Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể hôn mê rồi tử vong.

Vàng da ở trẻ sơ sinh là một trong những nỗi lo lớn của bậc làm cha làm mẹ. Vàng da là bệnh không nguy hiểm và trẻ có thể tự khỏi ngay sau đó. Song cũng có trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý và gặp biến chứng gây bại não, thậm chí là tử vong.

Bệnh vàng da ở trẻ là gì?

Đây là căn bệnh khiến cho da và lòng trắng trong mắt của trẻ sơ sinh có màu vàng. Đó là một dấu hiệu cho thấy có quá nhiều bilirubin trong máu của trẻ.

Tre bi vang da: Tat tan tat nhung dieu me phai biet

Hiện tượng vàng da xảy ra do có quá nhiều chất bilirubin trong máu của trẻ (Ảnh minh họa)

Tại sao bệnh vàng da lại phổ biến ở trẻ sơ sinh?

Hiện tượng vàng da xảy ra do có quá nhiều chất bilirubin trong máu của trẻ. Khi trẻ ở trong tử cung của mẹ, nhau thai làm nhiệm vụ loại bỏ bilirubin. Sau khi chào đời, gan trong cơ thể trẻ sẽ thay thế nhau thai làm nhiệm vụ này.

Gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện và do đó, phải mất vài ngày cho đến vài tuần để bắt đầu thực hiện chức năng một cách đầy đủ, vì thế mà có thể trẻ sẽ gặp hiện tượng vàng da.

Bệnh vàng da ở trẻ xuất hiện ở thời điểm nào?

Vàng da thường xuất hiện trong 5 ngày đầu tiên sau khi trẻ được ra đời.

Bệnh lý vàng da thường trở nên nặng nề đối với đối tượng nào?

Nếu em bé sơ sinh có bất kỳ yếu tố/ nguy cơ sau đây, mẹ hãy đưa bé đến thăm khám bác sĩ ngay để có thể theo dõi được mức độ bilirubin của bé chặt chẽ hơn:

– Trẻ đã có anh/chị em bị vàng da trước đó

– Bị bầm tím khi sinh

– Sinh trước 37 tuần

– Có hiện tượng vàng da sớm (trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh)

– Mẹ có nhóm máu O hoặc nhóm máu Rh

– Với những trẻ bị xuất huyết ở bụng, thiếu men gan…

Tre bi vang da: Tat tan tat nhung dieu me phai biet

Để phát hiện vàng da sớm, sau khi sinh 1-2 ngày, bố mẹ nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra da toàn thân (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị vàng da?

Trẻ bị vàng da thường có da màu vàng. Để phát hiện vàng da sớm, sau khi sinh 1-2 ngày, bố mẹ nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra da toàn thân. Hoặc bố mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ vào trán, mũi và trên cơ thể trẻ. Nếu thấy da có màu vàng đậm mà không trắng như những trẻ khác thì cần cảnh giác.

Da trẻ bắt đầu hiện sắc vàng, bắt đầu từ mặt và đầu, sau đó lan dần xuống ngực, bụng, cánh tay và chân khi nồng độ bilirubin tăng lên. Nếu bé có nước da ngăm đen sẵn thì có thể không nhìn thấy rõ sắc vàng. Lòng trắng, bên trong miệng, lòng bàn tay và gan bàn chân cũng có thể chuyển thành màu vàng.

Vàng da sơ sinh có nguy hiểm không?

Vàng da được chia thành 2 mức độ:

– Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt; hoặc vàng da xuất hiện muộn, sau ngày thứ ba.

– Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.

Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do Bilirubin lên rất cao và có thể gây tổn thương não, làm cho trẻ hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh nên được kiểm tra cẩn thận về vàng da và được điều trị để ngăn ngừa mức bilirubin cao.

Tre bi vang da: Tat tan tat nhung dieu me phai biet

Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do Bilirubin lên rất cao và có thể gây tổn thương não (Ảnh minh họa)

Vàng da có những loại nào?

Trẻ sơ sinh có 2 dạng vàng da là sinh lý và bệnh lý.

– Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý thường xuất hiện ngày thứ 2-3 sau sinh, vàng nhạt và không kèm bất kỳ triệu chứng nào khác. Biểu hiện này chỉ thoáng qua rồi tự khỏi (trong vòng một tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần ở trẻ non tháng).

– Vàng da bệnh lý

Vàng da bệnh lý kéo trên hai tuần và xuất hiện rất sớm, khoảng 2 ngày sau khi sinh. Màu vàng xuất hiện toàn thân và tăng dần lên đến các chi. Nếu bé bị vàng da bệnh lý sức khỏe suy giảm, nước tiểu có màu vàng còn phân thì có màu vàng hay bạc màu. Ngoài ra trẻ còn có thể bị sốt, co giật hay không muốn bú…

Vàng da bệnh lý có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho trẻ. Nó có nguy cơ biến chứng trở thành vàng da nhân não và khiến trẻ bị điếc, bị tê liệt lưỡi hoặc gặp các tổn thương khác về não nếu hàm lượng bilirubin trong cơ thể quá cao trong thời gian vài ngày hoặc vài tuần sau sinh.

Làm gì khi trẻ bị vàng da?

– Đối với trường hợp nhẹ:

Bố mẹ có thể điều trị cho bé tại nhà bằng cách tắm nắng. Hãy đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.

– Đối với trường hợp nặng:

Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

+ Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.

+ Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

Tre bi vang da: Tat tan tat nhung dieu me phai biet

Các bé bị vàng da bệnh lý thường được chiếu đèn (Ảnh minh họa)

Vàng da sơ sinh: Khi nào nên lo lắng?

Cần liên lạc gấp với bác sĩ nếu bé có một trong các biểu hiện sau:

– Da của bé càng ngày bị vàng nhiều hơn

– Da của bé đặc biệt vàng ở bụng, cánh tay và chân

– Bé ốm yếu, mệt mỏi, khó tỉnh giấc

– Bé không tăng cân, ăn uống khó khăn, kém hiệu quả

– Trẻ bị vàng da trong thời gian dài hơn 3 tuần

Theo Thanh Loan (Khám phá)

BÌNH LUẬN