Đây là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Hội nghị doanh nghiệp số 2017 |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội. Việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và nêu rõ trong Chỉ thị 16 /CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.
Điểm mấu chốt của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 chính là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, CMCN 4.0 mở đầu một thời kỳ mới, là cơ hội, gần như cơ hội duy nhất để quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển. “Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Họ là doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ”, ông Nam nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng CMCN 4.0 là cuộc cách mạng có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Hệ lụy là các quốc gia sẽ đối diện với những thách thức trong vấn đề an ninh, an sinh do vấn nạn thất nghiệp gây ra.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này như: Tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương); tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới… Do đó, sự tham gia của ban ngành các cấp đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số sẽ là điều kiện để Việt Nam tối ưu hóa cơ hội từ cuộc cách mạng này.
Ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa- Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy CTS- Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, rất ít nước như Việt Nam, người dân ào ào mua smartphone và wifi được miễn phí, cước 3G, 4G nằm trong top rẻ nhất thế giới. “Sự tăng trưởng này có vẻ như lãng phí, nhưng nếu biết tận dụng, chúng ta sẽ phát triển khủng khiếp. Lực lượng đang sử dụng smartphone, Internet thành thạo nhất chỉ khai thác Facebook, cá độ bóng đá và kiếm rất nhiều tiền. Vậy tại sao trong những lĩnh vực khác, chúng ta không làm?”, chuyên gia Hòa đặt vấn đề.
Một số chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, công nghệ đã tác động đến mọi người và mang cho chúng ta nhiều cơ hội. Cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và cả ở tầm quốc gia. Đối với cá nhân, có thể thấy rõ, trước đây nhiều người trở thành tỷ phú do thừa hưởng từ gia đình nhưng trong 10 tỷ phú trẻ gần đây có 4 tỷ phú là người dưới 30 tuổi và có xuất phát điểm từ lĩnh vực công nghệ thông tin. Cơ hội cho các doanh nghiệp là nắm bắt nhu cầu của thị trường và triển khai những kế hoạch, dự án ở nước ngoài và kể cả Việt Nam. Hơn thế, đối với quốc gia, trong bối cảnh đẩy mạnh quốc gia khởi nghiệp, nếu tận dụng được các cơ hội từ công nghệ thông tin sẽ rút ngắn thời gian hơn nhiều.
Bên cạnh đó, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không đưa ra được những thay đổi sẽ không thể dẫn dắt thị trường, không thể xây dựng được quy trình để phát triển kế hoạch. Doanh nghiệp cần xác định mình sẽ là nơi đưa ra các sáng kiến hay tiếp cận các sáng kiến ở nước ngoài, lựa chọn những yếu tố phù hợp để đưa về áp dụng tại Việt Nam. Đây chính là quá trình tìm kiếm cái mới trong kỷ nguyên số.