Tương tự như phở, người Hà Nội có thể ăn bánh giò vào mọi thời điểm trong ngày mà không thấy chán.
Một buổi sáng có thể bắt đầu bằng một đĩa bánh giò góc phố thật nhanh gọn. Giữa ca chiều cũng vậy, một đĩa bánh giò sẽ như bữa phụ làm dịu ngay cơn đói.
Cái thứ bánh bình dân, giá cũng bình dân và hàng quán cũng thật bình dân này có thể tìm thấy ở nhiều góc phố, đặc biệt tại những nơi có mật độ giao thông cao như chợ, trường học hay công sở.
Không chỉ có tại hàng quán cố định ven đường, bánh giò còn được những người bán rong mang đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Thủ đô. Không biết từ bao giờ lời rao “Ai bánh giò nóng đây” đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân với hình ảnh người bán bánh trên chiếc xe đạp cũ, đằng sau là một chiếc giỏ hay thúng ủ kín với những chiếc bánh nóng hổi. Cứ thế tiếng rao bánh văng vẳng qua từng con phố nhỏ.
Bánh giò được làm bởi những nguyên liệu đơn giản với nhân bánh gồm mộc nhĩ, thịt nạc vai. Các nguyên liệu được rửa sạch băm nhỏ cùng nhau, thêm một chút hành củ và nêm nước mắm, hạt tiêu cho vừa ăn rồi đem xào qua.
Bột làm bánh được làm từ gạo tẻ xay nhuyễn, cho bột và ít muối cùng nước vào nồi hòa đều, quấy tan. Sau đó bắc lên bếp vừa đun vừa khuấy đều tay, cho tới khi thấy bột nửa sống, nửa chín và đặc lại thì bắc ra.
Lá chuối luộc qua cho mềm rồi vớt ra lau sạch, xé thành miếng vừa gói. Tiếp đó cho bột vào lá chuối rồi đến phần nhân. Bánh sau đó được gói khéo thành hình tam giác.
Tiếp đến bánh được cho vào nồi nước đang sôi. Nước trong nồi phải ngập bánh. Luộc khoảng 60 phút là bánh chín. Vớt ra rổ cho ráo nước.
Bánh chín vớt ra có mùi thơm thoang thoảng của lá chuối. Bánh giò được gói đều tay khi bóc lớp lá ra là đến lớp vỏ bánh trắng trong, bóng mượt không bị vỡ hoặc rách.
Tuy được coi là món ăn dân giã nhưng bánh giò vẫn mang trong mình cái cốt cách thanh lịch của người Hà Nội. Ăn bánh giò không được quá vội vàng mà cần đủ thời gian để cảm nhận vị ngọt của nhân thịt quện mùi hạt tiêu, hành khô, cùng cảm giác sần sật mà thơm của mộc nhĩ.
Theo vietnamplus.vn