Niềm kiêu hãnh chất lượng ôtô “made in Japan” bị tổn thương, xe hơi Nhật trước những thách thức chưa từng có.

Phiên họp báo ngày 13/10 tại Tokyo liên quan đến bê bối làm giả dữ liệu chất lượng thép của tập đoàn Kobe Steel, bắt đầu với một hình ảnh quen thuộc: lãnh đạo hãng này, CEO Hiroya Kawasaki cúi đầu xin lỗi đối tác và khách hàng mà công ty lừa dối trong một thập kỷ qua.

oto-nhat-ban-khong-the-bao-thu-mai

CEO Kobe Steel cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo ngày 13/10 tại Tokyo. Danh tiếng chất lượng xe hơi Nhật bị tổn hại nghiêm trọng. Ảnh: CNBC.

Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Mitsubishi và nhiều thương hiệu lớn khác bị ảnh hưởng vì dùng sản phẩm của Kobe Steel trong sản xuất ôtô. Các cuộc điều tra nội bộ bắt đầu. Quyết định triệu hồi xe được tính đến.

Xâu chuỗi những bê bối trước đó của hãng túi khí Takata, cuộc triệu hồi 1,2 triệu xe của Nissan hay gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu ôtô Mitsubishi, chất lượng xe hơi Nhật Bản bị đặt một dấu hỏi lớn về uy tín và niềm tin.

Thế mạnh mai một

“Tôi đã sở hữu nhiều ôtô Nhật Bản, trong đó có mẫu Honda Civic 1988 mà gần 15 năm sử dụng không phải sửa chữa bộ phận lớn nào của xe. Giống chiếc Accord của cha tôi, Civic có động cơ dường như quá nhỏ để vận hành nhưng thử thách sức bền của nó thì như động cơ của một chiếc máy kéo”, Peter Cheney, cây bút của The Globeandmail chia sẻ.

Trong hồi ức khi còn nhỏ của Cheney, ông từng được bố dẫn đến một nhà máy của Porsche ở Stuttgart, Đức và nói rằng: “Không ai hiểu về cơ khí và xe hơi như người Đức”. Nhưng rồi đến cuối những năm 1970, bố của Peter Cheney mua một chiếc Honda thay vì Volkswagen hay Ford. Với con mình, ông bảo: “Xe này tốt đấy! Con cũng nên có cho mình một chiếc”.

Câu chuyện của Peter Cheney là điển hình cho những gì được coi là thế mạnh của xe Nhật, bền bỉ, phổ thông. Người Mỹ và nhiều khách hàng trên thế giới chọn xe Nhật không bằng những quảng cáo hay ngôn từ bị dẫn dắt bởi các hãng xe.

Thế kỷ 21, khi các đối thủ mạnh lên, khoảng cách về trình độ sản xuất thu hẹp, xe Nhật không còn ung dung như trước.

Quy trình sản xuất quản lý chặt chẽ, chậm thay đổi để hướng đến chất lượng đáng tin cậy là chìa khóa quan trọng giúp ôtô Nhật thành công. Điều đó liệu còn đúng, ít nhất là trong giai đoạn hiện thời?

oto-nhat-ban-khong-the-bao-thu-mai-1

Tổng hợp số lỗi trung bình của 100 xe trong 90 ngày sử dụng đầu tiên tại Mỹ. Xe Nhật không còn ưu thế như trước, thậm chí số lỗi trung bình cao hơn xe Mỹ. Nguồn: J.D. Power.

Biểu đồ trên của hãng nghiên cứu thị trường J.D. Power, cho thấy chất lượng xe Nhật đang dần đi xuống. Ai đứng đầu về độ tin cậy trong ngành công nghiệp xe hơi? Hàn Quốc, người láng giềng trong khu vực của Nhật Bản, mác xe hơi từng bị Mỹ, châu Âu xem là hạng hai trên thương trường.

