Bà Cleusa Maria nay là triệu phú chuỗi cửa hàng bánh ngọt nhượng quyền với doanh thu 63 triệu USD mỗi năm. Ảnh: BBC.
Bố bà qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1978, khi Maria 12 tuổi. Gia đình chỉ còn lại mẹ Maria và 10 đứa con cùng chút tiền, đành chuyển về sống nhờ nhà bà ngoại.
“Đó là khi tôi nhận ra cuộc đời tệ đến thế nào, thậm chí có thể xấu hơn”, bà nhớ lại. “Mẹ và tôi phải nuôi sống gia đình. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm giúp mẹ nuôi nấng 9 em”.
Maria và mẹ xin vào chặt mía trong các nông trường ở bang Sao Paulo. Mỗi ngày, họ làm quần quật 10 tiếng từ lúc mặt trời mọc. Năm 17 tuổi, Maria không muốn dành phần đời còn lại trên đồng ruộng. Bà rời quê tới Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil và xin đi làm giúp việc.
Đó là một thế giới mới, không hề dễ dàng. Maria ở với chủ nhà, chỉ được nghỉ hai ngày một tháng. Tất cả tiền lương gửi về cho mẹ ở quê.
“Tôi sống trong một gia đình giàu có, thuê tới 9 giúp việc chỉ để phục vụ ba người”, bà nhớ lại. “Quãng thời gian đó khiến tôi suy nghĩ, tại sao mình phải ăn thứ khác với chủ nhà? Tại sao phải đứng rót nước trong khi họ ngồi ăn uống?”
Maria muốn tìm lối rẽ cho cuộc đời. Bà đăng ký một khóa học bổ túc và xin làm lễ tân. Tuy nhiên, Maria vẫn muốn được ở gần mẹ hơn, cuối cùng, bà chuyển về quê, làm cho một nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao.
Bước ngoặt
Năm 1995, Maria được vợ của ông chủ yêu cầu làm một việc khác thường là nướng một cái bánh sinh nhật nặng 35 kg. Việc này đã thay đổi cuộc đời bà.
“Vợ của ông chủ hay nướng bánh đem bán. Hôm đó bà ấy bị gãy chân”, Maria nói. “Tôi không biết làm bánh nhưng bà ấy hướng dẫn tôi và tôi làm được”.
Vợ của ông chủ rất hài lòng, mua tặng một cái máy trộn và tìm thêm cho Maria khách hàng. Khi đó, Maria vừa ly hôn, một mình nuôi con nhỏ, dành cả ngày làm việc trong nhà máy và tranh thủ nướng bánh buổi tối.
Hai năm sau, bà xin nghỉ việc. Cùng với em trai, Maria mở một tiệm bánh nhỏ. Trong vòng một thập niên, Maria đã mở 4 tiệm bánh. Một khách hàng đề nghị bà nên mở rộng tiệm thành chuỗi cửa hàng nhượng quyền.
“Khi đó tôi chẳng biết nhượng quyền nghĩa là gì. Nhưng người khách ấy cứ kiên trì nói về nó cả năm. Cuối cùng, tôi tới Sao Paulo học một khóa về mô hình kinh doanh và quyết định thành lập cửa hàng nhượng quyền. Người khách ấy trở thành đối tác đầu tiên. Trong chưa đầy hai năm, chúng tôi đã mở hơn 50 cửa hàng mới”.
Trở ngại
Sau khi mở cửa hàng thứ 74, Maria gặp khó khăn khi phát hiện tên công ty Sensacoes Doces đã bị nhà khổng lồ trong ngành thực phẩm Nestle đăng ký sở hữu trí tuệ.
“Đó là cuộc chiến mà tôi không thể thắng. Tôi mất ngủ suốt 4 tháng, cố tìm giải pháp”, bà nói. Thay vì giữ tên cũ, bà đặt tên mới Sodie Doces (Bánh ngọt Sodie), ghép từ tên của hai con Sofia và Diego.
Sau đó, Maria gửi logo mới đến các cửa hàng nhượng quyền và lấy tiền túi trả chi phí sửa đổi. Kết quả là Sodie Doces mặc dù không có lời trong 4 năm sau đó, nhưng “vẫn giữ được uy tín và không đóng cửa một cửa hàng nào”.
Hai thập kỷ sau khi mở cửa hàng đầu tiên, Maria giờ có hơn 300 cửa hàng tại 13 bang ở Brazil, doanh thu hàng năm 63 triệu USD. Giá bánh của cô dao động từ 13,5 USD tới 24 USD. Để mở cửa hàng Sodie Doces, đối tác phải đầu tư 126 USD và thuê 15 nhân viên.
Luis Henrique Stockler, chuyên gia về lĩnh vực nhượng quyền ở Brazil, cho rằng Sodie Doces đã “vượt qua mọi thử thách của thị trường” để phát triển.
“Tôi có hai ước mơ trong đời. Một là đưa mẹ rời khỏi nông trường mía. Hai là các con không bao giờ phải cực khổ giống tôi. Tôi từng rất sợ vì chúng tôi bắt đầu phát triển quá nhanh, mà tôi thì không đủ kinh nghiệm và có thể mất sạch số tiền đã đầu tư. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mọi thứ đang ổn và tôi nên biết ơn vì đã tiến xa được tới ngày nay”, nữ triệu phú 51 tuổi tâm sự.
Theo ngaynay.vn