Gần 20 người gom hết vốn liếng mua đất quận 9 (TP HCM) từ năm 2002, đến nay bên bán đột ngột báo không thể thực hiện dự án.

Các lô đất thuộc dự án khu nhà ở tọa lạc trên đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM do Công ty cổ phần Đông Dương làm chủ đầu tư, Tổng giám đốc là ông Đỗ Trường Sơn. Khi chào bán đất trong các năm 2002-2009, doanh nghiệp xác nhận đã đền bù toàn bộ diện tích 19.898m2 đất của dự án.

Việc mua, bán được thực hiện bằng hình thức ký kết “Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng khu nhà ở” (giai đoạn 2002) và “Hợp đồng hợp tác đầu tư” (giai đoạn 2009). Ngay khi ký hợp đồng, khách hàng đã nộp cho Công ty Đông Dương 70% giá trị nền đất.

Khách sẽ thanh toán tiếp cho chủ đầu tư 20% giá trị hợp đồng khi có quyết định giao đất của UBND TP HCM và tất toán 10% giá trị còn lại của hợp đồng khi nhận nền. Đơn giá đất do Công ty cổ phần Đông Dương bán từ năm 2002 đến năm 2009 là từ 1,8 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng một m2 (tuỳ thuộc vào vị trí và diện tích). Một số khách hàng đã mua lại từ nhà đầu tư khác với giá chênh lệch cao hơn từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng mỗi m2.

Trong hợp đồng ký với tất cả các khách hàng, Công ty Đông Dương cam kết sẽ hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách mua trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày ký. Song đến hẹn, khách không được nhận nền, chủ đầu tư luôn viện dẫn cùng một lý do là đang hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án, san lấp mặt bằng để bước sang khâu thi công hạ tầng.

ban-dat-thu-tien-ty-15-nam-sau-chu-dau-tu-khat-khong-giao-nen

Khu đất được Công ty Đông Dương chào bán, thu tiền của khách hàng từ năm 2002-2009 song doanh nghiệp muốn thanh lý hợp đồng với người mua từ tháng 11/2017. Ảnh: Vũ Lê

Sốt ruột vì chưa được nhận nền nhưng khách hàng tiếp cận được các tài liệu liên quan đến dự án Công ty Đông Dương đang triển khai nên đồng thuận chờ đợi. Hồ sơ gồm có: văn bản xác nhận Công ty Cổ phần Đông Dương đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2004 và san lấp toàn bộ diện tích 9 dự án vào tháng 12/2005.

Ngoài ra còn có văn bản Công ty Cổ phần Đông Dương đã hoàn tất hồ sơ để UBND quận 9 thông qua thỏa thuận sơ bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho dự án. Chính vì tiếp cận được các văn bản này, nên bên bán hứa hẹn, bên mua đợi chờ, thời gian cứ thế kéo dài 15 năm.

Thế nhưng đến ngày 10/11/2017, gần 20 khách hàng tá hỏa khi nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Đông Dương thông báo doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện dự án. Trong văn bản này, chủ đầu tư đề nghị các khách hàng liên hệ phòng kế toán của Công ty Đông Dương để tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng.

Còn chưa hết bàng hoàng với cú sốc không được nhận nền sau 15 năm chờ đợi, khách hàng của Công ty Đông Dương tiếp tục phát hiện ra một hung tin nữa. Nền đất của họ đang được chào bán công khai trên thị trường bởi một doanh nghiệp khác.

ban-dat-thu-tien-ty-15-nam-sau-chu-dau-tu-khat-khong-giao-nen-1

Tờ rao dự án mới xuất hiện trên thị trường mang tên Khu dân cư cao cấp Samsung Land, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM, bị khách hàng của Công ty Đông Dương phát hiện chào bán nền đất trùng với khu đất họ đã mua cách đây 15 năm. Ảnh: Vũ Lê

Ngày 26/11/2017, nhiều khách hàng mua đất của Công ty Đông Dương phát hiện các lô đất mình đã mua 15 năm nay lại đang được rao bán thông qua Công ty Bất động sản Đất Việt có địa chỉ tại số 112A Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Lúc này, các nền đất đã “thoát xác” thành những sản phẩm hoàn chỉnh hơn, nằm trong một dự án đẹp hơn có tên gọi Samsung Land, với giá 22 – 30 triệu đồng mỗi m2.

