Chi phí logistics của Việt Nam chiếm 18-20% GDP, gần gấp đôi các nước có nền kinh tế phát triển, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thực trạng này được ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nêu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2017, ngày 15/12.
Đề cập tới hoạt động xuất nhập khẩu, vận tải hàng hoá, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu, thu hút khoảng 35 tỷ USD vốn đăng ký năm 2017; tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt hơn 170% và tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân 15%, gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia có cước phí vận tải đắt so với khu vực, thế giới.
“Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu”, ông Ousmane Dione cho biết.
Cùng với đó, số lượng lại không đi cùng chất lượng khi Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh thực hiện công đoạn sản xuất giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, 70% tổng giá trị xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam. Ảnh: T.H |
Chi phí cao, cơ sở hạ tầng chưa được tận dụng tối đa là những điểm yếu được các chuyên gia chỉ ra trong dòng chảy phát triển logistics tại Việt Nam. Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số năng lực logistics (LPI) giảm gần 16 bậc trong 2 năm, từ thứ hạng 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016.
“Sự sụt giảm này cho thấy khoảng cách phát triển logistics Việt Nam ngày càng dãn rộng so với các nước. Trong khi các nền kinh tế khác có sự thăng tiến nhanh thì Việt Nam chậm lại, đồng nghĩa các bạn đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Ousmane Dione đánh giá.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp Việt hoạt động lĩnh vực này, trong đó một nửa là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên mức đóng góp cho nền kinh tế chỉ khoảng 2-3%.
Đáng nói, gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài; cung cấp dịch vụ đơn điệu, chất lượng thấp, ít giá trị gia tăng… Vì thế, chỉ 25% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam, “miếng bánh” lớn 75% còn lại ở trong tay doanh nghiệp nước ngoài.
Đây cũng là điểm yếu nổi bật ngành logistics Việt Nam được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nêu tại diễn đàn. Theo ông, hạn chế của ngành kéo dài từ nhiều năm nay khi chưa giải quyết được công tác quy hoạch, giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau.
“Chúng ta cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Góp ý, Giám đốc quốc gia WB đề xuất 4 giải pháp để thúc đẩy logistics Việt Nam phát triển. Thứ nhất, tăng cường kết nối. Khi khả năng kết nối trở nên có hiệu quả thì sẽ tăng cường được mối liên kết giữa sản xuất và thị trường thế giới. Từ đó sẽ giảm được chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng.
“Nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, rõ ràng là vượt khả năng tài trợ, kém hiệu quả và do vậy không bền vững. Việc chuyển dịch sang tài trợ bởi khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu là chìa khóa để có kết nối tốt hơn”, chuyên gia của WB cho hay.
Thứ hai, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành có rất nhiều quy định phải tuân thủ, mà theo ước tính chiếm tới 76% thời gian cần thiết để nhập khẩu, đáp ứng các yêu cầu quản lý thủ tục ở trước và tại cửa khẩu. Việc chỉ cải cách ngành hải quan sẽ không tạo ra hiệu quả đáng kể về tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba, phải có sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp. Cuối cùng, việc thu thập và duy trì dữ liệu về logistics và hiệu quả tạo thuận lợi cho thương mại là rất quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp. Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn, trong khi thách thức đầu tiên của Việt Nam là chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu của hoạt động vận tải và logistics.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện kết hợp với hỗ trợ tài chính trong thời gian nhiều năm nếu cần”, Giám đốc quốc gia của WB khẳng định.
Anh Minh