bất cứ nơi đâu. Việc quá dễ dàng lấy xe còn bởi người sử dụng có xu hướng quẳng lại chỗ nào họ muốn: bên hè, dưới cầu vượt, trong công viên, dựa vào tường và nằm la liệt ở mọi chỗ trống. Ảnh: Imaginechina.
Ba công ty hàng đầu ở thời kỳ vàng son là Mobike, Ofo và Bluegogo. Trong một bức ảnh chụp hồi tháng 4/2017 là nhân viên của Ofo đưa xe hỏng về sửa chữa.
Theo quy định của một số thành phố, như Thượng Hải, xe đạp phải có tính năng định vị và phải trở thành đồ phế liệu sau 3 năm sử dụng. Đặc biệt, trẻ em dưới 12 tuổi bị cấm sử dụng xe đạp. Ảnh: AllChinaTech.
Trong hàng triệu xe được các hãng “dàn quân” ở các thành phố lớn, khoảng 90% là của Mobike và Ofo. Cảnh xe đạp chất cao hàng mét không khó bắt gặp. Ảnh: Shutterstock.
Trong một bãi chứa, những chiếc xe bị bỏ không lâu tới mức cây cỏ phủ kín. Giờ đây, Trung Quốc lại phải đối diện với vấn đề mới nảy sinh từ ngành công nghiệp này: xử lý khoảng 300 tấn kim loại phế thải trong tương lai. Ảnh: Shutterstock.
Hàng Châu, Bắc Kinh hay Thượng Hải đều có những bãi chứa xe đạp khổng lồ, thậm chí ngay giữa thành phố, và phần lớn trở thành phế liệu bởi gần như không hãng nào muốn nhận xe về. Ảnh: Shutterstock.
Hiện trong số ba công ty hàng đầu cho thuê xe đạp tại Trung Quốc, thì Bluegogo đã phá sản. Dư luận nước này lo ngại về tương lai của ngành chia sẻ xe đạp khi cung vượt quá cầu, các bãi phế thải vẫn đang cao thêm với lượng xe hỏng không ngừng dồn về. Ảnh: Shutterstock.