Hàm lượng muối rất cao trong nước mắm có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe của người cao huyết áp, mắc bệnh xương khớp…

Dinh dưỡng - Một số bệnh cần tuyệt đối kiêng nước mắm

Hàm lượng muối cao trong nước mắm không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân bị suy thận, cao huyết áp. (Ảnh minh họa: Internet).

Nước mắm được coi là thứ gia vị không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt.

Nước mắm có thể được làm từ cá sống, cá khô; hoặc từ cả các loại sò hến, tôm cua… Có loại nước mắm được làm từ cá nguyên con, có loại thì chỉ được làm từ tiết hay nội tạng cá. Một số loại nước mắm chỉ có cá và muối, một số khác lại được cho thêm dược thảo và gia vị. Nước mắm lên men ngắn ngày có mùi tanh đặc trưng của cá.

Trên phương diện khoa học, nước mắm là hỗn hợp muối với các axit amin được chuyển biến từ protein trong thịt cá qua một quá trình thuỷ phân có tác nhân là các hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn nước mắm cũng như những sản phẩm có chất điều vị khác bởi độ mặn của chúng không tốt cho thận đang còn khá non nớt của trẻ. Ngoài ra, theo Sức khỏe & Đời sống, những đối tượng sau đây cũng nên tránh sử dụng loại gia vị này:

 1. Người bị bệnh suy thận và suy thận mãn tính

Những người mắc các bệnh về thận như suy thận và suy thận mãn tính tuyệt đối kiêng sử dụng muối và các gia vị có chứa muối. Bởi khi ăn, nhiều thức ăn có chứa muối, bệnh nhân sẽ nhanh suy sụp hơn. Hơn thế nữa, muối còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm về thận khác như sỏi thận và thận nhiễm mỡ.

Ngoài việc phải kiêng nước mắm thì bệnh nhân suy thận phải kiêng các loại thức ăn nhiều muối như mắm khô, nước tương, xì dầu, chao…

2. Người bị bệnh tiểu đường

Người bị bệnh tiểu đường cần tránh ăn nước mắm và các gia vị mặn. Nguyên nhân là vì các loại gia vị này làm tăng khả năng hấp thụ năng lượng vào cơ thể, đi kèm với đó là việc tăng cholesterol, rối loạn lipid máu và các bệnh lý về tim mạch. Điều này có thể khiến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp cho người bị tiểu đường. Nguy hiểm hơn nữa là có thể dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.

3. Người mắc các bệnh tim mạch

Người mắc các bệnh về tim mạch nên hạn chế ăn các loại gia vị và đồ ăn mặn như nước mắm, nước tương, chao, xì dầu, các loại đồ khô, chà bông.

Theo nghiên cứu, một bệnh nhân tim chỉ được ăn hạn chế 2 muỗng muối trong một ngày tính tổng tất cả lượng gia vị nêm nếm. Nếu nhiều nước mắm và các loại gia vị mặn, người mắc bệnh về đường tim mạch có thể bị suy tim hoặc gặp phải các biến chứng tim mạch nguy hiểm khác.

4. Người mắc bệnh xương khớp

Ăn nhiều nước mắm và các loại gia vị quá mặn sẽ khiến cơ thể nhanh có cảm giác khát khiến bạn uống nước nhiều hơn bình thường. Lượng nước này được bài tiết càng nhiều qua mồ hôi và nước tiểu dẫn đến việc tiểu tiện thường xuyên sẽ thải ra nhiều canxi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh xương khớp và loãng xương. Vì vậy, với những người mắc các bệnh về xương khớp, nên tránh sử dụng nước mắm và các loại gia vị mặn.

5. Người bị cao huyết áp

Những người bị huyết áp cao nên kiêng ăn nước mắm bởi vì trong nước mắm có hàm lượng muối rất lớn, gây nên tình trạng co thắt động mạch, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch. Ăn quá nhiều nước mắm cũng khiến lượng muối natri và lượng nước trong cơ thể bị giữ lại, gây nên tình trạng phù nề.

Nếu ăn nước mắm khi huyết áp đang tăng cao, người bệnh có thể bị choáng váng, hoa mắt, chóng mặt và có thể gây ra những tai biến đáng tiếc như đột quỵ, suy tim… Chính vì vậy, với những người bị cao huyết áp thì tránh sử dụng nước mắm và các gia vị mặn là điều cần thiết.

Sai lầm thường gặp khi sử dụng nước mắm 

– Ướp thịt bằng nước mắm

Thực chất, nước mắm sẽ làm thịt bị cứng và khô hơn so với bột canh, muối, đường

– Đun nước mắm quá lâu

Bạn nên cho nước mắm khi món ăn đã gần chín, áp dụng quy tắc này với cả món canh, xào và kho. Bởi vì khi mắm được nấu quá lâu, mùi vị và vitamin trong nước mắm sẽ bốc hơi hết.

nguoiduatin

BÌNH LUẬN