“Mất nhiều năm để tạo dựng nên danh tiếng ấy”, một công nhân tại Nhật nói với Bloomberg về niềm tự hào chất lượng xe hơi nước này. “Bây giờ chúng tôi thấy người Nhật đang đánh mất đi điều đó nhanh đến nhường nào”.

Cuộc chơi mới

Người Nhật biết đến nhiều nhờ thế mạnh sản xuất xe nhỏ như sedan, nhưng xu hướng tiêu dùng không còn như trước. SUV là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất và thu hút sự đầu tư của hầu hết các hãng xe, từ bình dân đến cao cấp. Số liệu của JATO trong 2016, doanh số xe đa dụng tăng trưởng 29%, vượt sedan thành phân khúc nóng nhất trên thế giới.

Toàn cầu hóa, thời kỳ của bùng nổ công nghệ và năng lượng tương lai khiến cuộc đối đầu của các hãng xe bắt đầu điểm xuất phát mới. Ở đó, nếu cứ mãi đi theo những giá trị xưa cũ, bảo thủ thiếu sáng suốt, xe Nhật sẽ dễ bị tụt lại trong cuộc đua công nghệ và giá trị hướng tới con người. Bảo thủ có thể là lưỡi dao để xe Nhật tự sát.

oto-nhat-ban-khong-the-bao-thu-mai-2

Thời kỳ toàn cầu hóa, khoảng cách về trình độ giữa các nền sản xuất ôtô đang dần thu hẹp. Ảnh: Autobild.

Xe Hàn trên đà thăng tiến, người Đức với Volkswagen và bộ ba thương hiệu xe sang Mercedes, Audi, BMW vẫn là tượng đài khó đánh bại. Người Mỹ với Ford, General Motors, những thế lực không thể xem thường đang trở lại với trọng tâm SUV, xe điện sau giai đoạn vật lộn với khủng hoảng từ 2008.

Đối thủ hiện thời của ôtô Nhật không chỉ có những tên tuổi kể trên. Nhiên liệu sạch và công nghệ tự động lái lôi kéo những công ty “mới nổi” trong ngành nhưng triển vọng lớn. Tesla, Apple, BlackBerry… hoặc tự phát triển hoặc cùng đối tác xây dựng công nghệ mới cho ôtô để đón đầu xu hướng. Chưa kể hàng dài các công ty Trung Quốc tập trung đầu tư, coi xe điện là địa hạt cạnh tranh chính trong 10-20 năm tới.

Hiện thời, nhiều ưu điểm không còn sức mạnh tuyệt đối, ôtô Nhật còn đứng trước thách thức lớn về công nghệ xe hơi mà các đối thủ đã bắt đầu tăng tốc, không còn xuất phát.

Thay đổi

Những giá trị truyền thống bị mai một trong khi các đối thủ ngày càng lớn mạnh, cũng là lúc người Nhật không còn khư khư giữ lấy hào quang quá khứ. Để trả lời câu hỏi liệu xe Nhật chỉ có bền bỉ, không còn cách khác phải thay đổi.

Ôtô Hàn vươn lên vì biết cách đánh vào điểm yếu của xe Nhật, chậm đổi mới. Xét về khía cạnh bảo thủ dẫn đến sức cạnh tranh suy giảm, Toyota có lẽ hiểu hơn ai hết.

Sau những chỉ trích dai dẳng về thiết kế nhàm chán, Toyota, hãng xe lớn nhất đất nước mặt trời mọc phải bật dậy và bắt tay cải tổ. Một luồng gió mới trong thiết kế xe Toyota đang được hãng này áp dụng dưới thời vị CEO quyết đoán, Akio Toyoda.

Năm 2013, hãng xe Nhật bắt đầu áp dụng triết lý mới trong thiết kế. Thế hệ mới của sedan Camry và tân binh corssover C-HR cho thấy một Toyota muốn thoát khỏi vùng an toàn. Những sản phẩm này nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Bản thân hãng xe Nhật cũng nhấn mạnh tính phân cực yêu-ghét rạch ròi trong thiết kế xe, không còn trung tính như trước.

