Con có thể khiến bạn bực mình bằng việc lặp lại câu hỏi thay vì đưa ra câu trả lời.
Ở vào độ tuổi giữa 2 và 4, trẻ con là những người “buôn dưa lê” giỏi nhất. Chúng ngày càng hiểu được nhiều từ hơn và bắt đầu giao tiếp bằng ngôn ngữ thường xuyên thay vì dùng cử chỉ hay rên rỉ đòi thứ chúng muốn. Và bạn cũng có thể nhận thấy con của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng về phát triển ngôn ngữ.
Trẻ sẽ liên tục đưa ra cho bạn những câu hỏi, cả hợp lý và thái quá. Nếu nhìn nhận việc này như một cơ hội để giúp con bứt phá, đây là thời điểm lý tưởng để bạn thử và trả lời tất cả các câu hỏi đó với vốn từ phong phú.
Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về 30 điều con cần hiểu trước khi bé tròn 2 tuổi. Bài này, Theasianparent tiếp tục đều cập tới những điều quan trọng mà con có thể hiểu hoặc nói được vào thời điểm bé 4 tuổi. Nói cách khác, đây là danh sách các cột mốc ngôn ngữ của trẻ.
Trẻ 4 tuổi có nhu cầu giao tiếp bằng ngôn ngữ lớn. |
1. Cột mốc ngôn ngữ của trẻ ở tuổi giữa 2 và 3
– Có thể gọi tên và xác định vị trí một số bộ phận cơ thể
– Biết tên và có thể kết hợp 4-5 màu cơ bản
– Hiểu được hầu hết mọi thứ bạn nói với con
– Biết được các từ và hiểu được những từ đối lập đơn giản như “lớn – nhỏ”
– Có thể tập trung sự chú ý hoàn toàn vào một hoạt động bằng tay trong 5-7 phút
– Hiểu được khái niệm “một” và “tất cả”
– Hiểu được khái niệm “đơn lẻ”. Nếu con chơi cùng 6 món đồ chơi và bạn yêu cầu con đưa cho bạn một món, con có thể làm được điều này.
– Hiểu được khái niệm thời gian, đặc biệt là “Ngày hôm qua” và “Ngày mai”
– Thích nghe những truyện ngắn, bài hát và thơ có vần điệu
– Thích nghe đi nghe lại cùng một câu chuyện!
– Có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản như: “Chải tóc cho búp bê”.
– Hiểu được các đại từ và có thể đặt đồ chơi “vào trong”, “trên” hoặc “dưới” chiếc hộp khi được yêu cầu
– Có thể xác định, kết nối và gọi tên những hình ảnh, sự kiện thông thường
– Biết chỉ vào ảnh trong sách khi nghe thấy tên của chúng
– Nếu cần một thứ gì đó, con biết đưa ra yêu cầu bằng cách gọi tên của chúng
– Nói chuyện với đồ chơi
– Hay chỉ tay và đặt câu hỏi: “Đó là gì vậy?”
– Có thể nói với bạn khi nào con muốn đi vệ sinh hoặc thay bỉm
– Có thể nói tên của chính mình (trừ khi nó quá phức tạp)
– Biết giơ ngón tay để nói số tuổi của mình
– Cố gắng nói chuyện nhưng có thể dùng sai ngữ pháp
– Sử dụng câu với 2-3 từ như: “Con muốn nó”, “Con buồn ngủ”
– Sử dụng danh từ và động từ cùng nhau như: Bố-ngồi
– Có thể sử dụng hai từ phủ định
– Nói chuyện với trẻ em khác như người lớn
– Cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách nói chuyện thay vì đánh hoặc khóc
– Trả lời các câu hỏi đơn giản về đặc điểm của đối tượng. Ví dụ: “Con thích món ăn nào?”.
“Dấu hiệu đỏ” về ngôn ngữ
– Con không thích nói chuyện
– Con thể hiện những cơn giận dữ mọi lúc thay vì dùng từ ngữ để diễn tả mong muốn của mình
– Bạn gặp khó khăn để hiểu điều con nói
– Con chỉ dùng một từ khi giao tiếp
2. Cột mốc ngôn ngữ của trẻ ở tuổi giữa 3 và 4
– Hiểu về khái niệm thời gian tốt hơn. Ví dụ như “Ngày mai”, “Thời gian ăn trưa”, “Buổi sáng”
– Hiểu những động từ đối lập nhau như “nhanh” và “chậm”
– Có thể đọc thuộc lòng địa chỉ nhà, nơi sống
– Biết hát một vài giai điệu quen thuộc nhưng có thể bị trộn lẫn một vài từ
– Làm theo các lệnh phức tạp như: “Đi lên phòng của con và đóng cửa lại”
– Có thể nói về 2 sự kiện theo thứ tự xảy ra
– Có thể nhớ lại 2 hoặc 3 điều đã xảy ra trong câu chuyện bạn vừa đọc cho con
– Biết dùng câu có độ dài 4-5 từ
– Sử dụng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc thay vì thể hiện sự giận dữ mọi lúc
– Có thể sử dụng các từ phủ định (không, không thể), từ số nhiều (các bạn), động từ trong tương lai (sẽ đi) và các liên từ (vì, bởi vì)
– Trật tự từ trong các câu nói được cải thiện, dù vẫn còn lỗi
– Hỏi nhiều câu liên quan đến hoạt động đang diễn ra: “Cái gì thế này?”, “Chúng ta đi đâu?”, “Sao lại thế?”
– Có khả năng đáp lại những câu hỏi: “Ai?”, “Của ai?”
– Có thể khiến bạn bực mình bằng việc lặp lại câu hỏi thay vì đưa ra câu trả lời
“Dấu hiệu đỏ” về ngôn ngữ
– Khó hiểu những điều con nói
– Con không đáp ứng được vài mốc quan trọng về ngôn ngữ
3. Làm gì khi con không đạt dược các cột mốc trên?
– Hãy theo dõi những “dấu hiệu đỏ”. Đây là một thời kỳ quan trọng cho sự phát triển của ngôn ngữ – phương thức truyền thông chủ yếu. Nếu con bạn gặp khó khăn khi thể hiện điều mình muốn, con có thể cần đến một số liệu pháp.
Liệu pháp lời nói có thể đem đến tác dụng cho trẻ. Tuy nhiên, bạn đừng quá áp lực hay buồn chán ngay cả khi con có chút vấn đề. Bởi, thậm chí cả Einstein đến 4 tuổi mới bắt đầu nói chuyện.
Việc nắm được các dấu mốc ngôn ngữ ứng với tuổi có ý nghĩa giúp bạn theo dõi sự phát triển của trẻ và can thiệp kịp thời nếu cần thiết, không phải để bạn hoảng sợ hay thất vọng.