2017 là một năm tồi tệ và nếu các hãng công nghệ không thay đổi nhận thức về trách nhiệm với đời thực, 2018 sẽ còn tệ hơn nữa.
Nhận định trên của tạp chí New York Times nghe có vẻ kỳ cục khi nhiều hãng đang tổng kết lợi nhuận và mức độ tăng thưởng cao kỷ lục. Năm nay, các đại gia công nghệ Mỹ đã kiếm bộn tiền, thu hút nhiều người dùng hơn và đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trong cuộc sống. 2017 cũng là năm Amazon thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái, hay Apple trình làng iPhone X mở khóa bằng chính khuôn mặt bạn.
Thế nhưng, ẩn dưới những thành công tưởng chừng hiển nhiên đó là cả một làn sóng dịch chuyển khổng lồ, đặc biệt trong cách thức các hãng công nghệ ứng xử với thế giới. Vì năm nay, lần đầu tiên, các gã khổng lồ miễn cưỡng chấp nhận thực tế rằng họ cần có phần nào trách nhiệm đối với thế giới thực (offline).
Mỗi nền tảng công nghệ cần đi kèm với những trách nhiệm trong cuộc đời thực. |
Mỗi nền tảng công nghệ cần đi kèm với những trách nhiệm trong cuộc đời thực. Lý do 5 hãng công nghệ Mỹ có giá trị vốn hóa lớn nhất (Amazon, Apple, Facebook, Alphabet và Microsoft) đáng giá đến vậy là vì họ sở hữu những “nền tảng” hình thành nên “xương sống” của nền kinh tế số, dù cho cái họ kinh doanh là hệ điều hành, kho ứng dụng, mạng xã hội, máy chủ đám mây hay hạ tầng vận tải.
Hãy nghĩ về những nền tảng này như những đại lộ, đường sắt và đường thủy của nền kinh tế thông tin. Chỉ có những ai đang sống trong rừng mới có thể ít cần đến chúng.
Nhiều năm nay, dù sự bành trướng ngày càng lớn, các nền tảng công nghệ hiếm khi bị “soi” hay phải chịu trách nhiệm về cách thức người dùng trực tuyến sử dụng các nền tảng do mình cung cấp. Như thể có một khẩu hiệu ngầm ở thung lũng Silicon vậy: Chúng tôi chỉ tạo ra công nghệ, người dùng sử dụng như thế nào là chuyện khác.
Trong năm 2017, điều đó đã thay đổi. Ban đầu còn miễn cưỡng, nhưng các công ty như Facebook bắt đầu nhận một phần trách nhiệm về việc mạng xã hội này đang ảnh hưởng đến thế giới thực ra sao, dù chưa thể được như giới chỉ trích mong muốn.
Năm qua, các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay công cụ tìm kiếm như Google thường xuyên bị quy trách nhiệm cho việc “dìm hàng” các kênh truyền thông chính thống, phát tán tin tức giả mạo, gây bức xúc, chia rẽ xã hội. Nổi bật là vụ bê bối chưa có hồi kết về vai trò của Facebook đến đâu trong việc tác động tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, bởi cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ nhằm vào mạng xã hội này vẫn đang được tiến hành.
Tiếp đó là những câu hỏi lớn hơn về văn hóa doanh nghiệp. Susan Fowler, một cựu kỹ sư Uber, tiết lộ cô đã bị cấp trên quấy rối và phân biệt đối xử tại công ty nhưng phòng nhân sự đã lờ đi những phàn nàn của cô. Fowler nằm trong số “những người phá vỡ sự im lặng” để lên tiếng chống lại nạn quấy rối tình dục nơi làm việc và được tạp chí Time chọn là Nhân vật của năm 2017. Uber đã trải qua một cuộc khủng hoảng điều hành khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị sa thải, nhà sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick buộc phải từ chức.
Cũng như Uber, nhiều ông lớn công nghệ khác chưa có sự chuẩn bị cho những vấn đề nổi cộm mà họ vấp phải trong năm qua. Khi bị hỏi về vai trò của mạng xã hội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, CEO Mark Zuckerberg của Facebook trả lời một cách rất sách vở: “Thật điên rồ khi cho rằng tin tức sai lệch trên Facebook đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử dưới bất cứ hình thức nào”.
Nhưng giờ thì giọng điệu đó đã không còn. Zuckerberg thậm chí công khai xin lỗi về câu trả lời của mình và tuyên bố “bảo vệ cộng đồng Facebook quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận”. Phát ngôn này có thể chỉ là chiêu trò marketing, xoa dịu dư luận, nhưng cũng có lý do để tin họ đang thay đổi thật.
2017 là năm các hãng công nghệ bắt đầu thừa nhận trách nhiệm về việc nền tảng của họ ảnh hưởng đến thế giới như thế nào, và giờ, điều cần xác định là 2018 và các năm sau nữa, trách nhiệm đó được thể hiện ra sao.
CEO Facebook khẳng định sẵn sàng mạo hiểm lợi nhuận để cải thiện chất lượng cộng đồng người dùng. Mạng xã hội này đã thử nghiệm những ý tưởng khác nhau để hạn chế tin vịt và khiến News Feed của người dùng không bị quảng cáo lũng đoạn, nhường chỗ cho những kết nối xã hội “có ý nghĩa” hơn. Họ cũng thử nghiệm các hệ thống giám sát quảng cáo chặt chẽ hơn, với hy vọng ngăn không cho người dùng nước ngoài lợi dụng mạng lưới quảng cáo của mình để tác động đến những sự kiện quan trọng như bầu cử.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như những nỗ lực trên không làm giảm nhẹ được vấn đề? Nếu Facebook nhận thấy việc thay đổi News Feed khiến thời gian người dùng gắn bó với mạng xã hội này bị rút ngắn và ảnh hưởng đến lợi nhuận thì liệu họ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch như đã tuyên bố?
“Cũng giống như ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp ở thập niên 50 của thế kỷ trước, Facebook và Google lôi cuốn người dùng nhờ sự tiện lợi, nhưng cung cấp cho họ một chế độ ăn mà chắc chắn về lâu dài sẽ gây ra hậu quả”, nhà đầu tư mạo hiểm Roger McNamee ví von. “Vấn đề này không thể chỉ xử lý ở bề nổi. Nó sẽ chỉ có thể cải thiện nếu ta chịu thay đổi thuật toán theo cách mà chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận sẽ bị sút giảm”.
McNamee nhận định, một khi bạn chấp nhận khắc phục hậu quả mà sản phẩm của bạn gây ra, dư luận sẽ kỳ vọng bạn thực sự khắc phục chứ không phải là lời nói đãi bôi, không cần biết các giải pháp có xung đột với quyền lợi kinh doanh của bạn đến đâu.
Vì vậy, theo New York Time, 2017 thực sự là một năm rất tệ của làng công nghệ Mỹ. Nếu tiến trình khắc phục hậu quả không diễn ra thực chất, 2018 có lẽ còn tệ hơn nữa.