Không có những tiểu xảo và máy móc chuyên dụng để mông má lại xe như thợ nhưng bạn hoàn toàn có thể làm mới chiếc xe máy cũ của mình để khi bán có giá cao hơn.
1. Vệ sinh xe
Đừng nghĩ rằng chiếc xe chuẩn bị được bán đi rồi thì không cần quan tâm tới nó nữa. Hãy đặt mình vào vị trí của một người đi mua xe máy cũ, chắc chắn bạn sẽ không bỏ tiền ra mua một chiếc xe vừa cũ, nhếch nhác lại ì ạch. Vì vậy, hãy làm sạch, đánh bóng lại sơn xe tốt nhất trong khả năng có thể. Việc này vừa không tốn kém lại hiệu quả khi nó có thể tạo nên ấn tượng tốt ngay từ đầu với người mua.
Nên rửa xe sạch sẽ, đánh bóng lại sơn để chiếc xe có cảm giác được chăm chút kỹ lưỡng. |
2. Kiểm tra, bảo dưỡng lại máy
Đừng hà tiện trong việc chăm chút, bảo dưỡng lại chiếc xe đã gắn bó với mình suốt một thời gian dài trước khi đẩy nó đến với chủ mới. Hãy kiểm tra lại máy móc xem có phần nào hư hỏng, trục trặc không để kịp thời xử lý. Phần nào nằm ngoài khả năng của mình thì bạn nên đem ra hàng để cân nhắc thay thế.
Người mua luôn muốn một chiếc xe vận hành êm ái, ống bô không bốc khói đen kịt và việc đề nổ suôn sẻ. Vì vậy, bạn hãy thay ắc quy mới cho xe để đảm bảo trong lần thử đi đầu tiên, chủ mới sẽ cảm thấy hài lòng với nó.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thay dầu mới cho xe để nó vận hành được trơn tru và không bốc mùi khét lẹt khi người mua thử vận hành với tốc độ cao.
Kiểm tra lại máy móc và sửa chữa những lỗi vặt. |
Thay bugi mới để đảm bảo xe đề nổ tốt khi người mua thử xe. |
Cần thay dầu mới cho xe để máy được vận hành trơn tru. |
3. Chuẩn bị giấy tờ
Hãy kiểm tra lại giấy tờ của xe đầy đủ trước khi tiến hành một cuộc giao dịch. Hiện nay, các yêu cầu về xe chính chủ ngày càng cao nên khách hàng sẽ không muốn dính vào một chiếc xe mù mờ về nguồn gốc.
Nếu xe đã qua nhiều đời chủ, các giấy tờ mua bán rõ ràng sẽ khiến họ yên tâm hơn và bạn thì không bị dìm giá xe.
4. Tham khảo giá bán
Các nguồn tham khảo hiện nay khá đa dạng, bạn có thể tìm hiểu trên internet, hỏi thăm những người có kinh nghiệm. Thậm chí, bạn có thể tìm đến những chợ xe cũ để ướm thử giá xe. Đồng thời, bạn cũng phải căn cứ trên mức độ sử dụng xe, số km, việc bảo quản, giữ gìn xe của mình để định giá, tránh việc bán xong thì tiếc hùi hụi vì quá rẻ. Nếu bạn định giá quá cao, xe của bạn sẽ rất khó bán.
5. Khi đưa “nàng” về “bên người”
Trước khi đem xe đi bán, bạn nên bơm lại lốp xe, đổ đầy bình xăng. Điều này sẽ tạo nên sự thiện cảm cho người mua rằng bạn là một người khá chỉn chu.
Việc bơm lốp chuẩn sẽ giúp xe vận hành tốt nhất. Nếu lốp non, xe đi bị chiềng còn lốp quá căng sẽ bị xóc, đều là những ấn tượng không được tốt về một chiếc xe.
Bên cạnh đó, dù đã “tút tát” lại chiếc xe trước đó, bạn cũng nên nói rõ cho người mua tình trạng và các vấn đề xe gặp phải (nếu bạn chưa sửa chữa nó) để tránh các vấn đề rắc rối về sau.
Việc thông báo rõ tình trạng xe, bao gồm cả những thay đổi, sửa chữa cũng sẽ giúp chủ mới biết được cần phải làm gì với chiếc xe này, sử dụng linh hoạt, đảm bảo sự an toàn khi vận hành.