Hai quốc gia tuyên bố họ chỉ có lựa chọn duy nhất là chấp nhận toàn cầu hóa để phát triển tại phiên APEC CEO Summit sáng 10/11.

“Chúng tôi không có cơ hội nào khác. Chúng tôi buộc phải nắm lấy cơ hội và vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Malaysia – Najib Razak nói về quyết định tham gia vào toàn cầu hóa trong phiên thảo luận “Tầm nhìn APEC sau 2020” tại APEC CEO Summit sáng nay.

Ngồi cạnh ông, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill cũng lập lại tuyên bố tương tự về chiến lược hội nhập của quốc gia tây nam Thái Bình Dương.

“Xây dựng cơ sở hạ tầng internet là cơ hội để chúng tôi kết nối và nhận cơ hội từ thế giới. Chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác là tiếp nhận toàn cầu hóa thông qua nâng cấp công nghệ”, Thủ tướng này nói.

Hai vị lãnh đạo cùng đồng thuận rằng, tương lai của APEC nói riêng và thế giới nói chung sau 2020 phải là toàn cầu hóa, bất chấp những dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở vài nơi trên thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không “màu hồng” mà vốn đầy những thách thức, từ chủ nghĩa khủng bố, bất ổn địa chính trị đến biến đổi khí hậu.

malaysia-va-papua-new-guinea-chung-toi-khong-con-lua-chon-nao-khac-ngoai-toan-cau-hoa

Thủ tướng Malaysia và Papua New Guinea thảo luận về triển vọng và thách thức toàn cầu hóa.

Thủ tướng Malaysia nhận định, cộng đồng thế giới đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donlad Trump đến Trung Quốc trong những ngày vừa qua. Theo ông, đó không đơn giản là một cuộc gặp riêng với mối quan hệ của hai siêu cường mà sẽ góp phần định hình tương lai toàn cầu hóa. Tương lai ấy phụ thuộc vào cách hành xử của Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề được cho là sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế khu vực như Triều Tiên hay biển Đông.

“Có những thách thức ngoài kia”, Thủ tướng Papua New Guinea đồng quan điểm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang giúp ích rất lớn cho quốc gia này trong quá trình phát triển. “Nhiều nền kinh tế đang cần thêm đầu tư, vốn, công nghệ, kiến thức về dài hạn và vấn đề kết nối là rất quan trọng”, ông nói về cơ hội mà toàn cầu hóa mang lại.

Thách thức không chỉ có bên ngoài, ở mặt khác, toàn cầu hóa cũng làm tổn thương đến những thành phần kinh tế nội địa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cách giải quyết và hạn chế những tổn thương và tận dụng những cơ hội.

Thủ tướng Malaysia kể rằng tài xế taxi truyền thống ở Malaysia cũng phản đối Uber. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho rằng cấm cửa Uber không phải là việc làm đúng đắn. Thay vào đó, chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nội địa cạnh tranh.

Để tránh sự tổn thương, Malaysia còn có những chương trình hướng dẫn những người nội trợ có thêm thu nhập, xúc tiến thương mại để tăng cơ hội xuất khẩu. Trái sầu riêng Malaysia là một ví dụ.

“Ngày trước, sầu riêng của chúng tôi xuất sang Trung Quốc chỉ có giá 5 – 10 ringit mỗi kg. Bây giờ, người Trung Quốc rất yêu thích sầu riêng. Giá sầu riêng xuất sang thị trường này đã xấp xỉ 30 ringit. Không chỉ có thông tin mà chúng ta còn phải cho người dân thấy được cơ hội thật sự từ toàn cầu hóa là gì”, Thủ tướng Malaysia nêu quan điểm.

Ông Peter O’Neill cũng đồng thuận rằng, tiến trình hội nhập đã dẫn nhiều công ty đa quốc gia đến làm ăn tại Papua New Guinea. Từ đó, các cơ hội mới về đầu tư và công ăn việc làm cũng được tạo ra. “Toàn cầu hóa là một xu hướng trên thế giới. Chúng tôi không thể đứng ra một bên mà đứng nhìn được. Chúng tôi phải tham gia thôi”, vị lãnh đạo này nói.

Liên quan đến Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà lãnh đạo Malaysia giữ quan điểm đây vẫn là một hiệp định quan trọng. Các trưởng đoàn đàm phán đã có những phiên làm việc vất vả để tìm kiến sự đồng thuận trong các cuộc họp những ngày qua tại Đà Nẵng. Thậm chí, đứng ở vị trí không phải là thành viên như Papua New Guinea, ông Peter O’Neill cũng cho rằng đây là một hiệp định “tốt cho khu vực”.

Viễn Thông

vnexpress

BÌNH LUẬN