Dựa vào phân tích gương mặt ứng viên, các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán khá chính xác về nhà lãnh đạo được cử tri yêu thích.

phuong-phap-khoa-hoc-giup-du-doan-ket-qua-cac-cuoc-bau-cu

George Washington (trái) và Abraham Lincoln (phải) có gương mặt đặc biệt. Ảnh: YouTube.

Các nhà khoa học cho biết, gương mặt ảnh hưởng lớn đến những đánh giá của xã hội về một người, kể cả trong các cuộc bầu cử, theo BBC. Cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên trông tài giỏi, đáng tin cậy, già dặn, thu hút và thân quen.

George Washington biết rõ lợi thế về chiếc trán của mình. Ông tin rằng sẽ tốt hơn nếu chiếc trán trông cao và rộng hơn nữa. Để nhấn mạnh đặc điểm này, ông thường chải tóc ra sau rồi buộc chặt lại, hoàn thiện vẻ ngoài nam tính đầy quyền lực bằng những lọn tóc quăn cùng một chiếc ruy băng.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, gương mặt của một chính trị gia ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ bầu cử, thậm chí nhiều cử tri có thể không nhận ra điều này.

Từ lâu các chuyên gia tâm lý đã biết ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Ví dụ, con người thường cho rằng những người sở hữu mắt nai và môi dày sẽ đáng tin cậy, trong khi những người mặt to thường hung hăng.

Những đánh giá này là vô thức, không tự chủ và xảy ra với tốc độ cực nhanh, có thể chỉ trong 33 phần nghìn giây. “Mọi người nói về các nghiên cứu của chúng tôi như sau: ‘Thật kỳ quặc, tôi hầu như chỉ vừa kịp nhìn ra đó là một khuôn mặt”, Alexander Todorov, chuyên gia tâm lý đến từ Đại học Princeton, cho biết.

phuong-phap-khoa-hoc-giup-du-doan-ket-qua-cac-cuoc-bau-cu-1

Ấn tượng đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn và hình thành rất nhanh. Ảnh: Entrepreneur.

Mọi người thường kỳ vọng CEO hoặc quân nhân có khuôn mặt mạnh mẽ, trong khi những người làm công việc chăm sóc nên có gương mặt dễ thương. Nếu có gương mặt phù hợp, khả năng bạn trúng tuyển và phát triển sự nghiệp thuận lợi sẽ cao hơn.

Những đánh giá và định kiến cũng ảnh hưởng đến chính trị. Trước khi bỏ phiếu, cử tri thường đánh giá về tài năng của ứng viên, nhưng điều đáng chú ý là họ lại có những đánh giá này thông qua gương mặt những người sẽ được bỏ phiếu.

Ảnh hưởng từ gương mặt ứng viên tới cử tri mạnh mẽ đến mức các nhà tâm lý học đã đoán đúng kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ, Bulgaria, Pháp, Australia, Mexico, Phần Lan, Nhật Bản, tỷ lệ phiếu bầu ở Thượng viện Mỹ, Hạ viện Mỹ và các cuộc bầu cử thống đốc bang chỉ nhờ những đặc điểm này.

Tình nguyện viên tham gia các nghiên cứu hoàn toàn không biết gì về các ứng viên. Họ chỉ xem ảnh chân dung và được yêu cầu đánh giá năng lực từng người. Phương pháp này có thể dùng để dự đoán kết quả các cuộc bầu cử nước ngoài và hiệu quả dù hỏi người già hay trẻ em.

“Nhiều ứng viên giỏi có cơ hội được bầu thấp hơn nhiều chỉ vì ngoại hình”, Gabriel Lenz, nhà khoa học chính trị từ Đại học California, cho biết.

Việc gương mặt ảnh hưởng đến nhận định của công chúng về năng lực của một lãnh đạo xuất hiện từ hàng nghìn năm trước. Người thời xưa gọi phương pháp đánh giá tính cách qua khuôn mặt là thuật xem tướng.

phuong-phap-khoa-hoc-giup-du-doan-ket-qua-cac-cuoc-bau-cu-2

Chiếc mũi của Cyrus Đại đế trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ tiếp theo. Ảnh: Arhivurokov.

Cyrus Đại đế, người sáng lập ra Đế quốc Ba Tư đầu tiên, sở hữu chiếc mũi dài, hơi khoằm và nhọn. Chiếc mũi này trở thành tiêu chuẩn hoàng gia cho nhiều thế hệ sau. Chỉ những ai có đặc điểm tương tự mới được ban chức tước cao. Thậm chí, các chàng trai trẻ còn tự bó mũi lại với hy vọng nó sẽ mọc dài và khoằm như thế.

