Chương trình tọa đàm với chủ đề “Khởi nghiệp bền vững” vừa diễn ra tại Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, thu hút sự tham dự của gần 600 sinh viên.
Các diễn giả tham gia chia sẻ gồm: Diễn viên Việt Anh, Á hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh, chuyên gia cố vấn khởi nghiệp Trần Trí Dũng đến từ Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (SWISS Entrepreneurship Program) và doanh nhân Phan Trung Kiên – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long.
Các diễn giả chia sẻ những bài học trải nghiệm khởi nghiệp |
Qua những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế từ các diễn giả, sinh viên của Đại học Lâm nghiệp đã bước đầu định hướng cho mình tư duy khởi nghiệp bền vững – bền vững từ việc đặt nền móng và xây dựng từ những điều nhỏ nhất.
Trước khi trở thành một gương mặt nổi tiếng với các vai diễn ấn tượng được nhiều khán giả yêu mến, diễn viên Việt Anh cũng đã từng loay hoay với chính con đường sự nghiệp của mình. Từng trúng tuyển vào hai trường đại học danh giá, tuy nhiên Việt Anh quyết định bỏ dở sự nghiệp học hành và tìm kiếm cho mình một con đường khác. Vào năm 2003, VFC mở một khóa đào tạo diễn viên truyền hình và như một cái duyên đầy bất ngờ, Việt Anh quyết định tham gia vào khóa đào tạo này với ý nghĩ ban đầu đó là thử sức mình trong một lĩnh vực mà trước đó hoàn toàn không hề nghĩ đến. Đây chính là bước ngoặt lớn, không chỉ giúp cho Việt Anh tìm thấy niềm đam mê cháy bỏng nơi nghiệp diễn, mà còn thay đổi hoàn toàn cuộc đời của anh chàng diễn viên điển trai này. Thông qua câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, diễn viên Việt Anh đã nhắn nhủ tới các bạn sinh viên: “Mọi người vẫn thường hay nghĩ phải kinh doanh, phải mở một công ty mới là khởi nghiệp, nhưng Việt Anh thì không nghĩ vậy. Để bắt đầu khởi nghiệp, đôi khi không phải là chúng ta khởi nghiệp với bao nhiêu tiền hay chúng ta sẽ khởi nghiệp như thế nào, mà là khởi nghiệp với bao nhiêu % đam mê. Nếu thiếu đi niềm đam mê thì khởi nghiệp sẽ chỉ dừng lại ở ước mơ mà sẽ không thể trở thành hiện thực”.
Đông đảo các sinh viên Đại học Lâm nghiệp tham dự và đặt câu hỏi với diễn giả |
Còn đối với Á hậu Dương Tú Anh, những thành công từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 đã cho cô nhiều cơ hội được trải nghiệm và thử sức trong nhiều lĩnh vực. Ngay từ khi còn nhỏ, Tú Anh may mắn được bố mẹ định hướng, từ đó nuôi dưỡng ước mơ trở thành một MC trên sóng truyền hình. Sau khi hoàn thành 4 năm học tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Tú Anh của hiện tại được công chúng biết đến nhiều hơn với vai trò một MC, biên tập viên của VTV. Chia sẻ tới các bạn sinh viên về quan điểm khởi nghiệp bền vững, Tú Anh nhấn mạnh việc xác định năng lực lõi và lập kế hoạch thực thi: “Các bạn hãy xác định dù khởi nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ không dễ dàng và vô cùng khó khăn. Điều quan trọng là các bạn đừng vội nản chí. Đầu tiên là hãy xác định được điểm mạnh của bản thân, từ đó xác định ước mơ và hoài bão cho bản thân, từng bước lập kế hoạch để hiện thực hóa ước mơ đó. Hiện nay ở Việt Nam tinh thần khởi nghiệp đang được cổ vũ và hỗ trợ rất nhiều, các bạn sẽ có nhiều cơ hội và hãy mạnh dạn nắm bắt cơ hội cho riêng mình”.
Dù thời gian và công việc rất bận rộn nhưng Tú Anh vẫn luôn dành thời gian để đọc sách mỗi ngày: “Ngoài việc giữ lửa đam mê thì việc học hỏi từ những cuốn sách cũng chính là một trong những cách để các bạn trau dồi và tích lũy kiến thức cho con đường khởi nghiệp của mình. Đặc biệt, những cuốn sách đổi đời mà Trung Nguyên đã tâm huyết lựa chọn cho các bạn trẻ chính là giúp các bạn rút ngắn được thời gian và khoảng cách để có thể đi đến thành công”.
Anh Trần Trí Dũng đã có nhiều kinh nghiệm điều phối các hoạt đông hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại các nước vùng Mê Kông (Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam). Bản thân anh cũng đã khởi nghiệp với rất nhiều dự án và sau một quãng thời gian dài khởi nghiệp bằng công việc kinh doanh, anh nhận thấy điều có ý nghĩa nhất với mình chính là có thể góp chút sức lực và hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày một phát triển. Với góc độ của một chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, anh Dũng đã chứng kiến sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam. Chia sẻ tại buổi toạ đàm góc nhìn thú vị của mình về phong trào khởi nghiệp hiện nay, anh Trí Dũng cho rằng: “Khởi nghiệp không phải là một hành động, khởi nghiệp là một năng lượng tinh thần. Chừng nào con người vẫn còn năng lượng tinh thần thì khi ấy chúng ta vẫn sẽ khởi nghiệp. Năng lượng khởi nghiệp khác với những dạng năng lượng khác ở chỗ: đất đai, con người là hữu hạn nhưng năng lượng sáng tạo là vô cùng tận. Năng lượng khởi nghiệp chính là khởi tâm, khởi ý niệm, từ đó kết nối những người xung quanh mình và cùng nhau phát triển”.
Xuất thân là một chàng sinh viên của Học viện Nông nghiệp, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, doanh nhân Phan Trung Kiên luôn mang trong mình nỗi trăn trở phải làm gì để có thể nâng tầm giá trị cho sản vật nông nghiệp Việt Nam. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Trung Kiên cũng đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Với suy nghĩ phải khởi nghiệp và khởi nghiệp phải đem lại giá trị cho cộng đồng và xã hội, Trung Kiên quyết định tập trung nghiên cứu và phát triển cây dược liệu sau khi tìm hiểu về lợi ích của cây cà gai leo – vốn là một sản vật của địa phương nơi anh sinh sống. Càng làm, anh Kiên càng cảm thấy đây chính là niềm đam mê mà mình đang tìm kiếm bấy lâu nay. Gợi ý về con đường khởi nghiệp bền vững trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thảm thực vật phong phú và đa dạng bậc nhất, anh hướng các bạn sinh viên Lâm nghiệp hãy tận dụng lợi thế của mình: “Sinh viên Lâm nghiệp mang trong mình rất nhiều lợi thế để có thể khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông, lâm. Việt Nam trong nhiều năm nữa vẫn sẽ là một quốc gia mạnh về nông nghiệp, đây chính là cơ hội lớn để các bạn có thể khởi nghiệp thành công. Hãy bắt đầu từ những sản vật địa phương gần gũi nhất và phát triển thành các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ mọi người. Khởi nghiệp và mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, tôi cho đó là khởi nghiệp bền vững”.