Scandal sex của Harvey Weinstein tiếp tục lan rộng, khiến Hollywood đứng trước thay đổi lớn về cách ứng xử trong tương lai.

Ngày 5/10, tờ New York Times đăng bài báo phanh phui hàng loạt vụ quấy rối tình dục của Harvey Weinstein – chủ hãng Weinstein – suốt ba thập niên. Những ngày sau đó, nhiều diễn viên khác như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow hay Léa Seydoux cũng tố cáo ông trùm sinh năm 1952.

Sau khi Harvey Weinstein đã bị sa thải khỏi công ty và bị cảnh sát điều tra, vụ bê bối tiếp tục lan rộng. Tờ New York Times bình luận: “Sự gục ngã của Harvey Weinstein đã khiến nhiều cánh ‘cổng chắn lũ’ ở Hollywood mở ra”. Nhiều vụ tương tự việc của Harvey liên tiếp bị phanh phui.

Ngày 17/10, Roy Price – người lãnh đạo hãng Amazon – từ chức vài ngày sau lời cáo buộc quấy rối tình dục của nhà sản xuất Isa Hackett. Cũng trong ngày, đến lượt Bob Weinstein – em trai Harvey Weinstein – bị tố cáo sàm sỡ. Trên Variety, nhà sản xuất Amanda Segel nói Bob liên tục gạ gẫm cô khi cô đang thực hiện series Spike của hãng Weinstein. Trên ElleJennifer Lawrence kể từng bị gạ tình và bị ép giảm cân. Reese Witherspoon cũng tố cáo từng bị một đạo diễn xâm hại tình dục vào năm 16 tuổi.

hollywood-o-nguong-cua-doan-tuyet-van-hoa-ga-tinh

Roy Price (phải) từ chức sau khi bị Isa Hackett (trái) tố cáo.

Toàn bộ diễn biến gần đây được nhiều báo Âu Mỹ xem là đánh dấu bước chuyển lớn ở Hollywood. Ngoài việc lên án Harvey Weinstein và những người khác, vấn đề lớn hơn được đặt ra là sự thay đổi văn hóa của ngành phim ảnh Mỹ – nơi mặc định chuyện “đổi tình lấy vai diễn” là thông lệ và phụ nữ phải giữ im lặng.

Mary Parent – phó chủ tịch hãng Legendary Entertainment – chia sẻ: “Chúng ta đều biết không thể thay đổi quá khứ. Tất cả những gì có thể làm là thay đổi tương lai”. Trang Variety nhận định: “Chúng ta đang ở thời khắc của sự thay đổi – thời điểm mà những tội ác không thể bào chữa, từng gieo rắc sợ hãi cho nhiều phụ nữ (và một số người đàn ông), không thể bị làm ngơ nữa”.

Gretchen Carlson – nữ dẫn chương trình của Fox News – chia sẻ. “Phụ nữ từng không đủ dũng cảm để lên tiếng vì không được lợi gì, nhưng bây giờ không như thế nữa. Khi tôi liều lĩnh ‘nhảy khỏi vách núi’, tôi tin người khác sẽ nhìn thấy và biết mình cũng làm được. Tôi tự hào khi thấy một phụ nữ có thể tạo ra khác biệt và khiến những người còn lại mạnh mẽ hơn”. Carlson cũng là một người dám lên tiếng, từng khiến cựu chủ tịch Fox News Roger Ailes phải bỏ ra 20 triệu USD để dàn xếp sau vụ quấy rối tình dục năm 2016.

hollywood-o-nguong-cua-doan-tuyet-van-hoa-ga-tinh-1

Các nữ diễn viên Rose McGowan (phải) và Ashley Judd sử dụng Twitter để lên án Harvey Weinstein.

Hiệu quả của mạng xã hội là một vấn đề được Variety nói đến. Trong quá khứ, ông Harvey nhiều lần bưng bít thành công scandal nhờ đường dây quan hệ với một số người đứng đầu các báo. Tuy nhiên, sau bài báo của New York Times, các mạng xã hội bùng nổ trong dòng chảy thông tin mà quyền lực của ông trùm sinh năm 1952 không thể khống chế.

Hashtag #MeToo (Tôi cũng vậy) được nhiều phụ nữ sử dụng trên Facebook, Instagram và Twitter để chia sẻ về việc bị quấy rối hay xâm hại. Người khởi xướng phong trào này là nữ diễn viên Phép thuật Alyssa Milano khi viết trên Twitter vào ngày 16/10: “Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục, hãy viết ‘Tôi cũng vậy’ để hưởng ứng”.

Theo New York Times, hashtag này đã được sử dụng hơn 500.000 lần trên các mạng xã hội trong 24 giờ đầu sau bài của Milano. Một số người nổi tiếng phản hồi bao gồm ca sĩ Lady Gaga, diễn viên Rosario Dawson, Anna Paquin và Evan Rachel Wood.

