Chúng ta thường nghe nói vấn đề “giảm tải” trong giao thông, chương trình giáo dục hay một số ngành nghề chịu sức ép khi số lượng tăng mà chất lượng giảm. Trong xây dựng nhà ở cũng vậy, vấn đề giảm tải cho không gian sống thực ra là câu chuyện muôn thuở theo kiểu “bình mới rượu cũ”, trong đó không gian bếp ăn và không gian giao tiếp luôn cần quan tâm hơn cả. Giảm tải đúng không chỉ giải quyết được vấn đề chất lượng môi trường sống, mà còn là giải pháp phong thủy hữu hiệu.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-1
Sân trong, giếng trời luôn là vùng “ngoại trong nội” quan trọng của nhà ống từ xưa đến nay

Việc xác định lý do “tăng tải” trong nhà ở cần căn cứ vào các đặc thù trong mối quan hệ Thiên – Địa – Nhân, cụ thể là:

– Không gian bị biến đổi theo thời gian, lối sống hiện đại với nhiều thiết bị công nghệ, vật dụng tiêu dùng… khiến nhà cửa bề bộn, hoặc con cái lớn lên cần thêm không gian chức năng giao tiếp, sinh hoạt, trong khi nhà vẫn giữ nguyên diện tích và xuống cấp.

– Không gian chịu tác động của địa điểm, cấu trúc… đi cùng cách sắp xếp vật dụng, thiếu khoảng trống thư giãn, thiếu giao tiếp thiên nhiên, đường sá và nhà lân cận gây tác động xấu lên nhà mình.

– Không gian bếp ăn bị lối đi nhiều và xuyên qua, đồ trang trí và gia dụng thiếu đồng bộ gây mỏi mệt thị giác, hoặc tiếng ồn, âm thanh, mùi vị trong – ngoài tác động tiêu cực, khiến người cư ngụ chỉ muốn trốn vào góc riêng đóng kín. Lâu ngày gây ra tình trạng ngăn cách nội khí, gia đình thiếu kết nối, thành viên thiếu tương tác, xa rời nhau.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-3

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-4
Điểm xuyết góc thư giãn cạnh thiên nhiên, tận dụng gian áp mái làm chỗ thiền… giúp nhà cửa giải quyết các công năng “khi cần thì không có”

Những biến đổi kể trên đòi hỏi đánh giá theo quá trình nhìn lại truyền thống và chọn lọc khoa học trong giải pháp xử lý.

Nhà xưa giảm tải ra ngoài

Xét theo nguyên tắc “tránh Ngũ Hư – tăng Ngũ Thực” trong phong thủy, thì cha ông ta rất ít khi làm tòa ngang dãy dọc diện tích dư thừa rồi sử dụng không hết, gây hoang phí và Tán Khí. Nhà xưa cấu trúc tính theo gian và chái, với phần cốt lõi là gian thờ và nhà chính, còn các khu vực phụ trợ bố trí theo kiểu “vây cánh”, nối vào nhà chính dạng chữ đinh, hay kéo thêm chái phụ, nhà ngang, thảo bạt, nhà sau… để làm các không gian chức năng sinh hoạt khác nên sử dụng khá tách bạch, ít tác động vào nhà chính. Tuy nhiên do cách thức đun nấu, vật liệu sử dụng trong khu bếp trước kia khá thô sơ, bụi bặm, không thể sạch đẹp bằng hệ thống tủ kệ, chất liệu bếp hiện đại được, nên việc đặt bếp ra ngoài nhà chính khá tiện lợi, hợp vệ sinh.

Hầu hết nhà ở truyền thống các vùng miền đều có không gian hàng hiên – hàng ba (hay hiện nay còn gọi là terrace) là một đặc trưng xử lý nơi giao hòa Âm Dương để góp phần “giảm tải” cho các không gian sống bên trong. Đây là vùng Trường Khí chuyển tiếp, không quá thiên về Âm hay Dương, che chắn mưa nắng tùy theo phương hướng, cấu trúc, không đóng kín mít hay mở hoàn toàn, rất hợp với nhiều nhu cầu sinh hoạt thường ngày lẫn khi có việc tập trung nhiều người, hoặc tiếp khách thân tình mà không cần phải ngồi tại nơi trịnh trọng. Cách bố trí này vừa phân vùng chức năng linh hoạt, vừa biểu hiện văn hóa ứng xử kết nối thiên nhiên tốt, cũng như xem trọng tình cảm của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nhà ở vùng Trung bộ và Nam bộ cho tới bây giờ vẫn rất hay dùng hàng ba làm nơi tụ tập ăn uống, đờn ca, sản xuất phụ… mang tính sinh hoạt dân dã, tiện lợi.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-6

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-5
Hành lang, hàng hiên với chất liệu mộc mạc, thông gió tốt giúp ngôi nhà hô hấp hiệu quả hơn

Khi chuyển sang dạng nhà phố, nhà ống có buôn bán thì các bố trí phong thủy dần đi vào bên trong, với không gian giếng trời, sân sau là nơi thay thế vai trò hàng hiên, sân vườn thuở trước. Không gian đệm kiểu giếng trời đã có nhiều biến thể phong phú, từ lộ thiên hoàn toàn đến lộ thiên có mái bán phần, rồi kiểu sân che mái toàn phần (có thoát gió trên đỉnh) thành khoảng thông tầng. Những dạng thức này tương thích với môi sinh bên ngoài và hướng nhà để đón nhận nắng gió tốt và giảm tránh nắng gió xấu, có thể kiêm phòng khách mở rộng, bếp ăn hoặc nơi sinh hoạt gia đình khi cần thiết.

Nhà nay lưu tâm trung cung và chiều cao

Đất đai xây dựng ngày càng thu hẹp và kỹ thuật xây dựng ngày càng tiên tiến thì ngôi nhà hiện đại hầu như chủ yếu vươn lên theo chiều cao, do đó việc giảm tải cho nhà cũng gắn liền với tính toán hệ thống giao thông đứng và tận dụng không gian theo cấu trúc hiện đại. Trong nhà ống liên kế sát nhau, để không bị thiếu ánh sáng và không khí ở khoảng giữa nhà, cần tính hệ thống các giếng trời, thông tầng sao cho vừa giải quyết độ thông thoáng vừa tránh tình trạng ngăn phòng liên tiếp gây lối đi hun hút xuyên dọc, gió lùa và rất bất tiện. Nguyên tắc cơ bản vẫn là bù trừ Âm Dương, tránh thuần Âm hay thuần Dương trong bài trí và chọn lựa vật liệu hoàn thiện nội thất với nhiều cách khác nhau:

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-7
Những không gian đệm dù nhỏ hẹp vẫn giúp đưa thêm cây xanh, thiên nhiên vào nhà nhiều hơn là lấy hết diện tích cho sàn sử dụng

– Dự trù đủ không gian khi gia đình phát triển trong tương lai để cấu trúc phòng ốc và kết cấu không bị sức ép, biến dạng, bằng cách trả lời các câu hỏi (làm nhà) cho ai, như thế nào. Tất cả cần cụ thể, chứ không nên sao chép mẫu nhà nào đó chung chung, nhà của người khác.

– Bớt mảng đặc tăng mảng rỗng, bớt xây tường sơn phết mà điểm xuyết dùng lam, gạch bông gió, vách ngăn nhẹ… để tăng thông gió, tạo cấu trúc đan xen nhẹ, tạo thấp thoáng trong thị giác… nhất là trong khu bếp ăn cần thoát khí tốt.

– Tận dụng vị trí Trung Cung của nhà (nhất là với căn hộ chung cư và nhà ống) làm nơi giao hòa trên – dưới, trong – ngoài, có thể làm sân cây cảnh hoặc nơi trà đạo, góc thư giãn kế bên phòng ăn hoặc chỗ mở rộng của phòng khách. Trung Cung cũng hay được kết hợp với trục thang để giúp phân bố giao thông có bán kính phục vụ đều, giảm hành lang dài hun hút gió lùa.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-9
Tận dụng gầm thang một cách hữu ích và mỹ thuật là cách giảm tải tốt cho nhà phố nhỏ

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-10-

– Với mỗi không gian riêng nên thử xem có thể tạo thêm những khoảng hỗ trợ về công năng, như khoảng thay đồ và chứa vật dụng, khoảng tiếp khách riêng thân mật (nếu có) hay khoảng học tập – giải trí cho con cái. Những góc hỗ trợ này chỉ cần bài trí đơn giản, lấy yếu tố tiện dụng làm chủ đạo, có thể ở nơi gặp nhau của trục giao thông và phòng riêng. Ví dụ như một khoảng đệm đầu cầu thang, một băng ghế cạnh nhà xe kết hợp chỗ mang giày và treo nón… sẽ giúp phòng khách gọn đẹp và tiện lợi hơn. Với gia đình nhiều thế hệ sinh sống, việc thêm khoảng tiếp khách phụ, tiếp khách tạm là rất cần thiết để tăng sự chủ động và ít ảnh hưởng lẫn nhau.

Nội thất cứng, vật dụng mềm

Mọi phòng ốc ở thời điểm thiết kế và xây dựng xong (phần cứng) chỉ mang tính tương đối, thực tế sử dụng luôn cần hoàn thiện thêm về đồ đạc tùy lứa tuổi, giới tính, nếp ăn ở… mà lưu tâm đến các vấn đề bố trí linh động (phần mềm) theo phong thủy như sau:

Phòng ăn (thuộc Mộc) nếu có thể nên bố trí độc lập với khu bếp nấu (thuộc Hỏa + Thủy và Kim nhiều) bằng vách nhẹ đóng mở được để tiện dụng hơn và tránh bề bộn, cũng như có thể dùng máy điều hòa khi cần thiết vào mùa nóng bức. Một số chung cư hiện nay đã thiết kế khu bếp trong khu riêng khá phù hợp với đặc điểm nấu nướng của Việt Nam.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-11
Với hệ tủ đa năng kiêm vách ngăn nhẹ, không gian căn hộ sẽ bớt ngăn chia cứng và tăng khả năng liên kết khí

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-12

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-11a

Kế bên không gian bếp dù là nhà phố hay chung cư cũng cần có kho nhỏ hoặc hệ thống tủ trên cao để chứa vật dụng ít dùng đến nhưng không bỏ đi được. Sàn nước hoặc sân phục vụ có mái che hoặc lộ thiên – dù nhỏ – cũng rất cần có để giảm tải cho bếp bên trong, nhất là với những nhà hay tổ chức tiệc tùng.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-13
Tủ thờ đi cùng giá sách trong căn hộ nhỏ, một cách kết hợp công năng hữu hiệu

Cần hiểu quan niệm làm nội thất “cứng” là tính toán hệ thống kỹ thuật thông suốt, dễ xử lý, tiện dụng, ít chi tiết phức tạp và không làm cào bằng giống nhau. Ví dụ, hệ thống đèn cho bếp đi liền với tủ kệ và thiết bị nấu bếp, nhiều ánh sáng trắng (Kim) và gần mặt bàn thao tác. Còn đèn trong phòng ăn tùy theo vị trí bàn ăn và trang trí sao cho quây quần ấm cúng, ánh sáng thiên về vàng (Thổ trung hòa) nhiều hơn.

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-14

NT265_khong-gian-bep_PThuy_2017-15
Có nhiều cách tận dụng mảng tường ngăn chia hiệu quả đồng thời vẫn đảm bảo thông thoáng, lấy sáng

Đồ đạc và vật dụng “mềm” nên có khả năng cơ động để khi cần thì mở rộng, thay đổi kích cỡ hoặc lắp ghép theo nhu cầu phát triển. Các bề mặt bọc vải, đồ nhựa, mây… phù hợp với tính chất Mộc của không gian nhà ở hơn là tính Kim của không gian văn phòng. Nội thất tích hợp hoặc thông minh không có nghĩa phải nhồi nhét nhiều thứ vào trong không gian, mà nên hướng đến sự tối giản về hình thức và đa dạng về khả năng sử dụng, ví dụ như các loại tủ kệ có thể tăng giảm độ cao, ráp thêm khối mới vào, hoặc xoay lật đổi chiều để trở thành ghế ngồi… Những tính toán đồ đạc linh hoạt trong không gian hợp lý và ít chi tiết rườm rà sẽ giúp giảm sức ép thay đổi, tránh ảnh hưởng đến cấu trúc và đáp ứng nhiều nhu cầu cho hiện tại cũng như tương lai.Ảnh 

Xuân Trang

KTS HÀ ANH TUẤN

Nguồn: noithatmagazine

BÌNH LUẬN