Cây hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản gắn liền với địa danh Bảo Lâm thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam. Đây là loại quả không lớn, nhưng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có hương vị thơm ngon.
Bảo Lâm là tên một xã thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc, Lạng Sơn có địa hình đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh. Dạng địa hình phổ biến ở Lạng Sơn là núi thấp và đồi, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển. Nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1541m.
Cây hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản gắn liền với địa danh Bảo Lâm. Đây là giống hồng địa phương đã được trồng tại Bảo Lâm và sau này phát triển ra các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng từ lâu đời, do vậy có thể coi giống hồng đặc sản Bảo Lâm là giống cây trồng bản địa.
Hồng không hạt Bảo Lâm. Ảnh: Giadinhvietnam.
Hồng có tên tiếng Latinh là Diospyros, tiếng Anh là Persimmon, thuộc họ thị (Ebenaceae). Loại hồng được trồng phổ biến nhất hiện nay là Diospyros kaki L có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hồng không hạt Bảo Lâm là loại giống cây trồng bản địa. Theo lời kể của những vị già làng trong vùng, cây hồng không hạt đã có trên 100 năm. Hồng không hạt Bảo Lâm thuộc loài hồng trơn, quả không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch.
Hồng không hạt Bảo Lâm đặc điểm quả không lớn nhưng chất lượng quả, hàm lượng dinh dưỡng, đường, tinh bột cao, có vị ngọt vừa phải, và có mùi thơm rất đặc trưng, khi chín, quả có sắc vàng ánh hồng, thịt quả ăn giòn, thơm, hàm lượng vitamin cao…
Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là quả hồng không hạt, được trồng từ giống hồng không hạt bản địa, được người dân Bảo Lâm chọn lọc tự nhiên. Được chăm sóc và thu hoạch trên khu vực địa lý thuộc các xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa và Thạch Đạn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.
Hiện nay, hồng không hạt Bảo Lâm được bảo quản và đóng gói trên khu vực huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Phương Thảo – Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)