Nhìn rộng hơn, vụ của Harvey Weinstein là dấu hiệu cho thấy những biện pháp mà những người có quyền lực ở Hollywood dùng để che đậy tội lỗi không còn hiệu quả. Kathryn Bigelow – nữ đạo diễn từng đoạt Oscar – chia sẻ trên New York Times: “Sự dân chủ hóa trong việc lan rộng thông tin cuối cùng cũng đi nhanh hơn khả năng của một ông trùm truyền thông có thể chôn vùi nó”.

hollywood-o-nguong-cua-doan-tuyet-van-hoa-ga-tinh-2

Tranh biếm họa của Variety về Harvey Weinstein.

“Những người tố cáo ông không chỉ lên truyền hình hay báo, mà trong nhiều trường hợp, họ từ bỏ các phương tiện truyền thông chính thống và chia sẻ trên Twitter hay Instagram. Sự phán xét ông Harvey diễn ra với tốc độ và sự cuồng nộ của thời đại kỹ thuật số. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề cho những kẻ quấy rối chưa bị vạch mặt”, tờ Variety nhận định.

Bên cạnh đó, sự hợp tác của những cơ quan điện  ảnh ở Hollywood cũng có thể góp phần đẩy lui nạn quấy rối tình dục. Ngày 14/10, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh ra quyết định tước quyền thành viên của Harvey Weinstein. Tờ Guardian dẫn lời đơn vị: “Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp về việc kết thúc thời đại của sự thờ ơ có chủ đích cũng như sự đồng thuận đáng xấu hổ với những hành vi tấn công tình dục và quấy rối trong ngành phim ảnh”.

“Một vấn đề hết sức khó chịu như vậy không được phép xảy ra trong xã hội của chúng ta. Ban lãnh đạo tiếp tục thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức trong hành vi và mọi thành viên Viện Hàn lâm phải làm gương cho điều đó. Viện Hàn lâm không phải tòa án xét xử dị giáo, nhưng có thể góp phần vào việc quyết định các chuẩn mực hành xử”.

hollywood-o-nguong-cua-doan-tuyet-van-hoa-ga-tinh-3

Nhiều ông trùm như Harvey Weinstein bị cho là dùng quyền lực để gạ tình các diễn viên trẻ.

Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (Producers Guide of America) cũng quyết định đuổi Harvey Weinstein và tuyên bố: “Quấy rối tình dục ở bất kỳ dạng nào là không thể chấp nhận. Đây là vấn đề hệ thống và lan tỏa, cần ngành điện ảnh hành động ngay lập tức để ngăn chặn”. Tuyên bố mạnh mẽ của các đơn vị được xem là lời cảnh báo đến các ông trùm rằng họ hoàn toàn có thể chịu chung số phận như Harvey Weinstein, nếu có hành vi sai trái.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng văn hóa ‘gạ tình’ của Hollywood khó thay đổi trong thời gian tới. Theo cây bút nữ Melanie McFarland của Salon, vấn đề cơ bản nằm ở việc đàn ông chiếm đa số các vị trí quan trọng trong giới phim ảnh. Trong 250 phim có doanh thu cao nhất năm 2016, phụ nữ chỉ chiếm 17% số giám đốc điều hành, 13% số biên kịch và 7% số đạo diễn. Đàn ông vẫn giữ tiếng nói quan trọng trong việc tuyển dụng, thăng tiến và xử phạt các tình huống quấy rối.

“Văn hóa bất bình đẳng giới ăn sâu vào mọi cấp độ của ngành phim ảnh, từ các chủ hãng, ngôi sao đến báo chí cố giữ kín những hành vi bệnh hoạn”, cô chia sẻ. Đồng ý kiến, nhà sản xuất Gail Berman cho rằng chuyện quấy rối sẽ khó xảy ra hơn nếu có nhiều phụ nữ ở các vị trí quyền lực.

Đạo diễn Bridemaids Paul Feig bày tỏ: “Harvey và những người quyền lực khác có sức nặng bởi họ nắm giữ con đường thăng tiến, giữ chìa khóa dẫn đến ước mơ và hy vọng của người khác. Nhiều người nghĩ họ phải chịu đựng và im lặng, bởi với một cuộc gọi, các ông trùm có thể cho họ vào sổ đen”.

Trên Variety, bà Shaunna Thomas – người sáng lập một tổ chức chống xâm hại – nói: “Bạn có thể thay đổi luật lệ, chính sách, nhưng nếu văn hóa của Hollywood hay bất cứ ngành công nghiệp nào được tạo ra để bảo vệ những người như Harvey, luật lệ chẳng có ích gì”. Về lâu dài, bà Shaunna cho rằng sự thay đổi thái độ tự thân của những người có quyền lực mới là yếu tố quyết định trong việc loại bỏ nạn quấy rối tình dục.

Ân Nguyễn

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN