Nhiếp ảnh gia Hà Nội kỷ niệm hành trình làm nghề qua bộ sách khắc họa vẻ đẹp thiếu nữ Việt.
Cuối tuần qua, Nguyễn Quốc Dũng (nghệ danh Dzungart) có buổi giới thiệu sách ảnh “Mùa nắng phai” tại Đường sách TP HCM. Sách ra mắt hồi tháng 4, vừa được tái bản. Ấn phẩm tập hợp 120 bức ảnh với ba phần riêng biệt: Ảnh màu, Ảnh đen trắng và Ảnh ý niệm.
Hai con gái của Nguyễn Quốc Dũng làm mẫu cho anh với bối cảnh ở Hội An. Trước khi đến với nhiếp ảnh, anh là họa sĩ. Ở lĩnh vực nào, tác giả Hà Nội vẫn thể hiện tình yêu với vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng của thiếu nữ với trang phục truyền thống.
“Tôi không nghĩ có ngày mình rẽ sang chụp ảnh, vẫn nghĩ nếu có chụp thì chỉ là vui chơi vì thích. Nhưng không phải vậy, lúc đầu chụp để lấy tài liệu cho vẽ tranh, hết áo yếm đến áo dài, chụp mặc vào rồi lại cởi ra. Mỗi ngày một hứng thú, thấy đẹp thì bày triển lãm, bạn bè, người xem đến xem nhiều, người thích rồi mua nhiều làm mình cũng thích. Cứ thế định hình con đường mới lúc nào không hay”, tác giả chia sẻ trong lời giới thiệu sách ảnh.
Gần đây, Nguyễn Quốc Dũng còn chuyển sang chụp ảnh nude. Anh nhận xét đây là công việc nghiêm túc, đầy sáng tạo và khó nhọc.
Bức ảnh chụp tại sông Như Ý (Huế, 2016).
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Chất hội họa trong ảnh của Dũng nói chính xác phải là chất đồ họa, thiên về mảng phẳng, ít chi tiết, bố cục khúc chiết gồm hai hoặc ba miếng lớn, vuông bằng sổ thẳng. Ví dụ một (hoặc một nhóm) nhân vật đứng trước một cái nền nào đó, có thể là bức tường, có thể là cánh đồng, mặt ao hoặc cơn mưa… Máy đặt chính diện, không hất lên, không úp xuống, không nghiêng ngả. Dũng cố tình triệt tiêu chiều sâu của nhiếp ảnh truyền thống”.
Thất Sơn