Những cơ chế thí điểm đặc thù mới cho TP HCM theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố.

Thảo luận ở tổ về cơ chế đặc thù mới thí điểm cho TP HCM sáng 14/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thực hiện, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết lần này cho TP HCM được thực hiện trên tinh thần rất khẩn trương, nhưng quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ công phu. Những đề xuất này được đưa ra sau khi tổng kết đánh giá 5 năm Nghị quyết 16 Bộ Chính trị và có ý kiến của Bộ Chính trị.

Theo ông, thu ngân sách TP HCM trong tình trạng “giảm dần đều” trong 20 năm qua. Cụ thể, thu ngân sách năm 1996 chiếm 31,5% tổng thu cả nước; giảm về 23,8% vào năm 2006; năm 2007 là 28,4% và 2016 là 27,8%. “Theo quy luật nước nổi thì bèo nổi, nhưng tốc độ ‘nổi’ của TP HCM lại không giữ được”, ông Dũng bình luận.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế TP HCM những năm qua tăng gấp rưỡi nhưng thu ngân sách, tỷ trọng thu lại giảm. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng giảm 32% trong giai đoạn 2011 – 2015. “Muốn thành phố là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam thì cần phân cấp mạnh hơn cho thành phố phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

“Tăng thuế sẽ không quá mức”

Liên quan tới một số cơ chế thí điểm về chính sách thuế cho TP HCM, dự thảo Nghị quyết cho phép thành phố tăng thuế tài sản và một số loại thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) góp ý, nên giao cho HĐND TP HCM báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện các chính sách thuế, trong đó có thuế tài sản.

bo-truong-tai-chinh-muc-tang-thue-thi-diem-cua-tp-hcm-se-khong-qua-cao

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, để TP HCM trở thành đầu tàu kinh tế  mạnh phía Nam, bứt phá thì cần phân cấp mạnh cho thành phố. Ảnh: Võ Văn Thành

Tăng thuế suất so với các quy định thuế hiện hành và tăng thu phí, lệ phí… theo bà Hương, đúng là có những khoản thuế cần phải tăng, đánh thuế mạnh nhưng cần quy định khung về tỷ lệ % nhất định.

“Không quy định cụ thể thì khi trình cao quá sẽ không tạo được sự đồng thuận, kéo dài thời gian trình”, bà Hương chia sẻ.

Giải đáp băn khoăn này Bộ trưởng Tài chính cho biết, không phải quy định như vậy là “thành phố được quyền quyết tất cả”. Ông cho hay, trước khi tăng bất kỳ loại thuế nào thành phố sẽ phải có đề án đánh giá cụ thể, nhiều mặt và trình lên Chính phủ, sau đó Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội quyết định. Trước mắt một số loại thuế như bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt… có thể tính toán để thực hiện ngay.

“Thành phố hiện ô nhiễm, ngập lụt như thế thì nên cho phép tăng thêm một số khoản phí, lệ phí. Tinh thần là mở rộng cơ sở thu, đảm bảo hài hoà và phù hợp điều kiện thực tế. Quốc hội yên tâm, thành phố nếu có tăng thì phải có đề án tính toán chi tiết, đánh giá tác động môi trường đầy đủ và phải do cấp có thẩm quyền quyết định”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, thẩm tra dự thảo Nghị quyết Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, thí điểm thuế tài sản là sắc thuế mới, vì thế trên cơ sở báo cáo của HĐND Thành phố, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại thành phố. Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.

Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu) mà chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Tỷ lệ điều tiết vẫn giữ 18%

Lý giải chuyện chưa cụ thể hoá kết luận Bộ Chính trị về tăng tỷ lệ điều tiết cho TP HCM (hiện là 18%), ông Đinh Tiến Dũng cho hay, theo quy định Hiến pháp, Luật Ngân sách Nhà nước là giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương về địa phương để đảm bảo ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Với tỷ lệ 23% để lại cho TP HCM (2011 – 2016) số tiền giữ lại khoảng 30.000 tỷ nhưng đến năm 2016 số này tăng lên 60.000 tỷ, tương đương 18% của nhiệm kỳ mới. Với tỷ lệ điều tiết giữ lại 18% từ nay đến năm 2020, ông Dũng nói, con số thành phố được giữ lại sẽ tăng lên 90.000 – 100.000 tỷ đồng. “Như thế tỷ lệ điều tiết giữ lại 18% thì cũng là tăng rồi”, ông nói.

Tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết cho phép TP HCM hưởng số cổ phần hoá của Nhà nước nhưng ngân sách Trung ương không bổ sung 18.800 tỷ đồng tiền từ thu cổ phần hoá để thành phố thực hiện dự án chống ngập, xây 2 bệnh viện tuyến trên. Ông Dũng phân tích: khi tính toán lập kế hoạch tài chính trung hạn đã tính cả khoản thu từ doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 250.000 tỷ, trong đó TP HCM đưa ra phương án khoảng 20.000 tỷ.

Thực tế theo báo cáo sổ sách của thành phố lúc đó là 42.000 tỷ vốn tài sản tại DNNN nếu cổ phần hoá và bán hết, thì số tiền thu lại 67.000 tỷ. Do lường được trong quá trình khó khăn nên chỉ đưa vào cân đối chung ngân sách Trung ương 20.000 tỷ. “Khoản 18.800 tỷ đồng đã nằm trong cân đối ngân sách Trung ương và yêu cầu của Bộ Chính trị là phải hài hoà cái chung, cái riêng và giữ được cân đối ngân sách quốc gia, nên Chính phủ đề xuất như vậy”, ông giải thích.

vnexpress

BÌNH LUẬN