Những ấn tượng đầu tiên thường sai lầm, nhưng mọi người lại có những ấn tượng rất giống nhau. “Chúng rất nhất quán, dù là với hàng nghìn người”, Jon Freeman, chuyên gia tâm lý tại Đại học New York, cho biết.

Cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho những chính trị gia trông tài giỏi, đáng tin cậy, già dặn, thu hút và thân quen. Trong một cuộc bầu cử, các ứng viên mang gương mặt như thế thường có khả năng chiến thắng cao hơn.

Nhiều đặc điểm trong số này rất rõ ràng, nhưng việc một khuôn mặt trông tài giỏi là như thế nào thì khó cắt nghĩa hơn. Năm 2010, Todorov cùng chuyên gia Christopher Olivola từ Đại học Carnegie Mellon tiến hành một nghiên cứu để hiểu kỹ hơn về điều này.

Đầu tiên, họ chỉ dẫn cho máy tính về đặc điểm ngoại hình của một lãnh đạo giỏi bằng cách tạo ngẫu nhiên nhiều khuôn mặt và yêu cầu các tình nguyện viên đánh giá năng lực của những ứng viên “giả” này. Sau đó họ sử dụng thông tin thu được để tạo ra các gương mặt mới, một số được chỉnh sửa để trông cực kỳ giỏi.

phuong-phap-khoa-hoc-giup-du-doan-ket-qua-cac-cuoc-bau-cu-3

Thủ tướng Anh Theresa May là một trong số ít những gương mặt lãnh đạo là nữ giới. Ảnh: The Triangle.

Dần dần, nhóm nghiên cứu phát hiện những thay đổi cơ bản như: khoảng cách giữa lông mày và mắt thu hẹp, mặt bớt tròn đi, xương gò má nhô cao lên, hàm góc cạnh hơn. Những gương mặt trông tài giỏi là những gương mặt thu hút, trưởng thành và nam tính nhất. “Có thể bạn sẽ thấy hơi khó chịu vì đây là sự phân biệt giới tính. Mọi người ưu ái gương mặt đàn ông hơn”, Todorov cho biết.

Việc những sự thiên vị này là bẩm sinh hay do học hỏi vẫn là một bí ẩn. Freeman thiên về khả năng thứ hai hơn, nghĩa là quan niệm về ngoại hình của một lãnh đạo tài giỏi hình thành trong quá trình tiếp xúc với xã hội. Chính phủ Mỹ hiện nay có 80% là nam giới, độ tuổi trung bình ở Hạ viện là 57,8 còn Thượng viện là 61,8, theo BBC. Trên thế giới chỉ có 9 lãnh đạo dưới 40 tuổi và 15 người là phụ nữ.

Nhưng nếu những quan niệm này không phải bẩm sinh, chúng cũng có thể thay đổi. “Càng nhiều phụ nữ thành công trong cương vị lãnh đạo, ví dụ như ở Anh, càng nhiều người có thể thay đổi suy nghĩ của mình”, Todorov nhận xét.

phuong-phap-khoa-hoc-giup-du-doan-ket-qua-cac-cuoc-bau-cu-4

Thủ tướng đắc cử Áo Sebastian Kurz chỉ mới 31 tuổi. Ảnh: 6abc.

Nhiều lãnh đạo trẻ tuổi cũng có thể góp phần thay đổi quan điểm người tài giỏi phải trông già dặn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm nay mới 39 tuổi, trong khi Sebastian Kurz, thủ tướng Áo tương lai, trở thành lãnh đạo trẻ nhất châu Âu ở tuổi 31.

Tuy nhiên, một số suy nghĩ thiên vị khác lại khó xóa bỏ hơn. Nghiên cứu tâm lý chỉ ra, mọi người có xu hướng thích những thứ quen thuộc, chẳng hạn như gương mặt của chính mình.

Năm 2006, các nhà tâm lý học từ Đại học Stanford tiến hành một cuộc bầu cử giả. Nhóm nghiên cứu cho sinh viên xem ảnh các ứng viên và đề nghị bỏ phiếu. Tuy nhiên, đó thực chất là ảnh chân dung đã qua chỉnh sửa, pha trộn giữa gương mặt ứng viên và chính các sinh viên mà họ không biết. Kết quả là các sinh viên ưu ái ứng viên trông giống mình hơn.

Ngoài hiệu ứng gương mặt quen thuộc, các chính trị gia có gương mặt thu hút nhất còn hưởng lợi từ sự xuất hiện trên TV, nhất là với những cử tri không có kiến thức rộng. “Dù công chúng cố gắng tránh các vấn đề chính trị, họ cũng vẫn bị ảnh hưởng”, Lenz nhận định.

Thu Thảo

vnexpress

BÌNH LUẬN