Tại lễ mở bán, trước sự phản đối của nhóm khách hàng Công ty Đông Dương, Tổng giám đốc của Công ty Bất động sản Đất Việt, Trịnh Văn Toán đã cung cấp các bản vẽ hạ tầng của dự án Samsung Land với tên chủ đất là bà Bùi Thị Việt Hà để chứng tỏ không bán đất “chui”. Thế nhưng, khi biết được đây là một khu đất đang có nguy cơ bị bán 2 lần, Công ty Đất Việt cam kết tạm dừng bán Samsung Land để chờ làm rõ sự việc.

Theo hồ sơ VnExpress thu thập được, bà Hà không phải là người lạ của Công ty Đông Dương. Trong các biên bản họp Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Đông Dương, bà Bùi Thị Việt Hà là một trong những cổ đông của doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 2/3/2017, số cổ phần bà Hà nắm giữ từ 80.000 cổ phần, tương ứng 4% vốn đều lệ của Công ty Đông Dương đã được tăng lên thành 880.000 cổ phần, chiếm 22% vốn điều lệ và được hội nghị thông qua.

ban-dat-thu-tien-ty-15-nam-sau-chu-dau-tu-khat-khong-giao-nen-2

Hạ tầng đang được thi công trên khuôn viên đất Công ty Đông Dương đã bán cho khách hàng nay nằm trong dự án Samsung Land của pháp nhân khác. Ảnh: Vũ Lê

Những người mua nền đất từ Công ty Đông Dương trong 15 năm qua đã đặt vấn đề, liệu có hay không việc Đông Dương dùng chiêu ve sầu thoát xác để cổ đông công ty hình thành dự án mới bán ra ngoài, khi giá đất quận 9 lên cơn sốt trong năm 2017.

Sáng 5/12 tại trụ sở công ty trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM, Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương, ông Phạm Thành Tấn đã thay mặt cho Tổng giám đốc Đỗ Trường Sơn (người thường xuyên tránh mặt khách hàng) gặp mặt gần 20 người mua nền đất.

Ông Tấn lắng nghe các chất vấn gay gắt của khách hàng và thừa nhận Công ty Đông Dương có lỗi trong vụ việc bán đất, thu tiền nhưng không giao nền 15 năm qua. Ông Tấn cũng thú nhận chỉ đảm nhận phần việc quản lý kho của Công ty Đông Dương ở địa bàn Bình Dương nên không nắm rõ các khúc mắc của dự án ở quận 9, TP HCM.

Cuộc gặp lẽ ra giải quyết vấn đề, song đã biến thành buổi tiếp thu ý kiến. Ông Tấn hứa sẽ triệu tập một cuộc họp ban lãnh đạo của Đông Dương để tìm giải pháp thỏa đáng cũng như trả lời tất cả các thắc mắc của khách hàng về bà Bùi Thị Việt Hà và hành trình thoát xác của dự án.

Cũng trong buổi gặp mặt sáng 5/12, phía Công ty Đông Dương đã để lộ 2 tình tiết cho thấy họ chưa sòng phẳng với khách hàng. Thứ nhất, Kế toán trưởng Công ty Đông Dương, Trần Thị Kim Thoa được Tổng giám đốc Đỗ Trường Sơn ủy quyền trả lời và tiếp nhận ý kiến khách hàng cho biết, công ty hoàn toàn không biết việc bà Bùi Thị Việt Hà giao dự án cho Công ty Đất Việt chào bán.

Thứ hai, bà Thoa giải thích việc Công ty Đông Dương mời khách hàng lên thanh lý hợp đồng vì xét thấy dự án không hiệu quả.

Các tình tiết này cho thấy, về số phận của dự án, 15 năm qua, Công ty Đông Dương không phải ở trong thế bị động không có khả năng thực hiện mà đã cân nhắc chọn lựa, chủ động tìm hướng xử lý đơn phương (không thông qua ý kiến của khách hàng), trong bối cảnh giá đất liên tục leo thang.

Việc thanh lý hợp đồng sẽ đẩy khách hàng vào thế khó càng thêm khó. Bởi lẽ, nếu thanh lý hợp đồng thì khách hàng thiệt đơn thiệt kép. Họ vừa mất đất, vừa mất chi phí cơ hội suốt 15 năm qua vừa phải chấp nhận điều khoản bồi thường 20% tổng giá trị hợp đồng, một khoản tiền chắc chắn không thể mua được nền đất quận 9 tại thời điểm 2017.

Vũ Lê

vnexpress

BÌNH LUẬN