Tình trạng thiếu hụt nhân tài lớn nhất trong vòng 10 năm qua đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại hội thảo “Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam” diễn ra sáng 14/11, ông Simon Matthews, CEO ManpowerGroup tại thị trường Việt Nam, Thái Lan, Trung Đông cho hay, khảo sát Thiếu hụt nhân tài năm 2016-2017 do đơn vị này thực hiện cho thấy có 40% trong số 42.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thiếu hụt nhân tài lớn nhất kể từ năm 2007.

Tại Đông Nam Á, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát (46%) cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng. Năm 2016 được xem là năm tuyển dụng nhân sự khó khăn nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

Việt Nam cũng gặp câu chuyện tương tự các nước khác trong khu vực. Nhân sự quản lý cấp cao thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng “chảy máu chất xám” với con số người Việt làm việc tại nước ngoài năm 2015, tăng 8% so với 2014. Ngành IT cũng thiếu trầm trọng do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư nhiều tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo ManpowerGroup, nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81,4% tổng số lao động, chỉ có 9,66 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 18,6%. Thêm vào đó, lực lượng lao động thiếu các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng ngoại ngữ, tin học, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới…

tuyen-dung-nhan-su-gioi-dang-kho-nhat-10-nam

Ngành IT đang thiếu hụt nhân sự ở mức đáng báo động. Ảnh: FPT

Chuyên gia này nhận định, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ở châu Mỹ, châu Âu và một phần châu Á là điều tất yếu phải xảy ra. Cùng với đó, mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là có thể phá vỡ thị trường lao động, bởi khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.

“Nhiều bậc phụ huynh thường mong muốn con mình làm nghiên cứu, công việc văn phòng. Tuy nhiên, thực tế kỹ năng lành nghề để làm những công việc khác nhau mới là khó tìm kiếm nhất”, ông Simon Matthews nói.

Ông cũng dẫn chứng kết quả khảo sát cho thấy, các loại công việc đòi hỏi tay nghề như thợ điện, thợ mộc, thợ nề… vẫn được xếp vào loại công việc khó tìm nhân lực nhất trong năm liên tiếp. Trong danh sách 10 ngành nghề khó tuyển nhân sự nhất có thể kể đến các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), đại diện bán hàng, kỹ sư, kỹ thuật viên và tài xế, nhân viên tài chính kế toán, nhân viên văn phòng, sản xuất và vận hành máy…

Riêng trong lĩnh vực IT, các doanh nghiệp cho biết ngành đang thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong nhiều năm nay. Thứ hạng thiếu hụt nhân lực ngành IT đã tăng từ hạng 9 lên hạng 2 trong năm 2016.

Một nghiên cứu của ManpowerGroup cũng cho thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến con người và kỹ năng lao động, trong đó công nghệ và tự động hóa được dự đoán sẽ thay thế con người trong tương lai.

Ví dụ, hiện nay có đến 45% công việc con người làm có thể được tự động hóa. Các ngành chịu nhiều tác động nhất từ công nghệ và tự động hóa phải kể đến là IT (26%), nhân sự (20%), và dịch vụ khách hàng (15%). Ngành bán lẻ và tài chính chịu tác động lớn nhất với 47% các hoạt động mà nhân viên bán hàng làm hằng ngày có thể được tự động hóa bằng công nghệ và tỷ lệ này lên đến 86% đối với công việc kế toán, ghi sổ, cũng như công việc xử lý dữ liệu khác. Tình trạng tương tự cũng đe dọa ngành ngân hàng khi công nghệ tới thanh toán trực tuyến đang tác động rất sâu rộng trên toàn cầu.

“Con người cần những kỹ năng mới để tìm và duy trì việc làm, thậm chí kể cả đối với những việc chưa từng có”, ông Simon Matthews nói, đồng thời nhấn mạnh có tới 65% công việc dành cho thế hệ Z (sinh từ năm 1995-2012) còn chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại.

Ông cũng chỉ ra, sự sáng tạo, kỹ năng quản lý con người, kỹ năng ra quyết định, trí tuệ cảm xúc và đàm phán là những kỹ năng quan trọng của nguồn nhân lực trong thời đại mới mà robot không thể thay thế.

Doanh nghiệp đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân tài theo nhiều cách khác nhau, trong đó 53% chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực hiện tại. Đơn vị nghiên cứu nhận định đây là phương pháp hiệu quả nhất nhưng cũng đồng nghĩa, người lao động phải có khả năng học hỏi, sẵn sàng tiếp thu với những kỹ năng mới.

“Tương lai của việc làm chắc chắn sẽ bị tác động bởi ảnh hưởng Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng không u tối như dự đoán khá phổ biến ngày nay rằng tự động hóa sẽ thay thế con người. Nên nhìn nhận đây là xu hướng, cơ hội thay vì sự đe dọa. Doanh nghiệp cần thay đổi cách tuyển dụng nhân tài, sử dụng công nghệ số trong công tác tuyển dụng, đào tạo”, lãnh đạo ManpowerGroup cho hay.

Nguyễn Hà

vnexpress

BÌNH LUẬN