Tại phiên họp vừa diễn ra, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương là 10%. Ở phía đại diện doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nếu tăng lương thì chỉ ở mức 5%. Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, các bên cần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử… Nếu lương tối thiểu tăng quá cao, nhiều doanh nghiệp khó khăn sẽ phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm nhân sự.
Mặc dù cả hai bên đã nâng lên, hạ xuống nhưng do vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, khoảng cách là 3%, vì vậy cần phải chờ phiên họp tới đây để đưa ra quyết định cuối cùng về tăng lương tối thiểu vùng. Dự kiến ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 3 để “chốt” mức tăng cho năm tới.
Tại phiên họp này, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8%.
Xung quanh vấn đề tăng lương tối thiểu, Báo Đấu thầu đã ghi nhận ý kiến từ chuyên gia kinh tế, đại diện người lao động và phía doanh nghiệp:
Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Căn cứ vào các yếu tố, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%. Tuy nhiên tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia lần thứ 2 (ngày 28/7), phía Tổng liên đoàn đã hạ xuống mức 10%.
Con số cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, song tôi cho rằng tình hình kinh tế – xã hội 2017 có nhiều điểm tươi sáng hơn 2016 nên không thể đưa ra mức tăng thấp hơn 7,3% của năm ngoái.
Mức 5% mà bên VCCI đưa ra là quá thấp, chỉ bù trượt giá, còn người lao động không được gì. Trong khi đó, thực trạng đời sống của công nhân, lao động hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Năm 2016, mức lương này chỉ đáp ứng được 80%, năm 2017 đáp ứng được từ 93 – 94% cho người lao động.
Nghiên cứu, khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc làm, đời sống tại 17 địa phương cũng cho thấy, có hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể tích lũy từ thu nhập. Có 54% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản Thuận Phước
Tiền lương là sự thoả thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Không ai thoả thuận mức lương này hợp lý hơn chính người sử dụng lao động. Do vậy, nếu được, nên bỏ quy định về mức lương tối thiểu.
Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng không có việc chủ sử dụng lao động ép được người lao động nếu họ không thoả mãn mức lương nhận được. Việc thiếu lao động đang diễn ra phổ biến ở các ngành nghề. Nếu đi một vòng quanh các khu công nghiệp, người ta sẽ thấy các bảng treo tuyển lao động, nhân sự rất nhiều.
Trên thực tế, chắc hiếm có người lao động nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu hiện nay. Lương tối thiểu chỉ làm căn cứ thang bậc tính mức đóng các loại bảo hiểm, phí công đoàn…
Do vậy, tôi cho rằng việc phía công đoàn nói mức lương tối thiểu hiện nay không đủ sống, làm triệt tiêu động lực làm việc của người lao động, đó hoàn toàn là lý thuyết. Đối với các công việc như giúp việc, lau dọn ở quán ăn…, tôi khẳng định nếu bạn trả dưới 4 triệu sẽ không ai nhận làm.
Công ty tôi có vài nghìn công nhân. Thu nhập bình quân mỗi tháng người lao động nhận được cũng trên 6 triệu đồng. Không có ai được trả dưới hoặc bằng mức lương tối thiểu cả. Không ai trả cho người lao động dưới mức tối thiểu đồng nghĩa với việc nâng lương tối thiểu thực chất là vô nghĩa đối với người lao động. Trong khi đó, việc nâng lương tối thiểu sẽ làm tăng thêm các khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn. Số tiền này sẽ được tính vào chi phí sản xuất, khi chi phí bị đẩy lên cao thì sản phẩm khó có thể cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ rơi vào bờ vực khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV)
Tốc độ gia tăng hàng năm về mức lương tối thiểu tại Việt Nam cao hơn mức lạm phát và cao hơn các quốc gia khác trong khu vực. Ví dụ như Malaysia và Thái Lan có cân nhắc tăng lương tối thiểu nhưng đã bao gồm các chi phí khác và các phúc lợi của người lao động.
Tốc độ tăng nhanh chóng như vậy khiến chúng tôi lo lắng Việt Nam có thể giảm khả năng cạnh tranh so với các nước láng giềng. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu nên được cân nhắc một cách thận trọng. Việc tăng lương nên được quyết định dựa trên chỉ số kinh tế và xu hướng kinh tế hàng năm.
Doanh nghiệp đã và đang đối mặt với việc tăng chi phí cho lao động, bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn và nhiều lợi ích bắt buộc hơn. Chúng tôi cho rằng các yếu tố tăng chi phí này cũng cần được cân nhắc.
Trong phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Á, châu Đại Dương, có tới 75,5% doanh nghiệp tại Việt Nam trả lời rằng “việc tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế”. Mức lương cao chỉ sau Indonesia, Trung Quốc đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Chính vì vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy tự động hóa nhà máy nhằm cắt giảm chi phí cũng cao hơn ở các nước khác.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Việc tăng lương tối thiểu 2018 không đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như không giúp thu nhập của người lao động tăng lên. Trong khi đó, đây là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay. Vì vậy, VASEP tiếp tục kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Đồng thời, giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 – 3 năm/lần vì mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nguồn lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị không lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn. Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương cho người lao động không thấp hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định nhưng có quyền lựa chọn kết cấu tiền lương để khuyến khích người lao động nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
Chuyên gia kinh tế
Đối với người lao động, lương tối thiểu không phải vấn đề vì thực tế đại đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Do vậy, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
Hiện doanh nghiệp phải đóng cho các quyền lợi của người lao động khoảng 24% (trong đó 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu.
Nếu tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp đội lên một khoản đáng kể. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động. Thậm chí, nếu việc cắt giảm quá mạnh thì bản thân người lao động sẽ mất đi tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Cuối cùng, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi cả, chỉ có quỹ bảo hiểm, công đoàn được lợi thôi.
Chuyên gia kinh tế
Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết và cấp thiết vì nhu cầu cuộc sống ngày càng cao. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu thì không chỉ dựa vào việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng, mà cái quan trọng là năng suất lao động.
Một bên là đại diện người lao động, một bên là chủ sử dụng lao động, việc mỗi bên đưa ra một con số là đương nhiên. Nhưng khi đưa ra một con số thì cần phải thuyết phục người khác là dựa trên căn cứ nào. Tổng liên đoàn Lao động hôm trước đề xuất 13,3%, hôm nay thì rút xuống còn 10%. Vậy 10% dựa trên yếu tố nào, căn cứ nào? Tương tự với người sử dụng lao động cũng vậy, tại sao lại là 5%?
Theo quan điểm của tôi, việc tính toán mức tăng bao nhiêu cần dựa vào năng suất lao động, trong đó có xem xét đến mức độ trượt giá, tránh tình trạng “bóc ngắn cắn dài”. Đó cũng là lý do năm nào cũng phải họp bàn chứ không thể đưa ra các con số ấn định cho nhiều năm được.