Từ bỏ mục tiêu chạy đua doanh số với đối trọng châu Âu, Volkswagen, hãng xe Nhật cho biết chấp nhận những rủi ro để thay đổi hình ảnh Toyota năng động hơn. Triển lãm Tokyo diễn ra vào cuối tháng 10 tới, hãng này sẽ trình diễn công nghệ xe điện tự lái. Trong đó xe hơi có thể hiểu cảm xúc con người bằng trí tuệ nhân tạo AI, trở thành bạn đồng hành của tài xế chứ “không đơn thuần một cỗ máy”.

oto-nhat-ban-khong-the-bao-thu-mai-3

Honda, hãng xe vừa bừng tỉnh sau thời gian dài chạy đua doanh số với các đối thủ.  Ảnh: Motortrend.

Một chuyển biến khác diễn ra ở Honda, hãng xe trên con đường đi tìm cái tôi đã mất. “Chính vì quá chú trọng vào đối thủ, đánh bại họ trên thị trường mà chúng tôi ngày càng giống Toyota. Honda đã quên đi giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu”, Yoshiyuki Matsumoto, giám đốc trung tâm R&D chia sẻ.

Đi đầu trong những phát kiến và đầu tư cho công nghệ xe hơi trong thời gian dài bị các nhà lãnh đạo Honda bỏ quên. Nhưng khi thị trường ôtô chuyển dịch nhanh chóng sang nhu cầu xe điện, kết nối thông minh, việc cắt giảm chi phí và thay đổi chậm chạp của Honda có thể khiến hãng này tụt hậu so với các đối thủ.

Honda bắt đầu những thay đổi khi trao quyền tự chủ cho bộ phận công nghệ, thiết lập nhiều nhóm nhỏ kỹ sư, quản lý cho những kế hoạch đặc biệt. Mục đích phát triển công nghệ nền tảng để xây dựng nhiều phương tiện khác nhau. Nắm bắt kịp thời những chuyển biến về nhu cầu khách hàng.

Mitsubishi sau khi về tay liên minh Renault-Nissan bắt đầu thời kỳ mới với chiến lược tập trung cho phân mảng SUV và xe điện.

Ngôn ngữ thiết kế mới Dynamic Shield biểu hiện cho sự trẻ trung đậm chất thể thao của hãng xe Nhật. Sản phẩm xe đa dụng đầu tiên là Eclipse Cross tạo hình góc cạnh, dự kiến bán ra thị trường vào quý III/2017.

oto-nhat-ban-khong-the-bao-thu-mai-4

Ảnh teaser đầu tiên của Mitsubishi Evo concept phiên bản crossover. Ảnh: Autoblog.

Mitsubishi cũng hồi sinh huyền thoại sedan thể thao Evolution nhưng bằng hình hài mới, crossver chạy điện. Bản concept dự kiến trình làng tại triển lãm Tokyo 2017. Kế hoạch trong ba năm tới, hãng này sẽ trình làng 6 mẫu xe mới. Ngân sách dành cho nghiên cứu, phát triển gần 1,2 tỷ USD. Mục tiêu 70% doanh số đến từ các mẫu SUV, dẫn động bốn bánh và xe plug-in hybrid.

Bằng cách này hay cách khác, sự chuyển mình của Honda, Toyota, Mitsubishi và nhiều hãng xe khác cho thấy những khó khăn xe hơi Nhật Bản phải đương đầu. Cuộc chơi của hôm nay đã rất khác 20 năm trước.

Sự tin cậy, bền bỉ, ít hỏng hóc là những giá trị nền tảng đưa xe hơi Nhật lên đỉnh thế giới. Nhưng đó dường như là câu chuyện của quá khứ. Toàn cầu hóa với những đối thủ ngày càng lớn mạnh, sự bảo thủ của các hãng xe Nhật đứng trước những thách thức buộc phải thay đổi.

Thành Nhạn

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN