Sáng (27/9), tại Hà Nội, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) đã tổ chức tọa đàm Thị trường khoa học công nghệ. Tham dự tọa đàm có 100 nhà khoa học và 30 nhà đầu tư đến từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã giới thiệu một số công trình khoa học công nghệ (KHCN) tiêu biểu của các nhà khoa học có thể ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, chế biến, thực phẩm chức năng…

Các nhà khoa học cho rằng, hàng năm, các nhà khoa học của Việt Nam có thể đưa ra hàng trăm các công trình nghiên cứu khoa học thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, có những công trình khoa học rất tốt, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn, song lại không được áp dụng nhiều. Đó là một điều rất đáng buồn cho chính các nhà khoa học và thiệt thòi cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cũng tiến hành lễ ký thỏa thuận hợp tác. Mục đích của lễ ký nhằm kết nối các nhà đầu tư và nhà khoa học để nâng cao khả năng ứng dụng và thương mại hóa của các dự án nghiên cứu khoa học.

Là một trong những nhà khoa học có rất nhiều công trình nghiên cứu thành công, TS Hà Phương Thư – Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam (VAST) cho biết: Có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học rất thành công, nếu được ứng dụng, sẽ rất tốt cho đời sống con người, nhưng lại không nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Nguyên nhân là bởi, vẫn thiếu “sợi dây kết nối” 5 nhà, đó là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, nhà đầu tư và người dân.

Cụ thể, những công trình nghiên cứu của bà Hà Phương Thư, đã nghiên cứu thành công được vài năm nhưng không ai biết đến, chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì các DN, nhà đầu tư mới biết đến để đầu tư. Từ thực tế của bản thân, bà Hà Phương Thư cho rằng, để các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đi vào thực tiễn, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nhà đầu tư và nhà khoa học.

TS Hà Quý Quỳnh – Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng cho rằng: Hiện các công trình nghiên cứu khoa học để đưa ra được thị trường thường bị mắc lớn nhất ở khâu giữa, đó là khâu đưa sản phẩm mẫu thành sản phẩm thực tế để đưa ra thị trường.

Đại diện SVF và VAST tiến hành lễ ký thỏa thuận hợp tác

Đồng ý với quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nhà khoa học thường chỉ giỏi nghiên cứu, còn thiết kế sản phẩm, marketing để đưa sản phẩm ra thị trường lại không phải chuyên môn của họ. Trong khi đó, các nhà đầu tư, họ lại không am hiểu nhiều về chuyên môn khoa học, họ lại chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh doanh. Do đó, để đưa sản phẩm từ công trình khoa học ra thị trường, bản thân các nhà khoa học cũng cần phải có khả năng thuyết trình nhiều hơn về sản phẩm, để nhà đầu tư thấy được lợi ích của sản phẩm, cũng như khả năng xâm nhập thị trường, khả năng thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường và ra quyết định đầu tư.

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn sơn Kova, đồng thời cũng là một nhà khoa học cho biết: Không có một mô tuýp nào để đưa nghiên cứu khoa học vào thị trường một cách nhanh và hiệu quả nhất, vì ở mỗi thị trường lại có sự khác biệt. Ví dụ như ở Singapore, họ cần cả lý thuyết và thực tiễn của nhà khoa học, nhưng ở Việt Nam thì cơ chế, giấy tờ phức tạp, nên lại cần đẩy mạnh yếu tố thị trường và marketing. Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng mà nhà khoa học và nhà đầu tư luôn phải nhớ, đó là cần đưa ra những công trình nghiên cứu có chất lượng, có khả năng ứng dụng cao, có khả năng xã hội hóa được. Có như vậy mới thuyết phục được nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư cho công trình của mình.

Nguyễn Hòa

Nguồn: baocongthuong

BÌNH LUẬN